Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước

Ngọc Hà| 15/12/2012 06:35

LTS: Ngày 14-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Thủ đô. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội trong tương lai. Đúng như lời Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trả lời báo chí ngay sau luật được thông qua: "Cam kết lớn nhất là Hà Nội đón nhận Luật Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao nhất", những ngày này các cấp, các ngành của thành phố đã và đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các nội dung để luật sớm đi vào thực tiễn. Hànộimới trân trọng gửi tới bạn đọc loạt bài "Làm gì để đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống?".

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua với những quy định mang tính đặc thù trên nhiều lĩnh vực, đã tạo ra những điều kiện mới để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của cả nước. Nhân dịp này, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới.

Luật Thủ đô sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Duy Tường

- Hơn 3 năm xây dựng và hoàn chỉnh để Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, đây là quyết định rất có ý nghĩa đối với Hà Nội. Xin đồng chí cho biết ý kiến?

- Luật Thủ đô được ban hành để tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô; nâng Pháp lệnh Thủ đô lên thành Luật để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, không những tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Thủ đô phát triển đúng tầm vóc trong tương lai, mà còn giải quyết những vấn đề mang tính thời sự, những khó khăn, bức xúc đang đặt ra hằng ngày, hằng giờ trong quá trình phát triển của Thủ đô.

Với mục tiêu đó, hơn 3 năm qua, tập thể Ban Soạn thảo Luật Thủ đô đã nỗ lực làm việc hết sức nghiêm túc, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ý kiến góp ý, phản hồi từ đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, dư luận báo chí và nhân dân để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi. Luật Thủ đô được thông qua đặc biệt đem lại sự phấn khởi đối với toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Có thể nói ngay từ đầu khi xây dựng dự thảo Luật Thủ đô, chúng ta đã xác định rất rõ ràng rằng, Luật Thủ đô không phải dành riêng cho Hà Nội, càng không phải là dành cho Hà Nội đặc quyền, đặc lợi. Luật Thủ đô để bổ sung, hoàn bị cần thiết cho hệ thống pháp luật áp dụng cho một đơn vị hành chính đặc thù - đô thị đặc biệt, nhằm tạo ra cơ chế phù hợp với yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô phục vụ sự nghiệp chung của cả nước. Do đó, đây còn là niềm vui của nhân dân cả nước. Với Luật Thủ đô, Hà Nội của chúng ta đã có một tâm thế mới và tinh thần mới. Bản thân tôi rất vui vì vừa là thành viên Ban Soạn thảo, vừa là Chủ tịch UBND TP Hà Nội và là công dân Thủ đô, công dân của nước Việt Nam.

- Chủ tịch có thể cho biết, Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp cụ thể nào nhằm khắc phục các vấn đề đô thị phức tạp đang đặt ra?

- Như chúng ta đều biết, Hà Nội đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: Số dân nhập cư vào nội thành ngày càng gia tăng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển; thiếu lao động có tay nghề và trình độ đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động; mất đất nông nghiệp do đô thị hóa ở vùng cận đô và vấn đề tạo việc làm cho nông dân sau khi bị thu hồi đất; môi trường kinh doanh thiếu hấp dẫn. Thủ đô chịu quá tải về các mặt dịch vụ y tế, cơ sở giáo dục, môi trường, giao thông… Đây là những vấn đề đòi hỏi có giải pháp cấp bách để giải quyết.

Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Ảnh: Tất Bình

Trên cơ sở hướng dẫn, phối hợp, giúp đỡ bằng tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan TƯ, các địa phương trong cả nước, Hà Nội sẽ chủ động, sáng tạo vận dụng hành lang pháp lý mà Luật Thủ đô quy định để triển khai các quy định mới vào thực tiễn. Phạm vi áp dụng Luật Thủ đô rất rộng, nhưng trước mắt thành phố sẽ lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề bức xúc, cấp bách được người dân quan tâm như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quản lý và thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển... để tập trung giải quyết. UBND TP sẽ đề xuất, kiến nghị, xây dựng các cơ chế, chính sách với các quy định ràng buộc chặt chẽ hơn, đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn... trên một số lĩnh vực luật cho phép. Chúng ta hy vọng với các giải pháp mới này, Thủ đô Hà Nội sẽ từng bước chuyển biến theo chiều hướng tích cực, trước hết là về mặt trật tự, kỷ cương đô thị như đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đề cập.

- Ngày 1-7-2013, Luật Thủ đô mới có hiệu lực. Từ nay đến ngày đó, thành phố sẽ chuẩn bị những gì để đưa luật vào cuộc sống?

- Chắc chắn việc đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống đúng thời điểm có hiệu lực như Quyết nghị của Quốc hội cần có sự vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm cao của các bộ, ngành TƯ trong việc ban hành các văn bản liên quan. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ chủ động triển khai những công việc cần thiết trong thẩm quyền của mình để sớm đưa Luật Thủ đô vào đời sống. Trước hết là việc tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người dân Thủ đô và nhân dân cả nước để cùng nắm bắt các quy định của luật. Điều 4 Luật Thủ đô quy định: “Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước”. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Thủ đô, các cấp địa phương và nhân dân cả nước đều thấy được vinh dự và trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, chắc chắn thi hành Luật Thủ đô sẽ đạt hiệu quả cao.

Chúng tôi tin rằng, với tình yêu đối với Thủ đô Hà Nội, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô với sự giúp đỡ, quan tâm của nhân dân cả nước sẽ tích cực tìm hiểu về Luật Thủ đô, thực hiện nghiêm các quy định của luật, chia sẻ trách nhiệm cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố, phấn đấu xây dựng Thủ đô ngày càng trật tự, kỷ cương, văn minh, hiện đại và tiêu biểu cho cả nước.

- Chủ tịch có thể chia sẻ cam kết trách nhiệm về việc thực thi Luật Thủ đô trong thời gian tới?

- Vẫn biết, để đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống, nhất là đòi hỏi tạo ra sự chuyển biến rõ nét cần cả quá trình lâu dài, chứ không thể đạt được ngay. Nhưng hơn lúc nào hết, cá nhân tôi và UBND TP dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy, HĐND thành phố cam kết thực hiện Luật Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Luật Thủ đô tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước của thành phố có thêm sức mạnh để thực thi nhiệm vụ tốt hơn. Vì vậy, UBND TP Hà Nội sẽ nỗ lực thực thi một cách hiệu quả nhất các quy định của luật; tiếp tục không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

- Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.