Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Công giáo thi đua sống tốt đời, đẹp đạo

Nguyễn Linh| 27/11/2012 06:25

(HNM) - Theo Điều lệ của Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) Việt Nam, nhiệm kỳ V (2007-2012) của UBĐKCG TP Hà Nội đã kết thúc. Đây là dịp đánh giá chặng đường 5 năm qua, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Thủ đô không ngừng tiến lên.

Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua, các phong trào "Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, xây dựng gia đình gương mẫu sống tốt đời đẹp đạo"; "Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt" đã mang lại hiệu quả thiết thực làm đổi mới diện mạo các xứ họ, giúp đời sống người Công giáo Thủ đô ngày một cải thiện, sung túc hơn.

Chị Nguyễn Thị Mùi (sinh năm 1963, thuộc họ giáo Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) là tấm gương giáo dân điển hình vượt khó phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hỗ trợ người nghèo, nuôi dạy các con trưởng thành. Gia đình chị rất tích cực làm kinh tế, hỗ trợ người không may mắn, góp phần "Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, xây dựng gia đình gương mẫu sống tốt đời đẹp đạo". Là người trồng đào lâu năm, chị luôn tìm tòi sáng tạo để có được những giống đào đẹp, dáng lạ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Để có hiệu quả kinh tế cao, chị thương lượng với 3 hộ để có 2.000m2 đất khoán sản chuyên canh đào. Từ mảnh đất này, chị Mùi đã chăm sóc kỹ lưỡng 280 gốc đào thế cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Tuy bận rộn, vất vả, nhưng chị luôn sắp xếp thời gian để giúp đỡ 18 chị em có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện cận nghèo, thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng xứ họ đạo tiên tiến. Tín chấp cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, hướng dẫn cách làm ăn, động viên chị em kiên trì vượt khó, chị Mùi đã giúp 14 gia đình ổn định cuộc sống. Ý thức sống bác ái, tốt đời đẹp đạo của chị Mùi và cộng đồng giáo dân ở họ giáo Phú Gia đã thúc đẩy mọi người luôn có ý thức vươn lên, xây dựng cuộc sống ngày một ổn định, tốt đẹp hơn.

Năm năm qua, trên toàn TP, các phong trào thi đua yêu nước đã thấm sâu, giúp người Công giáo thay đổi hẳn nhận thức, tình cảm. Phong trào "Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt" do UBĐKCG TP phát động đã thúc đẩy người Công giáo sống đạo tốt hơn, giữ giáo lý, giáo luật nền nếp bằng đời sống của mỗi cá nhân trong chấp hành pháp luật, thực thi bác ái, vượt khó làm giàu và xây dựng cộng đồng, xã hội. Nhiều mô hình tiêu biểu vượt khó, làm kinh tế giỏi đã xuất hiện. Năm 2008, hộ Công giáo có thu nhập cao nhất là 200 triệu đồng; năm 2012, số gia đình có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm xuất hiện ngày càng nhiều như các hộ Nguyễn Văn Trường, Hoàng Phúc Triển (Tây Hồ); Nguyễn Văn Cần (Sóc Sơn); Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Thị Vững (Thanh Trì); Trần Văn Cử, Trần Văn Chiến (Đan Phượng)… Từ sự cần cù, bền bỉ phấn đấu, người Công giáo đã khôi phục nhiều làng nghề truyền thống ở Tây Tựu, Thượng Thụy (trồng hoa), Cổ Nhuế (làm bánh kẹo), Kim Lan (làm gốm), các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa (làm mây tre đan). Bên cạnh đó, các làng thủ công nghiệp do người Công giáo gây dựng ở các huyện Thạch Thất, Sơn Tây, Quốc Oai, Hoài Đức… đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động. Họ là những điển hình phấn đấu vươn lên theo phong trào "Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt".

Thực hiện các phong trào thi đua, người Công giáo luôn nhắc nhở bản thân và gia đình đoàn kết, bác ái, sống gương mẫu, tích cực tu rèn, tuân thủ pháp luật. Trên toàn TP, 100% gia đình Công giáo đã đăng ký xây dựng "Gia đình văn hóa". Số làng Công giáo, họ giáo đạt danh hiệu "Làng văn hóa" ngày càng nhiều. Huyện Đông Anh có hai họ giáo Mai Châu, Địa Bằng; huyện Hoài Đức có 10 làng Công giáo được công nhận "Làng văn hóa". Huyện Phú Xuyên có 3 làng Công giáo được công nhận "Làng văn hóa" cấp quốc gia.

Các hoạt động từ thiện của giáo dân được tiến hành thường xuyên, liên tục, với trị giá ủng hộ hơn 30 tỷ đồng. Nồi cháo từ thiện (cung cấp 100 suất cháo/ngày) được các xơ ở 37 Hai Bà Trưng duy trì trong nhiều năm liền về chất và lượng, giúp bệnh nhân nghèo nâng cao sức chống chọi với bệnh tật. Hằng năm, giáo dân ở các quận, huyện tích cực tham gia chương trình tiếp sức mùa thi, chăm sóc, hỗ trợ từ 3.000 đến 4.000 thí sinh (tư vấn, đưa đón, chỗ ở miễn phí), với giá trị nhiều tỷ đồng mỗi năm. Cộng đoàn Emmaus thường xuyên tổ chức truyền thông phòng chống lây nhiễm, chăm sóc hơn 200 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Tại các giáo xứ, giáo họ, công tác thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ bệnh nhân ở các trại phong, bệnh nhân và người nghèo được tổ chức định kỳ, nhất là các dịp lễ, tết…

Thực hiện các phong trào thi đua, người Công giáo Thủ đô đang ngày một gắn bó, tích cực đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người Công giáo thi đua sống tốt đời, đẹp đạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.