Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một thời không thể nào quên

Hải Giang - Thế Dũng - Minh Ngọc| 23/10/2012 05:58

(HNM) - Trong hành trình 55 năm phát triển, lớp lớp cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới đã chung tay góp sức xây dựng tờ báo có được vị thế xứng đáng như ngày hôm nay.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới Hồ Quang Lợi: Báo cần chuyển tải được gương mặt tinh thần, văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Trong suốt quãng đường 30 năm làm báo chuyên nghiệp của mình, thời gian 2 năm, 3 tháng, 1 ngày công tác tại Báo Hànộimới để lại  trong tôi một dấu ấn đặc biệt.

Tôi nhận trọng trách Tổng Biên tập Báo Hànộimới vào thời điểm Thủ đô Hà Nội của chúng ta cũng như tờ báo của Thủ đô đang đứng trước những đòi hỏi của một cuộc chuyển mình với nhiều vận hội nhưng cũng đầy thách thức. Đó là thời điểm mà Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Đặc biệt, thành phố cùng cả nước đã tổ chức thành công Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, để lại những dấu ấn rất tốt đẹp trong lòng nhân dân Thủ đô, đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế. Lớn về quy mô, quan trọng về vị trí, vai trò; phức tạp, nhạy cảm về tính chất, đó là ba thuộc tính của Hà Nội mở rộng. Thực tế đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phải tập trung giải quyết đồng thời nhiều vấn đề lớn, trọng tâm, trọng điểm cùng nhiều việc nóng, bức xúc nảy sinh.

Tôi cùng với Ban biên tập và tập thể cán bộ, phóng viên Hànộimới đã nỗ lực đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng các ấn phẩm của tờ báo, tạo được  ấn tượng tốt, tăng thêm niềm tin cậy của bạn đọc. Hànộimới thực sự đã có những bước chuyển mình với sinh khí mới.

Hôm nay, ở vào thời điểm kỷ niệm 55 năm Báo Hànộimới, tôi  cảm thấy vô cùng xúc động, nhớ lại những ngày tháng cùng đồng nghiệp không kể ngày đêm phấn đấu cho từng bài báo, từng số báo; nhất là trong những giai đoạn Thủ đô và đất nước có nhiều sự kiện lớn, nhiều vấn đề khiến thành phố phải dồn tâm sức giải quyết.

Tôi nghĩ rằng, Hànộimới chỉ thực sự xứng đáng là tờ báo Thủ đô khi chở được gương mặt tinh thần, gương mặt văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời đạt tới tầm vóc quốc gia, trở thành một trong những tờ báo quan trọng hàng đầu của cả nước. Muốn đạt được mục tiêu đó, Hànộimới cần có mặt ở trung tâm các sự kiện lớn của đất nước, các nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng của thành phố. Đặc biệt để trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân Thủ đô, tờ báo phải phong phú về thông tin, sắc bén về ngôn luận, bút pháp mềm mại, vừa có tính chiến đấu, lại vừa có tính nhân văn; lấy sức thuyết phục làm đích hướng tới của mỗi tác phẩm báo chí, tránh giáo điều, cứng nhắc, một chiều. Làm sao cho mỗi tin, bài, mỗi bức ảnh đăng lên đều thấy chất của Thăng Long - Hà Nội, thấy hơi thở cuồn cuộn của đời sống, mang tinh thần thời đại.

Nguyên Tổng biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Xuân Trình: Báo ra 8 trang là bước đột phá lớn

Tôi về Báo Hànộimới từ năm 1979, đến năm 1998 được giao giữ trọng trách Tổng Biên tập cho đến khi nghỉ hưu - năm 2007. Đây là thời kỳ đất nước và Thủ đô đang trên đà phát triển mạnh trên con đường CNH, HĐH, báo chí cũng có bước phát triển vượt bậc so với trước đó. Báo Hànộimới không nằm ngoài quy luật, có những đòi hỏi cao hơn về nội dung, mỹ thuật... Điều này đòi hỏi phải có tư duy mới về cách làm báo, về kinh tế báo chí.

Tôi có nhiều dịp đi học tập kinh nghiệm làm báo hiện đại tại Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... và thấy rằng, vấn đề trước tiên cần làm là phải tăng trang và đưa công nghệ hiện đại vào quy trình làm báo. Từ năm 2000 đến 2005, có 4 đề án phục vụ nhu cầu làm báo hiện đại được thực hiện: Sửa chữa, xây dựng mới trụ sở mở rộng; làm hệ thống tin học mạng nội bộ toàn cơ quan; tăng số báo hằng ngày lên 8 trang; ra báo điện tử. Ngày 10-10-2002, báo hằng ngày đã tăng từ 4 trang lên 8 trang với nhiều thay đổi về nội dung, hình thức. Tôi cho đây là bước đột phá, không chỉ đáp ứng đòi hỏi thông tin của độc giả mà chính là yêu cầu phát triển của tờ báo, đúng như niềm tin của các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND TP và nhân dân Thủ đô giao cho. Cũng nhờ báo tăng trang, chất lượng tốt hơn nên kinh tế báo chí cũng phát triển, tạo thuận lợi cho việc nâng cao đời sống cán bộ, phóng viên, nhân viên... Rất mừng là những phóng viên được tuyển vào báo trong các năm 2002, 2003, 2004 nay đã trở thành những cây viết xung kích.

Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hà Tây Doãn Văn Hảo: Hànộimới trưởng thành mỗi ngày

Khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, Báo Hànộimới và Hà Tây thành một, tôi hơi lo mảng Hà Tây sẽ bị lép. Nhưng rồi theo dõi Báo Hànộimới hằng ngày, tôi thấy Báo tuyên truyền về vùng Hà Nội mở rộng cũng giống như các quận, huyện của Hà Nội cũ. Báo Hànộimới vừa tuyên truyền kịp thời, sinh động chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vừa bám sát cơ sở để phản ánh tiếng nói của người dân. Đọc báo, tôi không còn thấy ranh giới đâu là Hà Nội, Hà Tây nữa, hai tờ báo đã thực sự là một.

Hànộimới là tờ báo tôi yêu vì nội dung luôn luôn đổi mới. Nói cách khác, Báo Hànộimới trưởng thành mỗi ngày. Báo rút tít hay, nhất là ở trang nhất, tôi thường dàn cả 7 số báo trong tuần ra so sánh không thấy tít hôm nào trùng hôm nào. Hơn thế, Hànộimới có nhiều chuyên mục, giữ chất lượng chuyên mục khá đều. Với chuyên mục "Luận bàn & Hành động", tôi nghĩ nó gần giống xã luận nhưng gần dân hơn, dễ đọc hơn. Nhìn vào cái tít "Luận bàn & Hành động" tôi cũng như nhiều người khác tò mò muốn đọc xem hôm nay bàn gì đây, luận gì đây, bàn có sắc không, luận có đúng không. Các chuyên mục, bài viết khác của báo cũng khá tinh tế, dễ đọc, dễ hiểu.

Theo tôi, tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới cần tiếp tục duy trì, phát huy truyền thống vốn có, luôn luôn đổi mới để tờ báo mãi là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Thủ đô.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thời không thể nào quên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.