Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cán bộ Đoàn phải “biết chơi” với thanh niên

Việt Tuấn| 16/09/2012 09:19

(HNM) -


Sinh viên Thủ đô tích cực hỗ trợ thí sinh trong đợt thi đại học, cao đẳng.

Đơn điệu, nghèo nàn, hình thức… là những hạn chế nổi cộm của hoạt động Đoàn. Không chỉ những người "ngoài" Đoàn cảm nhận, mà ngay cả người trong cuộc là cán bộ đoàn, hội cũng phản ánh. Tại hội nghị tổng kết 2 phong trào lớn của Đoàn (5 xung kích phát triển kinh tế, 4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp) mới đây, Bí thư Thường trực TƯ Đoàn Phan Văn Mãi, nhận định, hoạt động của Đoàn nhiều lúc chưa tương xứng với kỳ vọng, công sức bỏ ra. Một bộ phận người trẻ không có ý chí phấn đấu mà bằng lòng với hiện tại, cho rằng chỉ cần làm tròn bổn phận công dân, còn thì việc của ai người ấy lo, thờ ơ với thời cuộc, xã hội. Vì thế, tổ chức Đoàn phải đổi mới công tác giáo dục; giáo dục phải đi vào chiều sâu, để người trẻ có khát vọng vươn lên. Nghĩa là sự kỳ vọng của tổ chức Đoàn trong công tác giáo dục phải giúp thanh niên xác định nhiệm vụ là chiến sỹ trên trận tuyến chống đói nghèo, vươn tầm trong khu vực và thế giới; mỗi thanh niên đều có lý tưởng, hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Mong mỏi vậy, nhưng đổi mới cách nào thì cả hệ thống Đoàn cũng chưa có giải pháp hữu hiệu do thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và cả cơ chế, chính sách chưa đồng bộ. Công tác cán bộ là khâu quyết định đến phong trào, nhưng phần đông đội ngũ này ở các cơ sở đều yếu, thiếu và "cỗi". Tình trạng bí thư Đoàn cấp xã 39, 40 tuổi, trình độ học vấn "chắp vá", chưa theo kịp với thanh niên khá phổ biến. TP Hà Nội được xem là có đội ngũ cán bộ Đoàn ổn hơn nhiều địa phương, song qua đợt Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017 vừa qua, vẫn còn bí thư Đoàn cơ sở quá 35 tuổi, nhiều cán bộ đoàn tổ chức hoạt động phong trào qua loa cho xong, miễn có đầu việc để báo cáo cấp trên. Không thu hút, tập hợp được thanh niên, hoạt động đì đẹt thì lấy đâu ra công tác giáo dục tốt.

Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái cho biết, cán bộ Đoàn ở vùng cao trình độ, năng lực yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn khiến cho việc giáo dục muốn đổi mới, đi vào chiều sâu cũng khó. Đơn giản, ví như Đoàn xã vùng cao muốn chiếu phim tư liệu về Bác Hồ cũng khó khi mà thiếu thiết bị chiếu phim. Còn ở khu vực đô thị, internet, ti vi, báo chí, phim ảnh… lúc nào cũng có thể tiếp cận được thì cán bộ đoàn lại không theo kịp thanh niên. Thêm nữa, vai trò định hướng dư luận của tổ chức Đoàn trước các vấn đề bức xúc của xã hội, thanh niên chưa theo kịp, bị nhiễu, không tiếp cận được nguồn chính thống để chỉ đạo kịp thời. Ví như một vụ bạo lực học đường ở một địa phương, trường học, nhưng khi hỏi bí thư Đoàn sở tại thì không rõ, thậm chí còn trả lời "xem ti vi mới biết", hay "đọc trên mạng mới hay".

Lý giải tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, song chỉ đơn cử góc độ đãi ngộ thì lương cán bộ Đoàn chưa bảo đảm; nên những người có trình độ cao thì không muốn làm công tác Đoàn mà thường đi ra ngoài làm ăn xa… Nguyên Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn (khóa IX) Võ Văn Thưởng từng trao đổi tại các diễn đàn trước đây rằng, để đến gần với thanh niên, thu hút họ vào tổ chức, thì mỗi cán bộ Đoàn phải biết "chơi" với thanh niên. Chơi được, hiểu được thì dễ dàng định hướng, thể hiện vai trò dẫn dắt thanh niên trong các phong trào, hành động cách mạng. Nói thì dễ, song hầu hết cán bộ Đoàn cơ sở, thậm chí cấp huyện, tỉnh cũng khó có thể theo sát thanh niên, khi mà cả "núi" công việc với các phong trào, chương trình công tác, ký kết phối hợp... dày đặc từ Đoàn cấp TƯ đến trên cơ sở. Một cán bộ Đoàn cấp huyện ở Hà Nội từng chia sẻ, Huyện đoàn được biên chế 5 cán bộ, trong đó có 1 bí thư, 2 phó bí thư. Có thời điểm chỉ thực hiện các phong trào Đoàn cấp trên chỉ đạo, rồi tổng hợp báo cáo cũng thấy vất vả (Thành đoàn Hà Nội có 6 ban đối tượng), chưa kể triển khai các chương trình công tác khác theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn thời gian đâu mà "chơi" với thanh niên.

Để phong trào hành động của Đoàn lan tỏa rộng khắp, đi vào chiều sâu thì mỗi cấp bộ Đoàn cần chọn việc, triển khai sâu rộng, tránh dàn trải, nhất là trong tình trạng thiếu cả nhân lực và vật lực. Có như vậy mới không còn "tai tiếng" tổ chức Đoàn chỉ hô hào, hình thức, hời hợt…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ Đoàn phải “biết chơi” với thanh niên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.