Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sớm tổng kết đánh giá

Nguyễn Xuân Diên| 25/10/2012 08:09

(HNM) - Qua 5 năm hợp nhất, bên cạnh những thuận lợi và kết quả tích cực, hoạt động của văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND tỉnh, TP trực thuộc TƯ đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ...

Một lớp tập huấn kỹ năng hoạt động của cán bộ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại Hà Nội.


Những bất cập phát sinh

Thực hiện Nghị quyết 545/ 2007/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII, đã 5 năm nay, văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND đã hợp nhất về chung một mối. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản các văn phòng đều đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ tham mưu, phục vụ các hoạt động của đoàn ĐBQH, HĐND, thường trực HĐND và các ban HĐND. Trụ sở, số lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đông hơn cũng có thuận lợi khi tập trung tham mưu, phục vụ. Tuy nhiên, sau 5 năm hợp nhất, hoạt động của văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND đã và đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Trước hết là mô hình tổ chức bộ máy. Nghị quyết và hướng dẫn của VPQH hiện chưa thật phù hợp với đặc thù từng địa phương dẫn tới nơi thì lãnh đạo văn phòng 4 người, nơi thì 5 người; tên gọi các phòng trong từng văn phòng cũng khác nhau. Kinh phí từ hai nguồn TƯ và địa phương; chủ tài khoản cũng riêng; việc chi trả cho đại biểu, cho CBCCVC và chi cho hoạt động của đoàn ĐBQH và HĐND cũng khác nhau. Có nơi, CBCC phục vụ đoàn ĐBQH hưởng lương từ VPQH, có nơi hưởng chung từ nguồn ngân sách địa phương. CBCCVC tại văn phòng không được hưởng chế độ ưu đãi 30% như CBCCVC các cơ quan của Đảng. Như hiện nay, ở Hà Nội số ĐBQH có 30 người (2 đại biểu chuyên trách, không tính đại biểu chuyên trách trong đoàn nhưng thuộc VPQH trả lương); đại biểu HĐND 95 người (13/95 đại biểu hoạt động chuyên trách = 14%).

Hà Nội là địa phương có số đại biểu đông nhất nước, vì vậy để bảo đảm cho công tác tham mưu, phục vụ, biên chế của văn phòng lên tới gần 65 người. Mặt khác, do vị trí pháp lý và chức năng, nhiệm vụ của đoàn ĐBQH và HĐND khác nhau, được quy định tại hai luật riêng là Luật Tổ chức QH và Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp nên hoạt động của hai cơ quan đoàn ĐBQH và HĐND tương đối độc lập. Tuy vậy, có thời điểm trong năm một số hoạt động của hai cơ quan trùng nhau như tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, tổ chức các hoạt động giám sát. Việc  này cũng làm khó cho công tác tham mưu, phục vụ của văn phòng.

Chưa rõ địa vị pháp lý

Bất cập nhất hiện nay đối với văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, TP trực thuộc TƯ là chưa xác định được đầy đủ và đúng địa vị pháp lý và cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp.

Mặc dù trên thực tế địa vị pháp lý được coi như một cơ quan hành chính tương đương cấp sở (hệ số phụ cấp trách nhiệm đang hưởng của chánh, phó văn phòng và cấp lãnh đạo phòng thể hiện rõ) song lại chưa có văn bản hướng dẫn nào quy định rõ về vị trí pháp lý của văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Về mô hình tổ chức bộ máy, theo Nghị quyết 545/2007/UBTVQH12 của UBTVQH thì văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND thuộc cấp tỉnh quản lý: "Biên chế của văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương do UBND cấp tỉnh phân bổ sau khi thống nhất với trưởng đoàn ĐBQH và thường trực HĐND". Ngay sau khi có nghị quyết này, ngày 4-2-2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2008/NĐ-CP về "Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc TƯ". Đáng lưu ý, trong nghị định này không có tên văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, TP trực thuộc TƯ. Vậy văn phòng thuộc hệ thống cơ quan hành pháp hay lập pháp? Và cơ quan chủ quản của văn phòng là cơ quan nào, cũng cần được làm rõ.

Hiện đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ đều rất quan tâm đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Một trong những giải pháp quan trọng là phải có được cơ quan tham mưu, giúp việc phù hợp và hiệu quả. Giữ nguyên mô hình cơ quan văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, TP như hiện nay hay tách ra làm hai cơ quan văn phòng: văn phòng đoàn ĐBQH và văn phòng HĐND là một quyết sách lớn, cần xem xét toàn diện, đúng đắn về các yếu tố trong đó có kết quả hoạt động thời gian qua, các căn cứ pháp lý, định hướng phát triển… Việc tổng kết đánh giá sau 5 năm thực hiện và xem xét bổ sung hoàn chỉnh Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12 của UBTVQH là cần thiết và cần làm sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm tổng kết đánh giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.