Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc chủ trương không tăng lương năm tới

Vân An| 24/10/2012 12:07

(HNMO) - Ngày 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế- xã hội năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013.


Tại tổ Hà Nội, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc làm ngân sách.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Quốc hội, Chính phủ vẫn giữ nguyên cách làm ngân sách như hiện nay thì sẽ không thể khắc phục được những nhược điểm cố hữu lâu nay là đầu tư dàn trải, phân bổ trùng lặp, kém hiệu quả.

Vấn đề ngân sách "bùng" lên trong phiên thảo luận xuất phát một phần từ đề xuất không tăng lương tối thiểu theo lộ trình của Chính phủ trong năm tới. Đề xuất này bị một số đại biểu đoàn Hà Nội phản đối.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền mở đầu ý kiến của mình bằng những nhận xét về sự chậm thay đổi trong điều hành của Chính phủ.

Theo ông, nhiều vấn đề của ngày hôm nay đã được các đại biểu Quốc hội cảnh báo qua nhiều nhiệm kỳ nhưng ý kiến của các đại biểu "như đi vào không khí", kỷ luật thực thi không nghiêm khắc. Ông lấy ví dụ về những cảnh báo về việc tổng kết và hoàn thiện hành lang pháp ý cho các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, có giải pháp loại bỏ ngay những tổ chức tín dụng không đủ nguồn lực tài chính và con người, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành của các tập đoàn nhà nước... ngay từ kỳ họp thứ 2 nhưng đến hôm nay, các giải pháp vẫn chỉ là đề án, trên giấy.

"Ngân sách năm 2013 rất khó khăn mà Chính phủ vẫn cứ đề xuất chi tiêu như mọi năm, vẫn dàn trải, trùng lặp, tiêu chí không rõ ràng, theo những địa chỉ có sẵn mà không có sự rà soát xem những gì thực sự cần thiết... Nếu như vậy thì chúng ta không thể có nguồn lực để tăng lương và giải quyết những khó khăn hiện nay", đại biểu Quyền nói.

Đại biểu Quyền đồng tình với quan điểm cắt bỏ những chi phí không cần thiết để có thể tăng lương.


Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Ảhh: H.V


Nhận xét về báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thẳng thắn nói, báo cáo gần như không có điểm gì mới ngoài phần nhận lỗi của Thủ tướng.

Quan tâm đến việc giải quyết nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho và điều chỉnh lương, đại biểu Khánh đề nghị Chính phủ cần công khai nợ xấu ở đâu, có đánh giá thực chất và phương án giải quyết cho từng trường hợp, thậm chí phải xử lý hình sự với những người có trách nhiệm. Đại biểu Khánh cho rằng, việc lấy ngân sách ra để bù nợ xấu là không khả thi và khó có thể ủng hộ.

Đại biểu Khánh cũng nhất trí đề nghị, không nên tạm dừng tăng lương, cần rà soát lại các khoản chi ngân sách để cắt giảm những khoản không hù hợp, lấy nguồn cho tăng lương.

"Tăng lương nếu không được tất cả thì cũng phải được một phần", đại biểu Khánh nói.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cũng đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ chủ trương chưa tăng lương trong năm tới, bởi đây là việc ảnh hưởng đến đời sống của đại bộ phận người dân.

Góp ý về 5 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội dự kiến không đạt kế hoạch trong năm nay, đại biểu Hà cho rằng, các chỉ tiêu này đều quan trọng, ảnh hưởng quốc kế dân sinh nên cần có những đánh giá sâu sắc hơn về nguyên nhân. Theo đại biểu Hà, báo cáo chưa đề cập đến những nguyên nhân từ sự chỉ đạo điều hành chung của Chính phủ với các bộ, ngành chưa chặt chẽ, việc quản lý thông tin chưa được đảm bảo, khâu kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chưa được quan tâm đúng mức, cơ chế chịu trách nhiệm còn chồng chéo, khó quy trách nhiệm.... Bên cạnh đó, những phương hướng phát triển cho năm tới cũng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể.

Nhận xét của đại biểu Hà về tính thiếu cụ thể của các phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 cũng là quan điểm của nhiều đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, các giải pháp cho năm 2013 của Chính phủ tương đối đầy đủ nhưng còn chung chung, nặng về khẩu hiệu, chưa có điểm mới.

"Chính phủ nên cụ thể các giải pháp để Quốc hội và nhân dân yên tâm và có niềm tin hơn. Ví dụ như giải pháp về cắt giảm, chúng tôi chưa rõ cắt giảm ở đâu, như thế nào trong điều kiện nguồn lực của chúng ta có hạn, hay đích của tái cấu trúc ngân hàng là ở đâu, lãi suất sẽ giảm về mốc nào.... Phương hướng phát triển kinh tế phải rõ và cụ thể, có vậy mới tạo ra sự đột phá cho năm tới", đại biểu Bình nói.

Đại biểu Quang cũng đề nghị , những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất của Chính phủ nên sớm được cụ thể hoá bằng những nghị quyết, thông tư hướng dẫn, nhất là các quyết định về giãn, giảm thuế, chậm nộp thuế đất... Đặc biệt, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến giải quyết khoản nợ xấu của các ngân hàng để giúp lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và giúp các doanh nghiệp có liều thuốc hồi sinh, tự tin tiếp tục sản xuất, phát triển.

Ở góc độ an sinh xã hội, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi đề nghị các chính sách với y tế cần ổn định, thống nhất và đồng bộ, thống nhất thực hiện trong toàn bộ hệ thống y tế, tránh nơi làm, nơi không. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho y tế và bổ sung tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Báo cáo của Chính phủ sẽ tiếp tục được các đại biểu thảo luận tại Hội trường vào ngày 30 và 31/10 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc chủ trương không tăng lương năm tới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.