Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên mở cuộc vận động từ chức

Vân An| 01/11/2012 18:42

(HNMO) - Ngày 1/11, Quốc hội dành trọn thời gian để thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.


Tại phiên thảo luận, các ý kiến đã tập trung đánh giá, nhận định một cách khái quát, phân tích những điểm mới về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm tham nhũng trong năm 2012, dự báo trong năm 2013; đánh giá chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong năm 2012; những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém, bất cập, nguyên nhân, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2013.

Chấp nhận mở rộng hành lang pháp lý với trẻ vị thành niên

Theo các đại biểu, các Báo cáo của Chính phủ cơ bản đã phản ánh và đánh giá khá sát với tình hình thực tiễn về hoạt động của tội phạm xâm phạm an ninh, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, thể hiện khá rõ các công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm của các cấp, các ngành và của nhân dân ta, nhất là đối với các ngành nội chính như công an, quân đội, Viện kiểm sát, Tòa án, Thanh tra…

Tuy nhiên, các đại biểu lưu tâm nhiều đến tình hình tội phạm vẫn đang có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới tinh vi, phức tạp hơn.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Kha - TP Cần Thơ, công tác phòng, chống tội phạm năm qua còn hạn chế là do chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia, sự phối hợp giữa các cơ quan tham gia tố tụng chưa thật thống nhất trong xử lý tội phạm, một số điều luật hiện hành không còn phù hợp…

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng - Tiền Giang cho rằng, để khắc phục những tồn tại này, cần quan tâm hơn nữa tới việc kiện toàn tổ chức biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm, đặc biệt là cơ quan thanh tra các cấp, kiện tòan hệ thống pháp lý... Ông tán thành đề xuất Quốc hội hàng năm sẽ ban hành nghị quyết riêng về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Đi vào những vấn đề cụ thể, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn trước tình hình gia tăng tội phạm vị thành niên.


Đại biểu Nguyễn Thái Học - Phú Yên cho rằng, với số liệu gần 6.500 bị cáo là người chưa thành niên phải ra trước tòa, chịu sự trừng trị của pháp luật trong năm 2012, tăng hơn 40% so với năm 2011, là điều rất đáng để suy nghĩ.

Theo đại biểu Học, hiện nay công tác giáo dục đạo đức lối sống trong lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh của chúng ta chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức, trong đó có trách nhiệm của môi trường giáo dục ở các nhà trường. Thực tế cho thấy nhiều nhà trường chú trọng quá mức đến việc dạy chữ mà ít quan tâm đến việc dạy người. Chính phủ nên chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng giảng dạy các môn khoa học, xã hội trong đó có môn giáo dục công dân ở bậc phổ thông; có định hướng trong đổi mới việc dạy và học các môn khoa học, xã hội nói chung, môn pháp luật nói riêng nhằm từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh.

Theo phân tích của đại biểu Hồ Trọng Ngũ - Vĩnh Long, nguyên nhân đặc thù khiến tội phạm vị thành niên ở nước gia tăng là: Năng lực hành vi, năng lực pháp luật của lớp trẻ ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Cách quản lý, kìm kẹp, khuôn mẫu, cứng nhắc đã kìm nén làm phát sinh tâm lý muốn bứt phá, giải phóng, tự do hành động, thể hiện mình trong nhóm xã hội của trẻ vị thành niên; Sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường làm thay đổi nhận thức, hệ thống giá trị của con người nói chung và của giới trẻ, làm cho động cơ, mục đích và các giá trị vật chất nhanh chóng xung đột với các giá trị tinh thần khác; Các khuyết tật của quản lý văn hóa, truyền thông; Do tham gia nhiều quan hệ xã hội rất sớm, người vị thành niên ngày càng giàu kinh nghiệm sống, phán xét, xử lý tình huống khá hơn so với trước đây; Bên cạnh những thành công, giỏi giang, có một bộ phận thanh thiếu niên bằng mọi giá để làm giàu.

Đại biểu Ngũ cho rằng, xử lý bài toán này phải cởi mở cả hai phía. Một mặt là thừa nhận sự trưởng thành vượt bậc năng lực hành vi và chấp nhận mở rộng hành lang pháp lý với trẻ vị thành niên, thừa nhận 16 tuổi là người thành niên để các đối tượng này có nhiều quyền năng, hành động và tham gia thực sự giải quyết các quan hệ xã hội và tuổi vị thành niên nên là từ 12 đến 14 tuổi.

”Những chế độ pháp lý mà lâu nay chúng ta áp dụng cho những người từ 16 đến 18 tuổi sẽ áp dụng cho các em từ đủ 14 đến 16 tuổi. Còn chế độ pháp lý mà lâu nay áp dụng cho các em áp dụng từ 14 dến 16 tuổi sẽ dùng với các em từ 12 đến 14 tuổi. Nếu chúng ta làm điều đó thì Quốc hội sẽ ủng hộ Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp của cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm vị thành niên hiện nay”, đại biểu Ngũ nói.

Dưới một góc độ khác, đại biểu Trần Văn Độ - An Giang cho rằng, việc cứ để tội phạm xảy ra rồi mới chạy theo để xử phạt thật nặng, thật nghiêm, như tăng tử hình, thậm chí đề nghị tăng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, tăng phạm vi áp dụng biện pháp tạm giam đối người vị thành niên phạm tội…. “là không ổn, không giải quyết được vấn đề”.
.
”Chúng ta có khoảng 3% là người chưa thành niên phạm tội. Cứ 100 người phạm tội có 3 người chưa thành niên phạm tội. Nhưng số bài báo để miêu tả các hành vi phạm tội người chưa thành niên tôi tính khoảng 50%. Riêng vụ án Lê Văn Luyện có trên 1000 bài báo để viết chuyện đó mà không ai nêu ra nguyên nhân tại sao Luyện phạm tội, mà chủ yếu miêu tả hành vi và tỏ thái độ căm phẫn.... Tôi nghĩ đây là vấn đề chúng ta phải đổi mới cả công tác tuyên truyền, công tác báo chí, công tác truyền thông”, đại biểu Độ nói.

Nên mở cuộc vận động từ chức


Bàn về công tác phòng, chống tham nhũng, các đại biểu đánh giá, mặc dù đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai nhiều giải pháp, nhưng trên thực tế, công tác này vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra, tham nhũng vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. 


Theo đại biểu Lê Nam – Thanh Hóa, cơ quan chống tham nhũng hiện nay của chúng ta đang bị chia cắt và yếu ớt. Nếu không được tổ chức lại thành một cơ quan có sức đủ mạnh, đủ quyền, đủ tầm được lãnh đạo chặt chẽ thì phòng, chống tham nhũng vẫn chỉ là mong muốn, là quyết tâm chính trị mà thôi.

Đại biểu Nam cho rằng, phải phát huy vai trò của Quốc hội, Quốc hội phải có cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Đặt vấn đề phải làm gì để phát hiện được tham nhũng và xử lý nghiêm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng cho rằng, phải thay đổi cơ chế, cho phép các cơ quan điều tra tiếp cận với các đối tượng tham nhũng.

“Theo tôi, tội phạm tham nhũng thì là đảng viên, cán bộ cũng phải như những người bình thường. Nếu như có hành vi tham nhũng thì công an phải có quyền tiếp cận bí mật đối với anh. Như thế mới bắt được chứ. Nếu chúng ta không cho cơ chế đó thì không bao giờ bắt được tham nhũng”, đại biểu Thuyền nói.

Ông đề nghị, phải có một lực lượng điều tra chuyên trách về chống tham nhũng độc lập cả với công an.

Không chỉ lo ngại về những vụ việc tham nhũng lớn, đại biểu Nguyễn Thị Phúc - Bình Thuận cũng đề nghị lưu tâm tới tình trạng tham nhũng vặt, tham nhũng nhỏ lẻ bởi tuy thiệt hại không lớn, có khi chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng kiểu tham nhũng này đang diễn ra ở nhiều nơi.

Để diệt nạn tham nhũng, đại biểu Phúc nhấn mạnh tới giải pháp kê khai tài sản. Theo bà, quy định này là cơ sở giúp cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biết được tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phục vụ công tác quản lý cán bộ công chức và góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế cả nước chỉ có 18,7% tổng số người kê khai đã được thực hiện công khai bản kê khai thu nhập tài sản bằng hình thức niêm yết tại cơ quan, đơn vị, hoặc công khai trong hội nghị cán bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.

”Tác dụng của việc kê khai thu nhập, tài sản trong công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, hiệu quả thấp. Tôi đề nghị cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kê khai thu nhập, tài sản của các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương theo quy định, cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nội dung này để tránh việc thực hiện mang tính hình thức làm qua loa chiếu lệ”, đại biểu Phúc nói.

Về vấn đề này, đại biểu Trương Thị Yến Linh - Cà Mau đề nghị, cùng với việc mở rộng kê khai tài sản những đối tượng có chức, có quyền, có vị thế trong xã hội, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ đảm bảo tính minh bạch, công khai và bản thân mỗi người phải nói không với tham nhũng. Đồng thời phải biết vận dụng sức mạnh toàn dân vào cuộc cùng giám sát, phòng ngừa, phát hiện đẩy lùi tham nhũng.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - TP Hà Nội bổ sung giải pháp đầu tư, hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong quản lý điều hành từ Trung ương đến địa phương cơ sở, sớm triển khai quản lý thu nhập của cán bộ có chức vụ, quyền hạn thông qua hình thức thanh toán qua thẻ, qua đó góp phần tích cực trong phòng, chống tham nhũng.

Về nội dung làm rõ trách nhiệm cá nhân trong các vụ việc tiêu cực, đại biểu Đỗ Văn Đương – TP. Hồ Chí Minh đề nghị, Quốc hội, Chính phủ nên mở cuộc vận động từ chức, trước hết là với các bộ trưởng, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành để xảy ra tham nhũng, thất thoát lớn trong lĩnh vực mình phụ trách. Ông đề nghị Quốc hội tiến hành bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm luôn với một số lãnh đạo ngành khiến dân “kêu” nhiều như xăng dầu, ngân hàng…

”Năm 2013, chúng ta nên tập trung thanh tra, giám sát, đột phá vào ngân hàng, đất đai, các dự án sử dụng vốn và tài sản công, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước có dấu hiệu thua lỗ nghiêm trọng để kịp ngăn ngừa”, đại biểu Đương nói.

Đại biểu Đương cũng đề nghị xem lại các tiêu chí cho bị cáo hưởng án treo trong các vụ án tham nhũng theo hướng chặt chẽ hơn.

Chung mối quan tâm, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình –Bến Tre cho rằng, tỷ lệ hưởng án treo với tội phạm tham nhũng còn cao và chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát cụ thể việc giữ lại xử lý hành chính những vụ án tham nhũng có đúng hay không.

Theo đại biểu Bình, cần quy định cơ chế đặc biệt để giám sát các kết luận thanh tra và xử lý hành chính với hành vi tham nhũng, có quy trách nhiệm rõ ràng nếu xử lý, kết luận sai, đồng thời không cho áp dụng các tình tiết giảm nhẹ với tội phạm tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên mở cuộc vận động từ chức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.