Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế tối đa việc người dùng điện phải nộp phí quá cao

V.A| 23/10/2012 16:14

(HNMO) - Chiều 23/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Điện lực. Các đại biểu tập trung cho ý kiến về quy hoạch phát  triển điện lực và giá điện.


Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện thực hiện đồng bộ với biện pháp bình ổn giá

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ cho biết, ngoài việc tiếp thu, sửa đổi các nội dung do Chính phủ trình, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực còn được sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới về chính sách phát triển điện lực; quy hoạch điện lực; đầu tư phát triển điện lực; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; hình thành và phát triển thị trường điện lực; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện; mua bán điện với nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực và khách hàng...

Đáng chú ý, về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về những nội dung cơ bản của quy hoạch phát  triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát  triển điện lực cấp tỉnh, trong đó bao gồm chương trình phát triển nguồn và lưới điện ở mức độ chi tiết trong giai đoạn lập quy hoạch; bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc hướng dẫn lập kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch. Theo đó, chu kỳ quy hoạch 10 năm có thể được cụ thể hóa thành các kế hoạch ngắn hạn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về giá điện và các loại phí, Dự luật quy định “Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực”. Các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực có quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá do Nhà nước quy định; đơn vị bán lẻ điện có quyền xây dựng giá bán lẻ điện căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đã được Thủ tướng Chính phủ quy định.

Với các vùng sâu, vùng xa, vùng chưa có lưới điện quốc gia, dự luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định giá bán lẻ điện trên nguyên tắc “bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý” nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các đơn vị điện lực đầu tư, kinh doanh điện ở những khu vực này. Theo Ủy ban thường vụ QH, quy định như vậy cũng góp phần khuyến khích các đơn vị điện lực áp dụng các công nghệ tiên tiến trong hoạt động điện lực.

Về căn cứ lập và điều chỉnh giá điện, theo Ủy ban TVQH, giá bán điện phụ thuộc nhiều vào thông số đầu vào trong đó chủ yếu là giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát. Theo đó, giá bán điện theo cơ chế thị trường luôn luôn biến động và phải được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời theo trình tự, thủ tục được quy định với thẩm quyền quyết định khác nhau. Chính vì vậy, nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện và các quy định cụ thể trong việc điều chỉnh giá bán điện được thể hiện ở các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sẽ đáp ứng kịp thời tình hình biến động của thực tiễn.

Tuy nhiên, tình trạng độc quyền trên thị trường điện ở nước ta vẫn còn tồn tại trong thời gian khá dài nữa. Do đó, nhằm góp phần hạn chế tình trạng độc quyền trong một số khâu sản xuất kinh doanh điện, bảo đảm quyền lợi khách hàng sử dụng điện, cần công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành giá bán lẻ điện. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện cũng cần được xem xét, thực hiện đồng bộ với biện pháp bình ổn giá điện nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội.


Hạn chế tối đa việc người dùng điện phải nộp phí quá cao

Góp ý cho dự thảo luật sửa đổi, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao dự thảo luật chỉnh lý, tiếp thu và cơ bản tán thành với các nội dung trong dự thảo luật mới.

Quan tâm đến việc phát triển nguồn điện, đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Hòa Bình cơ bản nhất trí với các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự án luật mới. Đại biểu Hải kiến nghị thêm, dự luật nên bổ sung quy định về quỹ đất xây dựng phát triển nguồn điện và trách nhiệm của các bên liên quan về phương án GPMB để đảm bảo dự án khả thi và được thực hiện đúng tiến độ. Cùng với đó, dự luật cũng nên cân nhắc bổ sung yêu cầu chủ đầu tư phải chỉ ra một số giải pháp chính về nguồn vốn thực hiện dự án.

Về vấn đề này, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang - TP Hồ Chí Minh cho rằng, để quy hoạch điện lực đạt hiệu quả, cần có quy định về trách nhiệm của các đơn vị thẩm định và thực hiện quy hoạch.

Từ sự cố ở đập thủy điện Sông Tranh, đại biểu Lê Văn Lai – Quảng Nam đề nghị, nên đưa nội dung an toàn trong xây dựng thủy điện vào dự thảo luật.

Nhất trí với quy định về chu kỳ quy hoạch phát triển điện 10 năm, đại biểu Huỳnh Văn Tính - Tiền Giang lưu ý, dự luật nên bổ sung quy định định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch 5 năm một lần, gắn với kế hoạch chung của đất nước, địa phương và nếu có thể, nên có chương trình chi tiết cụ thể cho từng năm để đảm bảo triển khai thực hiện quy hoạch có kết quả, chất lượng.

Chung quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình cũng cho rằng, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành trực thuộc Trung ương là 10 năm và tầm nhìn 10 năm tiếp theo là phù hợp, tiết kiệm chi phí trong quy hoạch, thống nhất với kế hoạch của đất nước và địa phương.

Liên quan đến giá điện, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Quảng Trị đề nghị phân tách rõ hơn giữa giá bán lẻ và giá bán buôn điện. Đại biểu cũng nhất trí, thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, Nhà nước cần điều tiết để đảm bảo sự minh bạch.

Đáng chú ý, đại biểu Đồng cho rằng, dự thảo luật có nhiều quy định về giá và phí, cần xem xét để tránh việc người sử dụng phải chịu quá nhiều loại phí.

Đánh giá cao sự điều tiết của Nhà nước với thị trường điện, đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng, đây là vấn đề có tính nguyên tắc, nhất là khi ở nước ta, thị trường điện cạnh tranh chưa thực sự hình thành.

Đại biểu Vẻ cũng nhất trí, trước mắt chưa quy định phí điều tiết điện lực, nhưng khi thị trường điện lực trong nước phát triển thì cần có phí điều tiết cho hoạt động điện lực và cần được cơ cấu vào giá điện.

Tuy nhiên, đại biểu Vẻ còn băn khoăn về quy định phát triển thị trường điện cạnh tranh đến 2022. Theo đại biểu, mốc thời gian này là quá dài, nên kết thúc vào năm 2019 hoặc 2020, như vậy mới phù hợp với tiến độ tái cơ cấu ngành điện, đảm bảo sự minh bạch, cạnh tranh về giá điện.

Đại biểu Dương Trung Quốc – Đồng Nai cũng lưu tâm tới các quy định về việc phát triển thủy điện chưa được đề cập đúng mức trong dự luật. Đặc biệt, những công trình thủy điện vừa và nhỏ hiện nay đang phát triển tràn lan, rất khó kiểm soát nhưng dự luật chưa quy định rõ cơ chế ràng buộc, đơn vị quản lý các công trình này trong mấy chục năm tới khi các doanh nghiệp rời bỏ kinh doanh.

Theo chương trình, ngày 20/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế tối đa việc người dùng điện phải nộp phí quá cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.