Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho hôm nay và mai sau

Thái Sơn - Ngọc Hà| 10/10/2012 05:51

(HNM) - 58 năm trôi qua kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2012), Hà Nội hôm nay đã mang một diện mạo hoàn toàn mới, đầy triển vọng, xứng đáng là trái tim của cả nước. Tinh thần và truyền thống Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 qua hơn nửa thế kỷ luôn được bồi đắp, tiếp thêm sinh lực trong thời kỳ đổi mới với những nỗ lực phấn đấu và thu được thành tựu to lớn trong mọi lĩnh vực…

Nền móng vững chắc cho những thành công

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Hà Nội hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc kiến thiết, xây dựng Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trong sự nỗ lực vươn lên của cả đất nước, Thủ đô đã có những đóng góp chủ yếu và quan trọng. Hàng chục năm qua, Hà Nội luôn giữ vị trí đầu tàu, trung tâm của cả nước trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là về kinh tế với mức tăng trưởng luôn cao gấp 1,5 lần trung bình của cả nước, đóng góp trên 20% vào GDP của cả nước.

Đường Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Trung Hòa), công trình giao thông hiện đại của Thủ đô dự kiến thông xe vào ngày 21-10-2012. Ảnh: Huy Hùng

Sau khi mở rộng địa giới hành chính theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội (ngày 1-8-2008), Hà Nội hôm nay đã có một vị thế mới và mang một trọng trách mới. Điều đó đã được khẳng định trong Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Đó là xây dựng Hà Nội là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao dịch quốc tế, làm động lực thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô, vùng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước… Nhằm tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện mục tiêu trên, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có thể nói đây là những tiền đề, điểm tựa quan trọng để Hà Nội bước vào một giai đoạn mới - giai đoạn xây dựng và phát triển Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Như vậy Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và các quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là trao động lực lớn để Thủ đô bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn nữa bằng cảm hứng mới, sinh lực mới.

Để khát vọng trở thành hiện thực phải đánh giá đúng những ưu điểm, lợi thế để phát huy, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận các yếu kém, hạn chế. Đây chính là những vấn đề đã được Hà Nội đúc rút qua 25 năm cùng đất nước thực hiện công cuộc đổi mới. Đặc biệt những tồn tại trong chặng đường phát triển của Thủ đô giai đoạn 2001-2010 cũng được Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị chỉ rõ. Đó là nền kinh tế phát triển chưa toàn diện, sức cạnh tranh còn thấp; thiếu các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có hàm lượng chất xám cao; sự liên kết, hợp tác giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố, với các bộ, ngành trung ương còn nhiều hạn chế; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị chưa đồng bộ; một số vấn đề như quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, giao thông đô thị… bộc lộ bất cập, gây bức xúc xã hội…

Để khát vọng trở thành hiện thực cuộc sống

Khắc phục tình trạng trên và nhằm chuyển hóa tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị thành hiện thực cuộc sống, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đặt ra những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hai khâu đột phá được lựa chọn là đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác cán bộ và tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường. 9 chương trình công tác trọng tâm được xây dựng gồm: Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên, năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; Xây dựng nông thôn mới; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô; Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị; Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững... Đây là những chương trình quan trọng đã được thảo luận qua nhiều hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các ngành, các cấp trước khi Thành ủy thông qua nên tập trung được trí tuệ của toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô.

Trong bối cảnh đầy biến động và khó khăn của tình hình thế giới và trong nước nhưng với cách làm năng động, bài bản, thời gian qua Hà Nội đã thu được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Những vấn đề bức xúc xã hội như nhà ở cho người có thu nhập thấp; đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông; giải quyết quy hoạch "treo"; tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; tình trạng ô nhiễm môi trường… đã được thành phố tập trung chỉ đạo giải quyết. Đồng thời, công tác xóa đói giảm nghèo, chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng chính sách cũng thu được kết quả khả quan. Trung bình mỗi năm Hà Nội giảm trên 2 vạn hộ nghèo; trong 2 năm qua thành phố đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà dột nát và xây dựng mới nhà ở cho trên 3.700 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Khu vực nông thôn đã tiệm cận với nền tảng của sự phát triển bền vững thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới với những biện pháp, chính sách cụ thể trong đầu tư cả về trước mắt và lâu dài. Khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực, vùng miền đang dần thu hẹp…

Có được những kết quả trên, ngoài những biện pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp còn phải kể tới một vấn đề đặc biệt quan trọng, đó là sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Điều đó cho thấy, những quyết sách của thành phố đã bảo đảm hài hòa được lợi ích chung xây dựng Thủ đô và lợi ích riêng của người dân, bằng chứng là những kết quả có được không chỉ tạo niềm tin trong nhân dân mà còn duy trì sự phát triển ổn định và bền vững của Thủ đô hôm nay.

Kỷ niệm 58 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, bước vào giai đoạn phát triển mới, Hà Nội đang quyết tâm vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020, gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất và tinh thần của Thủ đô và cả nước, xây dựng và phát triển Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước. Những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc của Thủ đô đang bắt đầu từ ngày hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho hôm nay và mai sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.