Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thiết phải ban hành luật, có cơ chế đặc thù

An Trân| 28/10/2012 06:24

(HNM) - Dự thảo Luật Thủ đô đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận tổ chiều 27-10. Trên cơ sở nhìn nhận mỗi quốc gia chỉ có một Thủ đô và Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp, cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô, các ĐBQH đã góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để khi được thông qua, luật sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô…

Đoàn ĐBQH Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: Ngọc Thắng


Luật không dành riêng cho Hà Nội

ĐBQH Uông Chu Lưu (đoàn Thanh Hóa) đặt vấn đề, để có cái nhìn khách quan khi góp ý, đánh giá Dự thảo Luật Thủ đô cần phải xác định dự thảo không phải nhằm mục đích điều chỉnh Hà Nội với tư cách là đô thị, trung tâm kinh tế, chính trị, hành chính, TP đặc biệt thuộc TƯ mà điều chỉnh Hà Nội với tư cách là Thủ đô và khẳng định vai trò, vị trí của Thủ đô với cả nước và cả nước vì Thủ đô Hà Nội. Cần phải khẳng định, mọi văn bản pháp luật của hệ thống pháp luật đều được áp dụng tại Thủ đô nhưng để xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô của cả nước thì phải có cơ chế, chính sách đặc thù riêng bởi đây là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học, kinh tế, giáo dục, xã hội của cả nước. Và Dự thảo Luật Thủ đô sẽ điều chỉnh các vấn đề nêu trên.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Quang Nghị:
Xây dựng Luật Thủ đô là để bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Thủ đô mỗi nước chỉ có một, dù có sửa Hiến pháp hay tới đây có xây dựng Luật Đô thị thì những luật đó không thể nào bao chứa hết được những nội dung cần thiết cho Thủ đô với vai trò là trung tâm chính trị hành chính quốc gia. Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước, bản thân những luật đã thông qua vẫn rà soát điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Trong khi các luật đã thông qua không đủ điều kiện cho Hà Nội phát triển thì Luật Thủ đô được xây dựng là để bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Dự thảo có đề cập để Thủ đô được hưởng cơ chế riêng, đặc thù không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển Hà Nội mà còn đáp ứng yêu cầu của Thủ đô với tư cách đảm nhiệm các chức năng, yêu cầu của trung tâm hành chính quốc gia. Dự thảo Luật Thủ đô nếu được thông qua sẽ góp phần mang lại hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, phát triển Thủ đô.

Đồng tình với cách tiếp cận Dự thảo luật từ góc độ này, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ) cho rằng, việc xây dựng Luật Thủ đô là việc làm hết sức cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý để Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam phát triển. ĐB đánh giá, Dự thảo luật đã tiếp thu được các ý kiến đóng góp tại các kỳ họp trước và nhiều vấn đề đã được đề cập rõ ràng hơn nhưng vẫn chưa thật sự nêu bật lên đặc thù của Hà Nội hiện nay, nhất là mô hình chính quyền đô thị. ĐB góp ý, có lẽ cái đặc thù nhất của Hà Nội riêng có hiện nay đó là nơi đứng chân của tất cả các cơ quan đầu não như Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành; nơi diễn ra các hoạt động chính trị lớn của cả nước và quốc tế. Với đặc thù này, chắc chắn trong điều hành của TP Hà Nội sẽ có những khác biệt với các địa phương khác. Với vị trí quan trọng như vậy, Thủ đô Hà Nội cần có những đặc thù gì trong mối quan hệ với các cơ quan TƯ, trong quản lý chỉ đạo điều hành… đây là điều dự thảo luật cần bổ sung.

Thu hẹp dần những khác biệt ban đầu

Nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô, tại các phiên thảo luận, những nội dung đang còn nhiều vướng mắc về quy định mức thu phí cao hơn, quản lý nhập cư và xử phạt vi phạm hành chính khu vực nội thành đã dần được thu hẹp. Ủng hộ chủ trương "siết" nhập cư khu vực nội thành, ĐBQH Nguyễn Bá Thanh (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, đây là việc làm vô cùng cần thiết, bởi Thủ đô hiện nay đang quá tải, nếu không thắt chặt lại sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ghi nhận điểm mới trong dự thảo quy định muốn nhập khẩu khu vực nội thành phải có nhà riêng hoặc nhà thuê, ĐB lưu ý, cần làm chặt hơn như phải nhà thuê của một công ty chuyên nghiệp cho thuê nhà ở chứ không thể "quen biết" một chút là được nhập hộ khẩu, đồng thời hạn chế tình trạng có nhà 30-40m2 mà cả chục khẩu.

Liên quan đến vấn đề thu phí, ĐBQH Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc thu phí cao để hạn chế phương tiện vào nội đô cũng là một cách giúp Thủ đô Hà Nội giải quyết ùn tắc giao thông nhưng đây mới chỉ là giải pháp bước đầu. Để giải quyết vấn đề này, Thủ đô Hà Nội cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó có vấn đề xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Đồng tình với phương án cho phép HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong 3 lĩnh vực là văn hóa, đất đai, xây dựng, ĐBQH Huỳnh Thành (đoàn Gia Lai) đánh giá, việc làm này là cần thiết vừa mang tính răn đe, vừa có nguồn đầu tư hạ tầng, có như vậy mới gìn giữ được văn hóa ngàn năm. ĐB cũng tán thành Thủ đô Hà Nội cần có chính sách tài chính ưu tiên như trong dự thảo luật.

Tuy đã đạt được sự thống nhất cao trong phần lớn nội dung của dự thảo luật, song tại các buổi thảo luận tổ, một số ĐBQH vẫn bày tỏ băn khoăn về việc quy định Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của Thủ đô; quy định công dân danh dự Thủ đô; việc di dời các cơ sở sản xuất, khám chữa bệnh, trường học khó thực hiện…


Vẫn “nóng” vấn đề liên kết xuất bản

(HNM) - Sáng 27-10, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi), nội dung được quan tâm nhất vẫn là vấn đề liên kết xuất bản.

Tiếp thu ý kiến tại các kỳ trước cho rằng đây là một khâu yếu trong công tác quản lý xuất bản hiện nay, Dự thảo luật trình tại kỳ họp này đã bổ sung quy định về điều kiện, đối tượng, hình thức thực hiện liên kết, trách nhiệm của tổng giám đốc, tổng biên tập NXB, trách nhiệm của đối tác liên kết trong liên kết xuất bản. Đồng thời quy định đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì NXB không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng. Tuy nhiên, không ít ĐB vẫn bày tỏ sự quan ngại khi luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm. Để chấn chỉnh việc này, các ý kiến đề nghị cần công nhận một hình thức liên kết xuất bản mới, trong đó đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập và phải cùng với NXB chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm.

Đà Đông
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết phải ban hành luật, có cơ chế đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.