Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lời hứa và sự giám sát

Hiền Lương| 01/11/2012 07:37

(HNM) - Các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ TP Hà Nội đang hoàn thành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Một trong những điểm đáng chú ý nhất là các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy quản lý sẽ được lập hồ sơ về lời hứa và bản cam kết để theo dõi, giám sát. Đây là cách làm quyết liệt nhằm thực hiện chủ trương đổi mới công tác cán bộ của thành phố.


Lấy phiếu tín nhiệm là biện pháp để đánh giá cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, chỉ riêng biện pháp này là chưa đủ. Nên để bổ sung cho biện pháp lấy phiếu tín nhiệm, góp phần theo dõi, giám sát để nhận xét, đánh giá cán bộ chặt chẽ, khoa học hơn, Thành ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức lập hồ sơ theo dõi các cán bộ thuộc diện BTV Thành ủy quản lý trên cơ sở kết quả kiểm điểm theo Nghị quyết TƯ 4. Mỗi cán bộ sau khi kết thúc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải có một bản cam kết về các biện pháp sẽ thực hiện để khắc phục khuyết điểm, yếu kém. Bản cam kết này phải được bí thư cấp ủy ký xác nhận, sau đó được Ban Tổ chức Thành ủy thẩm định mới được lưu vào hồ sơ. Trưởng ban Tổ chức Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: "Bản cam kết sẽ là cơ sở để Thành ủy thực hiện công tác nhận xét, đánh giá cán bộ và làm công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới". Những cán bộ không thực hiện đúng cam kết bằng văn bản trong hồ sơ lưu của BTV Thành ủy sẽ không được đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ tới, thậm chí sẽ bị xem xét kỷ luật tùy mức độ không thực hiện lời hứa.

Biện pháp mới này được đông đảo đảng viên nhận định, vừa là sự động viên, khuyến khích đối với người làm tốt, đồng thời vừa là lời cảnh báo đối với những cán bộ chưa làm tròn chức trách, còn thờ ơ, né tránh công việc... Cùng với biện pháp lấy phiếu tín nhiệm, giám sát từ lời hứa, đánh giá cán bộ từ thực tế kết quả công tác so với cam kết được lưu trữ trong hồ sơ có thể coi là những cơ sở nhằm nâng cao chất lượng cán bộ. Một cán bộ thuộc diện BTV Thành ủy quản lý cho rằng, khi nói đến biện pháp này người ta thường nghĩ ngay đến việc mình thường xuyên bị "soi". Nhưng nếu lấy đó mà cố gắng, đồng thời việc giám sát nghiêm túc, đánh giá công tâm, thì đây là "liều thuốc" kích thích tinh thần phấn đấu của cán bộ. Có ý kiến đề nghị BTV Thành ủy nên công bố công khai bản cam kết, ít nhất là trong khuôn khổ đảng bộ nơi cán bộ sinh hoạt để mở rộng giám sát.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng hiệu quả của biện pháp này trước hết phụ thuộc vào chất lượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy trực thuộc Thành ủy có cán bộ thuộc diện BTV Thành ủy quản lý. Khắc phục được khuyết điểm, yếu kém hay không phải do bản thân cán bộ nhận thức và thực hiện Nghị quyết TƯ 4 một cách nghiêm túc; cấp ủy nghiêm túc kiểm điểm, phê bình đồng chí mình, thống nhất cao những biện pháp khắc phục… Biện pháp này có hiệu quả hay không trước tiên phụ thuộc bản chất cam kết có cụ thể, sát với thực tế hay không?

Nếu thực hiện tốt biện pháp này sẽ góp phần vào thành công của Nghị quyết TƯ 4. Một biện pháp giám sát mới vừa cụ thể, vừa có tính chất lâu dài, như vậy không chỉ nâng cao ý thức trách nhiệm cán bộ mà còn huy động được sự quan tâm giám sát của đông đảo đảng viên. Nhờ vậy, cán bộ ở mức độ nào đó luôn có sự ràng buộc trách nhiệm để cố gắng và nâng cao trách nhiệm trong công tác. Việc cam kết khắc phục khuyết điểm, yếu kém của cán bộ chính là sự cụ thể hóa kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Trên cơ sở này, cán bộ, cấp ủy thực hiện cam kết cũng có nghĩa là tạo chuyển biến trên thực tế. Mục đích cuối cùng của Nghị quyết TƯ 4 là tạo chuyển biến trên thực tế.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị từng nhấn mạnh, trên tinh thần Nghị quyết TƯ 4, Hà Nội phấn đấu là đảng bộ đi đầu thực hiện việc đánh giá cán bộ, kiên quyết thay thế những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ uy tín một cách kịp thời, không chờ hết tuổi, không chờ hết nhiệm kỳ. Từ đầu năm nay, Ban Tổ chức Thành ủy đã được chỉ đạo chủ trì xây dựng quy trình cụ thể để đánh giá cán bộ theo định kỳ hàng năm, lấy tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ được giao làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá cán bộ. Hiện nay, Ban Tổ chức đang khẩn trương xây dựng đề án đổi mới công tác cán bộ và quy trình lấy phiếu tín nhiệm cán bộ. Dự kiến cuối năm nay, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ bắt đầu thực hiện và được thực hiện hằng năm. Cán bộ sau hai năm đánh giá có mức tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc cán bộ sau một năm đánh giá có mức tín nhiệm quá thấp sẽ bị thay thế.

Nếu lấy phiếu tín nhiệm và giám sát cán bộ từ hồ sơ cam kết được thực hiện triệt để, Hà Nội sẽ không chỉ đi đầu về đánh giá cán bộ mà chắc chắn còn tạo đột phá trong công tác cán bộ như đã xác định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời hứa và sự giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.