Theo dõi Báo Hànộimới trên

Côn Đảo - 60 năm cuộc vượt ngục thần kỳ

H.Vân| 12/12/2012 10:47

(HNMO) - Sáng 12/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với Ban Liên lạc tù chính trị Côn Đảo tại Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học về sự kiện Các chiến sĩ cách mạng tổ chức vượt Côn Đảo nhân kỷ niệm 60 năm diễn ra sự kiện.


Tới dự Hội thảo có nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, đại diện các bộ, ban, ngành của Trung ương, Hà Nội, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, huyện Côn Đảo cùng các nhà khoa học nghiên cứu lịch sử trong nước. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của hàng trăm các bác, các đồng chí là cựu tù chính trị Côn Đảo các thời kỳ, đại diện Ban liên lạc 16 nhà tù thực dân, đế quốc trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

Đúng ngày này cách đây 60 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảo ủy Côn Đảo, các chiến sĩ cách mạng là những tù nhân chính trị bị thực dân Pháp giam cầm, đầy đọa tại nhà ngục Côn Đảo đã thực hiện kế hoạch nổi dậy, cướp vũ khí địch và tổ chức vượt Côn Đảo. Mặc dù kế hoạch không thành, tổn thất lớn (198 người tham gia nổi dậy vượt đảo đêm ấy đã có 81 người hi sinh, 117 người bị bắt lại Côn Đảo) nhưng sự kiện đã để lại ấn tượng, ý nghĩa sâu sắc về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khí tiết kiên trung, bất khuất của người cộng sản.

Qua 54 tham luận của các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các nhà khoa, các cựu tù chính trị Côn Đảo và của chính các nhân chứng lịch sử, ý nghĩa, giá trị của cuộc vũ trang nổi dậy tự giải phóng và vượt Côn Đảo; những kinh nghiệm được rút ra từ sự kiện có thể tham khảo thành những bài học giáo dục truyền thống về lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, tinh thần đấu tranh bất khuất, việc giữ gìn phẩm chất khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, của người đảng viên cộng sản và việc phát huy những giá trị, bài học quý giá đó trong điều kiện xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước đã được khắc họa rõ nét hơn.

Ông Đoàn Duy Thành – Trưởng Ban Liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo đã mở đầu Hội thảo với tham luận “Côn Đảo anh hùng, biển Đông dậy sóng”. Ông cho biết, ông bị đầy ra Côn Đảo ngày 4/10/1952 và đến ngày 10/10/1952, được thông báo về kế hoạch tổ chức vũ trang, giải phóng toàn bộ tù nhân để về với nhân dân tham gia cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp. Ông cùng các đồng chí khác đã nhận nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng khác tiến về trung tâm thị trấn, đánh chiếm 3 vị trí chủ chốt.

Theo ông Thành, những nét đặc trưng của cuộc vũ trang giải phóng toàn Côn Đảo chính là: cuộc vũ trang diễn ra trong thời điểm quyết liệt, khi cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta đã đi gần đến ngày thắng lợi. Đây là chủ trương đúng đắn của Ban chấp hành Đảng bộ đảo, có quy mô và được tổ chức chỉ đạo như một trận đánh lớn, một cuộc tổng khởi nghĩa trên một địa bàn rất đặc biệt, từ việc chuẩn bị quân nhu, quân khí tự tạo đến chiến thuật cướp súng giặc... đều diễn ra theo đúng kế hoạch; công tác dân vận, binh vận được đặt lên vị trí hàng đầu nên đã quy tụ được lòng dân, không chỉ quần chúng trong tù mà đặc biệt là nhân dân trên đảo; việc giữ gìn bí mật cũng được đảm bảo tuyệt đối.

Là một nhân chứng của sự kiện, ông Thành đề nghị quy hoạch toàn diện Côn Đảo để trở thành một điểm du lịch đặc biệt về văn hóa tâm linh của đất nước; có chương trình nghiên cứu về kinh nghiệm chiến đấu, bảo vệ các đảo ở biển Đông, làm cơ sở cho việc chuẩn bị xây dựng một hạm đội mang tên Côn Đảo để liên kết thành một vành đai bảo vệ tổ quốc ở phía biển Đông Thái Bình Dương. Ông cũng đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho tập thể cựu tù chính trị trong trận chiến đấu giải phóng Côn Đảo và cá nhân ông Lê Văn Hiến, Bí thư Đảo ủy; dựng đài kỉ niệm vượt ngục Côn Đảo tại Đảo và xây mộ cho 73 liệt sĩ.

Tiếp nối Hội thảo với tham luận “Côn Đảo anh hùng”, ông Phạm Thế Duyệt cũng kiến nghị khâu quy hoạch, tôn tạo để bảo tồn sự tích anh hùng của các chiến sĩ tại nhà tù Côn Đảo, để hòn đảo này mãi mãi là nơi các thế hệ Việt Nam và nhân dân thế giới đến tham quan, du lịch, tìm hiểu về truyền thống cách mạng và con người Việt Nam anh hùng. Với ông, Côn Đảo là biểu tượng niềm tự hào của nước ta. Từ nơi đây, nhiều chiến sĩ đã trưởng thành và sau này trở thành lớp lãnh đạo tiền bối, thành Tổng bí thư và lãnh đạo của Đảng ta, đưa đất nước ta thoát khỏi cảnh bị Pháp đô hộ, bị đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Với tham luận “Cuộc nổi dậy của các tù chính trị Côn Đảo”, Giáo sư Đinh Xuân Lâm cho rằng, tuy không thành công trong kế hoạch giải phóng, tù nhân bị nhiều tổn thất, nhưng cuộc vũ trang bạo động ở Bến Đầm, Côn Đảo, là một đòn tấn công vào tận sào huyệt của kẻ thù, làm rung chuyển và rối loạn nền thống trị của chúng. Đó là cuộc biểu dương tinh thần chiến đấu và ý chí tự giải phóng của những người tù.

Cũng theo Giáo sư, một ý nghĩa đặc biệt quan trọng khác là qua cuộc võ trang bạo động, tổ chức đã được củng cố, lực lượng được rèn luyện, đặc biệt là vai trò Đảng lãnh đạo được khẳng định là trung tâm tập hợp, đoàn kết, chỉ huy lực lượng, tấm gương tận tụy hi sinh của các đảng viên là chất keo gắn bó mọi người trong một hành động chung.

Bàn về nét đặc sắc trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ nhà tù Côn Đảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng nhấn mạnh, sự ra đời và hoạt động của Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã thể hiện tính chủ động và bản lĩnh cách mạng của những người cộng sản Việt Nam, thể hiện nét đặc sắc trong công tác xây dựng đảng thời kỳ kháng chiến. Sự ra đời của đảng bộ là sự phát triển tổ chức tại chỗ kết hợp với các chi bộ đảng được hình thành trong các đoàn tù trước khi bị đầy ra đảo.

Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, không nhận được sự chỉ đạo từ đất liền, nhưng tổ chức Đảng ở nhà tù Côn Đảo vẫn đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, mọi chủ trương, phương hướng và biện pháp đấu tranh đều được bàn bạc, thống nhất, công tác phát triển đảng được tiến hành thận trọng, có quy định chặt chẽ, thống nhất cao về tư tưởng, tổ chức và hành động, coi trọng việc rèn luyện, không ngừng tu dưỡng phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị của đội ngũ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt. Đây chính là những yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của đảng bộ nhà tù Côn Đảo.

Nhìn lại cuộc vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng nhà tù Côn Đảo, Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện lịch sử Quân đội Việt Nam đánh giá, cuộc vượt ngục là tâm điểm và là đỉnh cao của sức lãnh đạo tổ chức đảng trong nhà tù, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Chính sức mạnh này đã đề ra và chỉ đạo toàn bộ các khâu của cuộc vượt ngục, thống nhất ý chí và hành động của từng đảng bộ, từng đảng viên, cảm hóa cả những người cai tù, địch vận…

Theo ông, tinh thần tiến công cách mạng, không chịu lùi bước trước kẻ thù, trước mọi khó khăn, thử thách của các chiến sĩ cách mạng Côn Đảo năm xưa vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong cuộc sống hôm nay.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái phát biểu tại hội thảo.


Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư thường trực Thành ủy đã nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện khi được tổ chức cùng với thời điểm cả Thành phố và đất nước đang tự hào sống lại không khí hào hùng của những ngày “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cách đây 40 năm.

Theo đồng chí, bằng những cách tiếp cận sự kiện lịch sử với lát cắt và phương pháp nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ chủ trương, kế hoạch, cách thức tổ chức rất sáng tạo của Đảng bộ Côn Đảo trong lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ thực hiện, tiến hành cuộc vũ trang nổi dậy tự giải phóng.

“Với tất cả sự kính trọng của thế hệ đi sau, tôi xin thay mặt toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Nội bày tỏ sự khâm phục và biết ơn sâu sắc các thế hệ chiến sĩ cách mạng đã dâng hiến cả cuộc đời, tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc, trong đó có rất nhiều đồng chí đã bị địch bắt, tù đầy tại các nhà tù của thực dân, đế quốc nói chung, Côn Đảo nói riêng; xin được kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của Tỏ quốc, dân tộc, trong đó có 81 đồng chí tù chính trị đã tham gia cuộc vũ trang nổi dậy để tổ chức sự kiện “Vượt Côn Đảo” lịch sử”, đồng chí nói.

Phó Bí thư cho biết, để hội thảo có tác dụng thiết thực, phát huy kết quả cao, Hà Nội sẽ có kế hoạch cụ thể tổ chức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô về ý nghĩa, giá trị lớn lao của cuộc vũ trang nổi dậy và cuộc vượt Côn Đảo anh hùng; học tập những tấm gương ngời sáng của các chiến sĩ cách mạng để tự đoàn kết, thống nhất, phấn đấu nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, hiện đại. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Côn Đảo - 60 năm cuộc vượt ngục thần kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.