Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên thừa nhận quyền đất đai như thừa nhận quyền tài sản

Vân An| 19/11/2012 14:23

(HNMO) - Chiều 19/11, tiếp tục thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi), một số đại biểu đề nghị, nên thừa nhận quyền đất đai như thừa nhận quyền tài sản, bởi càng nhiều sự không


Tham gia thảo luận, đa số các đại biểu đánh giá, Luật đất đai năm 2003 đã có tác dụng tích cực, giải quyết được nhiều vấn đề bức bối trước đó. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật đã thể hiện những bất cập trước sự phát triển của kinh tế, thậm chí gây ra những hệ lụy rất lớn, vì vậy, việc sửa đổi luật để tháo gỡ những bất cập và để quản lý tốt hơn lĩnh vực đất đai là cần thiết.

Theo đại biểu Châu Thị Thu Nga – Hà Nội, dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung được nhiều nội dung mới, tạo hành lang pháp lý cụ thể, minh bạch hơn như về sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất, giảm tải khiếu nại, khiếu kiện về đất đai… Tuy nhiên, dự luật chưa nêu rõ căn cứ để lập kế hoạch sử dụng đất, trong khi thực tế, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp hiện đang bộc lộ nhiều yếu kém về khâu quy hoạch, bỏ hoang nhiều, hiệu quả sử dụng đất kém. Quy định về các trường hợp bị cưỡng chế thu hồi đất cũng chưa rõ nên khó có thể tháo gỡ được ách tắc hiện nay.


Gợi lại tư tưởng chủ quyền đất đai thuộc về nhân dân là một trong những điểm mấu chốt của dự thảo Hiến pháp sửa đổi, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Quảng Bình cho rằng, tư tưởng này chỉ thực sự có ý nghĩa khi luật chuyên ngành cụ thể hóa và quán triệt đầy đủ.

Đại biểu Cường không ủng hộ việc dự luật bỏ thẩm quyền HĐND các cấp thông qua kế hoạch sử dụng đất, bởi đây là công việc quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân, trong đó có xác định diện tích đất chuyển đổi…

“Một trong những nơi dễ phát sinh lợi ích nhóm là khâu quy hoạch, lập kế hoạch. Việc giữ lại cơ chế HĐND thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định là cần thiết. Nếu việc làm của HĐND là hình thức thì chúng ta cần sửa đổi chứ không phải bỏ đi”, đại biểu Cường nói.

Đại biểu Lê Văn Lai – Quảng Nam, ủng hộ quan điểm xác lập chế độ sở hữu đất đai là toàn dân, do Nhà nước là đại diện, nhưng phải coi trọng quyền lợi của nhân dân. Theo ông, người Việt Nam sinh ra từ đất, sống lên từ đất, chết lại về với đất nên đất đai với người Việt là rất quan trọng, nên thừa nhận quyền sử dụng đất đai với tư cách là quyền sở hữu tài sản, bởi không thừa nhận thì cũng đã có mua bán, trao đổi, nhưng không “chính danh”.

“Càng nhiều không chính danh càng nhiều khuất tất, bất bình, tiêu cực, vì vậy nên thừa nhận quyền đất đai như thừa nhận quyền tài sản và thừa nhận việc buôn bán, cung-cầu”, đại biểu Lai nói.

Chung quam điểm, đại biểu Vũ Chí Thực – Quảng Ninh cũng cho rằng, hiện nay, tâm lý và xử sự của người dân đều tự coi mình là chủ sở hữu, không ai coi mình là chủ sử dụng, vì vậy, quan trọng nhất là phải đảm bảo quyền bình đẳng trong sở hữu, sử dụng đất.

Theo đại biểu Thực, vấn đề quan tâm của đa số người dân với đất không phải chỉ vì tiền, bởi còn đất là còn tư liệu sản xuất. Nhưng khi có quyết định thu hồi đất, người dân quan tâm đến việc thu hồi đó có hợp lý không, giá đền bù có thỏa đáng không…

“Theo tôi, chúng ta chỉ trưng thu có bồi thường với đất phục vụ lợi ích an ninh quốc phòng và quốc gia, còn lại là trưng mua, tiến tới xây dựng quỹ đất sạch để đấu thầu”, đại biểu Thực đề nghị.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi – Thanh Hóa ủng hộ quan điểm này. Theo ông, Nhà nước nên thu hẹp mức độ thu hồi đất, chỉ nên thu hồi trong trường hợp vì quốc phòng, an ninh, còn nếu vì mục đích kinh tế thì nên thông qua thương lượng, không nên ép người sử dụng đất và nên công khai kế hoạch thu hồi, lấy ý kiến nhân dân trước khi thu hồi, chỉ thu hồi đất sau khi đã giải quyết xong các thủ tục, cơ bản không có khiếu kiện….

“Việc đền bù đất thu hồi phải phản ánh được các tổn thất về sinh kế và chi phí tái định cư, lưu ý giá trị thị trường của đất đai khi thu hồi đất bằng cách sử dụng cơ quan độc lập, khách quan đánh giá, tư vấn”, đại biểu Lợi kiến nghị.

Đại biểu Lợi cũng lưu ý, sự thiếu nhất quán về chính sách hiện đang gây hạn chế về tính minh bạch, vì vậy, nên có đánh giá tổng kết các bộ luật liên quan để đưa ra những sửa đổi phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về hệ thống pháp luật.

Về hạn mức giao đất nông nghiệp, theo đại biểu Lợi và một số đại biểu khác, đất nông nghiệp hiện đang bị chia nhỏ thành những thửa hẹp nên sinh kế không bền vững, vì vậy nên bỏ bớt các hạn chế về hạn mức, tạo điều kiện tích tụ đất và tạo cơ hội cho những nông dân làm ăn kém hiệu quả chuyển giao đất để tìm hướng làm ăn mới.

Cũng quan tâm đến đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn băn khoăn với quy định giao đất nông nghiệp với thời hạn 50 năm, được gia hạn một lần. Theo ông, thời gian giao đất như vậy là quá dài, gộp cả thời gian gia hạn thì lên tới 100 năm, đủ ra đời cho 3-6 thế hệ.

“Việt Nam là nước có quỹ đất không lớn, thuộc nhóm thấp trên thế giới về diện tích đất trên đầu người, trong đó ¾ dân số sống nhờ đất và quá trình phân chia đất đai mới ở giai đoạn đầu, hệ thống pháp luật vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều nhóm được hưởng lợi nhưng cũng có nhiều nhóm yếu thế khi thực hiện chính sách đất đai. Vì vậy, thời hạn giao đất nên tăng lên 30 năm, được gia hạn 30 năm nữa, là phù hợp”, đại biểu Thành nói.

Quan điểm của đại biểu Thành nhận được sự ủng hộ từ một số đại biểu khác, trong đó có các đại biểu Phạm Xuân Thường – Thái Bình, Nguyễn Thanh Thủy – Bình Định. Theo các đại biểu này, việc tăng thời hạn sử dụng đất lên tới 50 năm với đất lâm nghiệp thì phù hợp, nhưng với đất nông nghiệp thì chưa hợp lý. Ban soạn thảo cho rằng, thời hạn kéo dài thì người dân yên tâm sản xuất nhưng đất kéo dài thời hạn ở đây chủ yếu là đất nông nghiệp, sản xuất hàng năm, thời hạn thực hiện quay vòng của đất không dài, nên nói tăng thời hạn giao đất để người dân yên tâm sản xuất là không có cơ sở khoa học. Quan trọng hơn, nếu thực hiện thời hạn giao đất này, những người sinh sau năm 1993 sẽ không có đất, họ sẽ được giải quyết chính sách như thế nào?

“Tôi ủng hộ việc không chia lại đất vì phức tạp, không công bằng. Nhưng nếu kéo dài thời hạn giao đất thì xảy ra 4 trường hợp: đang quản lý đất theo thừa kế, nhận chuyển nhượng của người khác, người đang quản lý đất được giao và đất mua thêm, người không có nhu cầu sử dụng đất nhưng đang có đất. Các trường hợp này sẽ giải quyết như thế nào khi đến 2013, thời hạn giao đất kết thúc? Nên chăng, sẽ thu hồi đất của những người không có nhu cầu sử dụng, của những người được giao đất nhưng đã chết để dành cho những người sau có nhu cầu thực sự”, đại biểu Thường đề nghị.

Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, dự án Luật đất đai sửa đổi sẽ tiếp tục được hoàn thiện, chỉnh sửa để trình lại Quốc hội. Khép lại phiên thảo luận hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, dự luật đã nhận được hơn 50 ý kiến đóng góp trực tiếp tại nghị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nên thừa nhận quyền đất đai như thừa nhận quyền tài sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.