Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi nghẽn cho nền kinh tế bằng cách giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho

Vân An| 30/10/2012 17:10

(HNMO) – Ngày 30/10, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013, các đại biểu Quốc hội tập trung đề xuất các giải pháp về xử lý nợ xấu và hàng tồn kho.


Mặc dù có 5/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm 2012 không đạt và vượt kế hoạch, nhưng đa số các đại biểu vẫn đánh giá cao, ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm – Thái Bình cho rằng, những tồn tại trong báo cáo Chính phủ và phần nhận lỗi của Thủ tướng có nguyên nhân do chưa đánh giá, kiểm soát chặt chẽ được tình hình trên một số lĩnh vực, một số chính sách giải pháp còn nửa vời, hay thay đổi, thiếu thống nhất để đảm bảo huy động được sức mạnh tổng hợp…


Đại biểu Cao Sỹ Kiêm


Đại biểu Kiêm cũng nhận định, năm 2013 sẽ vẫn rất khó khăn, các mục tiêu đề ra rất nặng nề và khả năng thực thi một số chỉ tiêu là rất khó, trong khi các giải pháp mang tính định hướng nhiều, chưa có sự đột phá để đảm bảo có sự bứt lên. Ông kiến nghị, Chính phủ cần làm rõ 3 vấn đề: tìm mọi cách và các phương pháp để có thể kiểm soát được tình hình, đánh giá những vấn đề đã được nhận lỗi, kiểm điểm.. bằng các hệ thống tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch, bằng các số liệu có địa chỉ cung cấp và có người chịu trách nhiệm về các số liệu đó.

“Chúng ta phải thường xuyên kiểm soát, xử lý thông tin đó xem ai đúng, ai sai… có như vậy mới kiểm soát được tình hình và đưa ra được chính sách sát thực. Đồng thời, công bố và làm rõ, cụ thể hóa chính xác những giải pháp mang tính tình thế như xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, cải cách hành chính…, làm sao để các giải pháp này có khả năng giải quyết gần như dứt điểm các tồn tại hiện nay”, đại biểu Kiêm nói.

Ông cũng đề nghị, cần có chương trình theo dõi những sửa chữa của các cấp, các ngành đã được nêu ra qua đợt kiểm điểm vừa qua để tạo dựng lại lòng tin, động lực, ý chí phấn đấu cho toàn xã hội.

Đánh giá những cố gắng rất lớn của CP về các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đã đạt được và giữ vững được an ninh, chính trị, trật tự an toàn đất nước, đại biểu Lê Hữu Đức – Khánh Hòa nhấn mạnh tới nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng. Theo ông, Chính phủ phải kiên quyết cho dừng các ngân hàng mất khả năng thanh khoản, có nhiều nợ xấu, yếu kém…

“Chính phủ nên tập trung giải quyết nợ xấu. Tôi nhất trí trách nhiệm này trước hết phải thuộc về ngân hàng. Nhưng để giải quyết nợ gốc, tôi ủng hộ việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để giải quyết nợ xấu và có giải pháp giải quyết hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng”, đại biểu Đức nói.

Ông cũng đề nghị, Chính phủ cần nghiêm khắc chỉ đạo các địa phương chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ. Ông dẫn chứng việc các địa phương chưa thực hiện nghiêm việc tái trồng rừng khi xây dựng thủy điện, vẫn còn lãng phí trong thực hiện các công trình cầu đường…

“Các địa phương tránh chỉ phê bình Chính phủ mà không nhìn nhận hết trách nhiệm của mình”, đại biểu Đức đề nghị.

Việc thành lập công ty mua bán nợ cũng được các đại biểu Dương Hoàng Hương – Phú Thọ, Bùi Đức Thụ - Lai Châu, Nguyễn Minh Lâm – Long An… ủng hộ. Tuy nhiên, các đại biểu đều nhấn mạnh, việc xử lý nợ xấu phải được thực hiện bằng những giải pháp căn cơ và đảm bảo công bằng.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng – Bình Dương cho rằng, xử lý nợ xấu không phải chỉ bằng việc mua bán nợ xấu. Ông hoan nghênh Chính phủ đã chủ trương không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ thay cho doanh nghiệp bằng cách mua lại nợ xấu.

“Nợ xấu cần được rà soát, phân loại, cơ cấu lại một cách minh bạch như báo cáo của Chính phủ đã nêu, loại nào đáng mua và cần mua thì Ngân hàng nhà nước sử dụng quỹ bảo hiểm rủi ro của hệ thống ngân hàng để mua lại nợ xấu. Nếu năng động hơn nữa thì Ngân hàng nhà nước, Thống đốc Ngân hàng nhà nước nên đem nợ xấu chào hàng cho các tổ chức tài chính quốc tế để họ mua lại nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu trong nước”, đại biểu Đáng đề xuất.

Nhìn nhận tình hình kinh tế vĩ mô tương đối tích cực, đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nền kinh tế nước ta đang tăng trưởng dưới tiềm năng nên không đáng lo ngại đầu tư xã hội 29 - 30% sẽ làm giảm sản xuất trong năm tới. Theo ông, vấn đề lúc này là phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, ổn định vĩ mô.

Về tiền tệ, đại biểu Lịch đề nghị cần xử lý ngay nợ xấu, bởi nếu không sẽ không xử lý được vốn, tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào khó khăn. Ông ủng hộ việc thành lập ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng cầm đầu, làm sao để chuyển được nền công-nông nghiệp đất nước từ gia công sang sản xuất.

“Chúng ta cần mạnh dạn hơn trong tăng tín dụng tiêu dùng, có biện pháp tín dụng để làm ấm dần thị trường bất động sản, có vậy mới giải quyết được nợ xấu. Đồng thời, cần ổn định thị trường vàng, không được xem thường thị trường này trong điều kiện của Việt Nam; công khai, minh bạch các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng thương mại, xử lý các ngân hàng yếu kém, nếu không, dù chúng ta làm công tâm đến đâu cũng khiến người dân, doanh nghiệp nghi ngờ, mất niềm tin”, đại biểu Lịch nói.

Về các giải pháp tài khóa, đại biểu Lịch ủng hộ việc thực hiện tiếp các biện pháp hỗ trợ thị trường, áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân mới từ 1/1/2013 và vẫn thực hiện lộ trình tăng lương. Đại biểu Lịch cho rằng, không phải không có cách để thực hiện tăng lương đúng lộ trình. Muốn vậy, trong năm 2013, ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên phải tiết giảm ít nhất 10% so với thực chi năm 2012 để lấy nguồn cho tăng lương, đồng thời, cắt giảm hạn chế tối đa việc đầu tư xây dựng, trừ những công trình bức xúc như xây dựng trụ sở, dân phòng…

Đại biểu Lịch cũng tán thành việc phát hành trái phiếu công trình cho các công trình giao thông. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Chính phủ nên rà soát xât dựng chương trình kế hoạch cho 3 năm, chứ không làm kế hoạch cho từng năm như hiện nay để đảm bảo các cân đối vĩ mô, nội lực.


Đại biểu Trương Văn Vở


Quan điểm này của đại biểu Lịch nhận được sự đồng tình từ đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai. Theo đại biểu Vở, tổng thể quản lý điều hành của Chính phủ trong năm qua dù có những mặt tích cực nhưng vẫn mang tính tình thế, thiếu tính hệ thống do việc ban hành, quản lý chính sách chưa đồng bộ, sự phối hợp quản lý các địa phương chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân…

Do đó, đại biểu Vở đề nghị, Chính phủ cần quyết tâm quản lý theo hướng thoát khỏi tầm nhìn hàng năm ngay từ năm sau, đồng thời tháo gỡ nút thắt ngân hàng thừa thanh khoản, doanh nghiệp thiếu vốn thông qua cơ chế bảo lãnh tín dụng; chỉ đạo xử lý nợ đọng trong các công trình đầu tư công để góp phần giải quyết nợ xấu; bổ sung, sửa đổi đồng bộ thể chế chính sách trong nông nghiệp, phát triển rừng; quan tâm cắt giảm các loại phí, lệ phí không phù hợp, đặc biệt là nên cân nhắc việc thu phí sử dụng đường bộ từ 1/1/2013....

Cũng quan tâm đến quản lý thị trường vàng, đại biểu Trần Văn Tấn – Tiền Giang đề nghị, Chính phủ cần sớm có giải pháp ổn định thị trường vàng và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, công khai, minh bạch về giá với những mặt hàng thuộc nhà nước quản lý và kiểm soát chặt những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu.

“Nhiều ý kiến cho rằng nước ta chưa kéo được giá vàng trong nước gần với giá vàng thế giới như mong muốn là do công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng của ngân hàng nhà nước còn nhiều bất cập. Trong đó nổi lên là việc tạo ra cơ chế độc quyền trong kinh doanh và cơ chế điều hành chưa linh hoạt tạo điều kiện phát huy cơ chế độc quyền dẫn đến làm tăng cao giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới. Đến vàng nhái cũng là vàng nhưng giá lại rẻ hơn, vàng miếng không phải vàng SJC bị mất giá’, đại biểu Tấn dẫn chứng.

Trở lại với vấn đề giải quyết hàng tồn kho, đại biểu Nguyễn Cao Phúc – Quảng Ngãi cũng nhất trí với đại biểu Lịch rằng, xử lý hàng tồn kho là yêu cầu cấp bách nhằm thực hiện hai mục tiêu: hỗ trợ sản xuất tạo việc làm và xử lý một phần lớn nợ xấu của ngân hàng thương mại, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, để giải quyết vấn đề, cần phải khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Về vấn đề này, đại biểu Lê Minh Thông – Thanh Hóa đề nghị, phải làm rõ hàng tồn kho ở lĩnh vực nào, tại sao lại tồn, công tác dự báo, kế hoạch, đầu tư của chúng ta như thế nào để doanh nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được.... Theo ông, tồn kho còn nguy hại hơn không sản xuất, nên phải mổ xẻ nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của các tư lệnh ngành, địa phương.

“Đã đến lúc chúng ta cần phân tích trách nhiệm vì sao những vấn đề này chúng ta đã cảnh báo từ trước mà không giải quyết được”, đại biểu Thông nói.

Ông đề nghị, song song với báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, Chính phủ cần phải có báo cáo, đánh giá về các hoạt động của mình, đặc biệt là đánh giá về hoạt động của các bộ trưởng để làm căn cứ lấy phiếu tín nhiệm theo nghị quyết mà Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp này

Nợ xấu trong xây dựng cơ bản khoảng 91.000 tỷ đồng


Tham gia giải trình tại phiên thảo luận về vấn đề đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu thảo luận tại tổ và hội trường, đặc biệt là những nguyên nhân yếu kém và các giải pháp đề xuất.


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh


Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã cố gắng từng bước ngăn chặn tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Kỳ trước, Quốc hội đã quyết định rà soát, phân bổ lại trái phiếu Chính phủ và đến nay toàn bộ trái phiếu Chính phủ đã được phân bổ cho từng danh mục rõ ràng. Để có thể đẩy nhanh tốc độ các công trình đã được phê duyệt, tránh lãng phí, Chính phủ đang cân nhắc, tính toán việc phát hành thêm 6.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, năm 2013, nhu cầu đầu tư các địa phương và TƯ rất lớn, trong khi nguồn lực đáp ứng thấp, chỉ được khoảng 180.000 tỷ đồng, trong đó các địa phương đã được cân đối hơn 70% nguồn vốn này. Bộ trưởng khẳng định, qua rà soát, cơ bản đã giảm rất nhiều các công trình dàn trải, nhưng nguồn vốn nằm trong cân đối của các địa phương bằng ngân sách được phân bổ thì vẫn còn có hiện tượng dàn trải. Để khắc phục, Bộ trưởng đề nghị, các đoàn đại biểu QH địa phương tham gia giám sát các nguồn của địa phương.

Về nợ xấu trong xây dựng cơ bản, theo thống kê, con số này hiện khoảng 91.000 tỷ đồng, trong đó có 26.000 tỷ đồng nợ các công trình đã hoàn thành, còn lại là các công trình đang chuyển tiếp. Tuy nhiên, qua rà soát, số thực nợ là khoảng 85.000 tỷ đồng, chủ yếu là của những năm về trước. Để khắc phục nợ đọng, gần đây, Chính phủ đã có chỉ thị trong đó quy định bộ trưởng, UBND các tỉnh bố trí vốn mà không đủ thi công thì phải tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất xây dựng kế hoạch trung hạn 3 năm 2013-2015 để các địa phương biết từ nay đến 2015 có bao nhiêu vốn mà bố trí các công trình cho hợp lý, tránh dàn trải. Theo dự kiến của Chính phủ, 3 năm còn lại, vốn bố trí cho đầu tư xây dựng cơ bản chỉ vào khoảng hơn 600.000 tỷ đồng.


         Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Lê Như Tiến - Quảng Trị đã đề cập đến tình trạng các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước do tham nhũng, lãng phí, thất thoát, năng lực quản trị doanh nghiệp kém đã dẫn đến hậu quả hoặc bị “đột quỵ, hoặc chết lâm sàng, mất khả năng đề kháng trước những cơn bão khủng hoảng”, kéo theo hàng chục vạn lao động lao đao khốn khó.

      Ông dẫn chứng, chỉ riêng Vinashin đã làm thất thoát khoảng 107.000 tỷ đồng, trong đó có trên 40.000 tỷ đồng nợ nước ngoài, hơn 60.000 tỷ đồng nợ trong nước. Ông so sánh con số này với một suất đầu tư xây dựng một phòng học của chương trình kiên cố hóa trường lớp học chỉ khoảng 500 triệu đồng, suất đầu tư xây dựng một nhà văn hóa khoảng 1 tỷ đồng, trạm xá xã khoảng 2 tỷ đồng...

        “Nếu Vinashin không thất thoát nợ đọng thì chúng ta sẽ có thêm 214.000 phòng học hoặc 107.000 nhà văn hóa, 53 nghìn trạm xá xã. Trong khi cả nước có khoảng 11.000 xã, thì mỗi xã, phường có thêm 20 phòng học hoặc 10 nhà văn hóa, 5 trạm xá và chúng ta không phải băn khoăn, trăn trở buộc phải lùi thời hạn tăng lương do không bố trí được nguồn”, đại biểu Tiến nói.

          Vấn đề mà đại biểu Tiến đặt ra đã được Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh giải trình, làm rõ.

         Theo Tổng thanh tra Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra Vinashin từ tháng 7 đến tháng 11/2010. Phạm vi thanh tra là các hoạt động trong 4 năm 2006-2009 và về 3 nhóm vấn đề: tài chính, thể chế hoạt động, quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản.

        Qua thanh tra, đến 31/12/2009, số nợ phải trả của Vinashin là 86.745 tỷ đồng, số lỗ là 4.985 tỷ đồng (lũy kế đến cuối năm 2009), ngoài ra các khoản tiềm ẩn gây lỗ khác là hơn 8.512 tỷ đồng (trong đó có lỗ do đầu tư dở dang, phạt trả lãi tiền đặt cọc do các chủ tàu tập đoàn vi phạm hợp đồng…).

Tổng thanh tra Chính phủ cũng cho biết, đến năm 2009, Vinashin đã để thâm hụt 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi nghẽn cho nền kinh tế bằng cách giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.