Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có luật để xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô

Đà Đông| 06/11/2012 06:42

(HNM) - Ngày 5-11, ngày đầu tiên của tuần làm việc thứ 3, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII, trong phiên họp toàn thể, QH dành trọn thời gian buổi sáng thảo luận về Dự án Luật Thủ đô - một dự luật quan trọng không chỉ cho sự phát triển của riêng Thủ đô.

Bằng tâm huyết và trách nhiệm, 25 ý kiến trực tiếp trong phiên thảo luận và hơn 10 ý kiến góp ý qua văn bản đều thống nhất đánh giá Dự án Luật Thủ đô đã hội đủ các điều kiện và mong muốn trình QH xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này.

Dự án Luật Thủ đô đã hội đủ các điều kiện, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, xứng đáng là trái tim của cả nước. Ảnh: Huy Hùng

Tán thành cơ chế đặc thù

Với chiều dài lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, là địa danh tiêu biểu của truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam, trong phiên thảo luận sáng qua, nhiều ĐBQH cho rằng, việc ban hành luật dành riêng cho Thủ đô là việc làm hết sức cần thiết. Các ĐBQH cũng đã đánh giá cao việc Ban soạn thảo nghiêm túc và cầu thị tiếp thu các ý kiến của ĐBQH khóa XII để dự thảo luật mới đạt bước tiến khá căn bản, thu hẹp được sự khác biệt trong ý kiến về hầu hết các vấn đề quan trọng của dự thảo luật cũ. Đặc biệt, dự thảo đã xác định một cách rõ ràng, xác đáng hơn tính chất đặc thù và các chính sách, cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô.

Thống nhất cần ban hành các cơ chế đặc thù cho Thủ đô như tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, văn hóa, xây dựng; thêm các quy định về nhập cư khu vực nội thành; được chi ngân sách cao hơn, ĐBQH Đào Trọng Thi (đoàn Hà Nội) phân tích, những chính sách ưu tiên, đặc thù trong dự thảo không phải là sự ưu ái dành riêng cho nhân dân Thủ đô mà cần phải được xem như là sự tự nguyện, gương mẫu của chính nhân dân Thủ đô và sự chung vai gánh vác của nhân dân cả nước với Thủ đô trong việc chăm lo cho Thủ đô phát triển để phục vụ cho sự nghiệp chung. ĐB nhấn mạnh, có thể một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thủ đô cũng cần cho các địa phương khác, đặc biệt là các TP trực thuộc TƯ, nhưng đối với Thủ đô thì đòi hỏi quyết liệt hơn, yêu cầu chặt chẽ hơn và với các định mức chuẩn mực cao hơn để ngang tầm với vị thế, vai trò đặc biệt của mình.

Ý kiến này cũng đã nhận được sự đồng tình của các ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa), Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương), Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn), Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau)... ĐB Huỳnh Thành Lập (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, quy định một số biện pháp hành chính về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội là cần thiết, bởi Thủ đô hiện nay đang quá tải. Nếu làm không chặt chẽ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Sự chặt chẽ này tạo điều kiện để bảo đảm chất lượng cuộc sống tốt hơn cho những người đang thường trú và những người đủ điều kiện thường trú ở nội thành. Theo đó, dự thảo quy định cư trú theo phương án 1 cũng không có gì quá đáng, bởi nếu công dân có nhà thuộc sở hữu của mình hoặc tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên thì được nhập khẩu.

Đồng tình cao với những đặc thù dành cho Thủ đô, nhất là vấn đề hạn chế nhập cư, ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) cho rằng những đặc thù dành cho Hà Nội là hoàn toàn cần thiết. Bởi những yêu cầu riêng đó đang rất cần cho Hà Nội. Theo ĐB, có thể những quy định đặc thù trong dự thảo chưa phù hợp và không phù hợp với những luật hiện hành, nhưng có như vậy thì mới cần ban hành Luật Thủ đô để điều chỉnh.


Thêm những ý kiến tâm huyết dành cho Thủ đô

Trong phiên thảo luận sáng qua, các ý kiến cũng đã bày tỏ sự thống nhất cao chọn Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô, các tiêu chí về lựa chọn công dân Thủ đô, tăng thẩm quyền cho HĐND TP khi xem xét một số nội dung cụ thể trong dự thảo. Mong muốn QH thông qua Luật Thủ đô ngay tại kỳ họp, các ĐBQH đã góp nhiều ý kiến tâm huyết để dự thảo luật thêm hoàn thiện, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Đặc biệt, quan tâm tới việc gìn giữ, phát triển văn hóa của Thủ đô,  ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) lưu ý, Thủ đô Hà Nội bây giờ không chỉ còn là Thăng Long xưa mà đã có cả một không gian gắn kết với nền văn hóa có bề dày lịch sử và đặc sắc, đó là văn hóa xứ Đoài. Núi Tản là vùng đất linh thiêng từ xa xưa nó không chỉ linh thiêng với xứ Đoài - Sơn Tây mà nó gắn liền với cả kinh đô Thăng Long và khu vực Bắc bộ, vì thế nên đưa nội dung này vào dự thảo luật như là một đối tượng để bảo vệ, gìn giữ. ĐB Dương Trung Quốc cũng đề xuất dự thảo cần bổ sung những nội dung liên quan tới sông Hồng - con sông mẹ đã tạo nên cả nền văn hóa Đồng bằng Bắc bộ mà bản thân Kinh đô Thăng Long phát triển chính là nhờ con sông này. Có như vậy công tác quy hoạch, xây dựng cả hai bên bờ sông, vấn đề khai thác du lịch, khai thác giao thông mới được chú trọng và đây sẽ trở thành một lợi thế rất lớn đối với Thủ đô Hà Nội.

Các ĐB Đặng Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc), Nguyễn Đức Hiền (đoàn Nghệ An) đề xuất, nên đưa vấn đề làng nghề truyền thống vào dự thảo bởi văn hóa làng nghề gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô. Có như vậy mới tạo hành lang pháp lý giúp bảo tồn, phát triển các làng nghề đặc sắc, riêng có của Thủ đô hiện nay. Theo ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình), những nội dung liên quan tới khu vực ngoại thành chưa được đề cập thỏa đáng trong dự thảo, vì vậy cần có các quy định về quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân cho các vùng ngoại thành của Hà Nội. Đồng thời bổ sung các chính sách y tế, một vấn đề rất bức xúc và cũng đang đặt ra nhiều việc phải làm cho Thủ đô nhưng chưa được đề cập.

Với tất cả trách nhiệm và tình cảm với Thủ đô yêu dấu, có thể nói trong phiên thảo luận sáng qua, các ĐBQH đã tìm được tiếng nói chung về một số vấn đề còn nhiều vướng mắc của Dự thảo luật trước đây. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, nhìn chung ý kiến của các ĐBQH đều khẳng định là cần có Luật Thủ đô để xây dựng và phát triển, bảo vệ Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Các ĐBQH đã cơ bản thống nhất chính sách phát triển và xây dựng Thủ đô, thêm mức xử phạt hành chính trong ba lĩnh vực đất đai, văn hóa, xây dựng, thêm quy định về quản lý nhập cư khu vực nội thành... Tiếp thu những ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, những vấn đề trên sẽ được giải trình một cách thấu đáo với QH khi xem xét, thông qua dự án luật này. Cũng giống như nhiều ĐB khác, Phó Chủ tịch QH tin tưởng ngay tại kỳ họp thứ tư, QH sẽ xem xét, thông qua Luật Thủ đô để tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô xây dựng và phát triển, xứng đáng với vị thế trung tâm chính trị, hành chính của cả nước.

Dự thảo Luật Thủ đô không hề vi hiến

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Luật Thủ đô cũng là một đạo luật

Dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội lần này có nhiều điểm khác so với dự thảo luật đã trình Quốc hội khóa XII, nhất là về tính quy phạm của các điều, khoản luật, có định hướng rõ ràng, cụ thể hơn với tinh thần cả nước chỉ có một Thủ đô và do đó "cả nước vì Thủ đô",  đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước.

Có ý kiến ĐBQH e ngại quy định về nhập cư trong luật này  không phù hợp với Hiến pháp, tôi khẳng định, dự thảo luật không có điều khoản nào vi hiến. Hiến pháp quy định về quyền tự do cư trú, nhưng cũng chỉ rõ "theo quy định của pháp luật". Luật Thủ đô cũng là một đạo luật. Mà theo Luật Cư trú, muốn đăng ký hộ khẩu thường trú tại 5 TP trực thuộc TƯ cũng phải tuân theo những quy định riêng.

ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Hải Phòng): Cần chú trọng chất lượng nhập cư

Dự thảo luật có đề cập tới hạn chế số lượng người nhập cư khu vực nội thành, theo tôi cần chú trọng tới cả chất lượng nhập cư gắn liền với hạn chế số lượng.
Dự thảo mới đề cập tới hạn chế số lượng nhập cư mà lại không có qui tắc nào đó đề cập đến chất lượng dân cư Hà Nội thì trong tương lai không xa, tôi lo ngại việc xây dựng một nền văn hóa, văn hiến kế thừa văn hóa tinh hoa của Thủ đô sẽ mai một. Nếu không chú trọng chất lượng nhập cư thì lai căng văn hóa, pha tạp sẽ dần dần biến Thủ đô thành nơi pha trộn nhiều phong cách, nhiều nền văn hóa. Yêu cầu xây dựng Thủ đô không chỉ là không gian đô thị, văn hóa, kinh tế mà còn là xây dựng con người, công dân Thủ đô. Công dân Thủ đô phải giữ gìn được cốt cách, hào hoa như câu nói: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".

ĐB Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Thuận): Không nên giới hạn nội thành trong 4 quận cũ

Tôi đồng tình với việc thông qua Dự án Luật Thủ đô ngay tại kỳ họp này. Tuy nhiên, có một số vấn đề dự thảo cần làm rõ như Điều 2 đã có khái niệm nội thành, nhưng ở Điều 10 lại giới hạn nội thành gồm 4 quận của Hà Nội là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Với việc mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội hiện có 10 quận nội thành và nếu chúng ta chỉ gói gọn 4 quận nội thành này thì trên thực tế chúng ta sẽ bó tay và bó hẹp phạm vi ảnh hưởng của các công việc như là quy hoạch, như là chỉnh trang đô thị. Tôi cho rằng trong phạm vi nội thành thì hiện nay các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân đã phát triển và ở đây cần phải có quy hoạch. Như vậy, ở các địa bàn này chúng ta không những phát triển nâng cao đời sống của người dân mà cần phải tính đến những quy chuẩn chặt chẽ hơn về điều kiện nhập cư cũng như tham gia giao thông và bảo vệ môi trường.

An Trânghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có luật để xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.