Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tán thành việc ban hành Luật Thủ đô với một số cơ chế đặc thù

H.V| 26/10/2012 15:43

(HNMO) - Ngày 26/10, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủ đô.


Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật đánh giá, cơ quan soạn thảo dự án Luật Thủ đô đã có nhiều cố gắng trong việc chuẩn bị dự án Luật, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội khoá XII, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời, đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước để có những quy định phù hợp.


Uỷ ban pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Với vị trí, vai trò của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là trách nhiệm chung của các cơ quan trung ương, thành phố Hà Nội và nhân dân cả nước. Để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh phát triển Thủ đô thì cần quy định cho Thủ đô một số cơ chế, chính sách phù hợp. Các cơ chế, chính sách này hoặc là chưa được quy định trong luật hiện hành hoặc đã được quy định nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Bên cạnh đó, Uỷ ban pháp luật cho rằng, một số tồn tại trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô thời gian qua còn có nguyên nhân là do công tác thi hành pháp luật chưa nghiêm, giải phóng mặt bằng chậm, sự gia tăng dân cư cơ học, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị sự nghiệp trong nội thành chưa được sắp xếp hợp lý; còn nhiều công trình xây dựng sai phép, không phù hợp với quy hoạch... Vì vậy, cùng với việc xây dựng, ban hành Luật Thủ đô, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội cần sớm có biện pháp khắc phục những hạn chế này, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và thi hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô.

Đi vào các nội dung cụ thể của dự luật, trước hết là về biểu tượng của Thủ đô, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với quy định chọn Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và cho rằng Biểu tượng của Thủ đô là Biểu tượng của cả nước, cho nên cần quy định cụ thể trong Luật. Trên thực tế, hình ảnh Khuê Văn Các đã và đang được sử dụng và được nhân dân Hà Nội, nhân dân cả nước và bạn bè thế giới coi là Biểu tượng của Thủ đô từ nhiều năm nay.

Uỷ ban cũng tán thành với các quy định trong dự án luật về các biện pháp bảo đảm việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất, ngoài các quy định theo pháp luật hiện hành, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được ban hành các biện pháp bảo đảm việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, Uỷ ban đề nghị, khi ban hành các biện pháp này phải dựa trên cơ sở xem xét, cân nhắc đến lợi ích hài hoà của Nhà nước, doanh nghiệp và lợi ích người dân có đất bị thu hồi, tránh việc áp dụng không đúng pháp luật, không thống nhất, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi bị thu hồi đất.

Về việc quy định mức thu phí giao thông vận tải cao hơn trên địa bàn Thủ đô, đa số ý kiến trong Uỷ ban nhất trí cho phép Hà Nội được quy định mức thu phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 02 lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với một số khoản thu phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong bối cảnh Hà Nội có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, mật độ dân cư, lưu lượng người tham gia giao thông tăng nhanh trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, quy định này sẽ giúp Hà Nội hạn chế số lượng phương tiện tham gia giao thông, đồng thời huy động thêm nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng nhằm ngày càng phục vụ tốt hơn cho người tham gia giao thông.

Về quản lý dân cư, Uỷ ban Pháp luật tán thành việc quy định điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn đối với một số đối tượng tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư thường trú trong nội thành.

Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, tổ chức ra khỏi nội thành; hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận... thì mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề này.

Việc quy định mức xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành Hà Nội có khung phạt tiền cao hơn, nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hoá, đất đai, xây dựng cũng được nhiều đại biểu trong Uỷ ban đồng tình.

Theo Uỷ ban, việc áp dụng mức tiền phạt vi phạm hành chính cao hơn chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất để Hà Nội giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay, nhưng xét về vị trí, vai trò và tình hình thực tiễn của Hà Nội thì phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn trong 3 lĩnh vực này mới đủ sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, bảo đảm trật tự quản lý hành chính ở Thủ đô. Đây là một trong những giải pháp cần thiết áp dụng đồng bộ với các biện pháp khác để góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.

Liên quan đến chính sách, cơ chế tài chính, Ủy ban pháp luật tán thành việc quy định cụ thể trong Luật Thủ đô là Ngân sách nhà nước ưu tiên phân bổ để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Đồng thời, tán thành với quy định dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác và cho phép Thủ đô được sử dụng các khoản thu của ngân sách trung ương vượt dự toán trừ 3 khoản là các khoản thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng nhà nước và các khoản thu không giao Thủ đô quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thủ đô nhưng hạch toán thu, nộp ở Thủ đô. Đồng thời đề nghị, sau khi Luật Thủ đô được ban hành và có hiệu lực thì các cơ quan có thẩm quyền phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định trên đây, bảo đảm để nguồn lực được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

Ngày mai, dự án Luật Thủ đô sẽ được thảo luận tại tổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tán thành việc ban hành Luật Thủ đô với một số cơ chế đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.