Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy phạm pháp luật phải khả thi và thuận lợi cho nhân dân

Theo Dangcongsan.vn| 24/12/2012 15:03

Liên quan tới một số quy định gần đây như: Ghi tên cha mẹ trong giấy chứng minh thư nhân dân, xe chính chủ…, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ quan điểm của Chính phủ là lắng nghe ý kiến của nhân dân để có những quy định khả thi nhất, đem lại lợi ích cho nhân dân.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.


Sáng 24/12, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh được ban hành từ ngày 1/1/2009 (ngày Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 có hiệu lực) đến ngày 30/6/2012. Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đã đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm về một số quy định mà nhân dân đang rất quan tâm như: Vấn đề khai tên cha mẹ trong giấy chứng minh nhân dân, thu phí giao thông đường bộ, xe chính chủ… Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã bày tỏ quan điểm của Chính phủ về những vấn đề này.

Theo ông Vũ Đức Đam, quan điểm của Chính phủ là trong quá trình hình thành nhà nước pháp quyền thì rất nhiều mối quan hệ xã hội sẽ phải từng bước cần ban hành luật, pháp lệnh, văn bản hướng dẫn để quản lý xã hội. Trong những năm gần đây, nhiều luật, pháp lệnh đã được ban hành song còn nhiều mối quan hệ trong xã hội hoặc là chưa có luật để điều chỉnh hết, hoặc có điều chỉnh nhưng chưa sát với thực tế. Tuy nhiên, mọi hành vi trong xã hội theo hướng tự phát, nhất là những hành vi đã lặp đi lặp lại nhiều năm mang tính thói quen thì việc ban hành những văn bản quy phạm để điều chỉnh nó bao giờ cũng phải thuyết phục.

Theo ông Vũ Đức Đam, cũng có những việc ta thuyết phục mà thuyết phục một hồi thì cũng phải theo sự đồng thuận của nhân dân mà không còn sát bản chất lúc đầu. “Như Luật thuế thu nhập cá nhân, đúng ra bất kể ai có thu nhập đều phải đóng thuế, đóng thuế không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự. Chúng ta đã tuyên truyền, thảo luận nhiều kỳ nhưng do đặc điểm của Việt Nam và do nhận thức của nhân dân nên rất nhiều lần điều chỉnh mức đóng và bản chất của nó, giờ gần như là đánh vào người có thu nhập cao.” - ông ví dụ.

Liên quan tới vấn đề gần đây, công luận nói nhiều về việc cấp Chứng minh thư nhân dân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, cơ quan chủ trì là Bộ Công an đã giải trình những quy định này là để nhằm quản lý xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an làm thí điểm và giao cho Bộ Tư pháp tham khảo ý kiến của cộng đồng các nhà làm pháp luật có kinh nghiệm, của nhân dân, đặc biệt của các nước tiên tiến để có báo cáo đánh giá chính thức. Sau đó Chính phủ sẽ xem xét, thảo luận tập thể xem việc này có nên làm chính thức hay không, trên tinh thần cần phải quản lý xã hội chặt chẽ, nhưng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và phù hợp tình hình thực tiễn Việt Nam.

Đối với quy định phí giao thông đường bộ, ông Vũ Đức Đam cho biết, chúng ta đã làm nhiều lần, trước đây có thời kỳ đánh vào xăng thì cũng có những ý kiến bất cập, nên chúng ta đã sửa đổi thành ra quy định như bây giờ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ: "Đương nhiên, không một quy định nào phức tạp như vậy lại đảm bảo trọn vẹn tất cả mọi mặt của vấn đề. Bao giờ quy định ra cũng có một bộ phận nhân dân không hài lòng và chúng ta phải tuyên truyền, đi kèm là những biện pháp hỗ trợ những đối tượng đặc biệt cần hỗ trợ”.

Về vấn đề xe chính chủ, ông Vũ Đức Đam khẳng định, bản chất của vấn đề quy định xe chính chủ là cần thiết, không chỉ ở góc độ tài sản mà đây còn là phương tiện sinh hoạt bình thường. Nhưng dưới con mắt của cơ quan bảo vệ pháp luật, thì trong nhiều trường hợp là phương tiện thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, nếu quản lý được xe chính chủ thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi thực hiện quy định thì cơ quan tổ chức thực hiện không đúng bản chất của quy định dẫn đến việc lực lượng thi hành hiểu không đúng, nên truy người đang điều khiển phương tiện có phải là chính chủ không. Điều này là không đúng bản chất của nghị định và cũng không đúng bản chất của luật.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu ban hành thông tư để đảm bảo đúng quy định của nghị định và pháp luật. Trong khi thông tư chưa ban hành thì lực lượng cảnh sát giao thông không được xử lý hành vi đi xe không chính chủ như báo chí và nhân dân đã phản ánh. Đồng thời, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan liên quan xem xét lại các quy định khi sang tên đổi chủ sao cho thuận lợi và quy định mức lệ phí phù hợp với điều kiện của người dân.

“Tóm lại, có nhiều vấn đề khi quy định chi tiết chưa được xã hội đồng tình thì cần tuyên truyền thuyết phục. Nhưng các cơ quan của Chính phủ cũng cần căn cứ vào ý kiến phản hồi của nhân dân để xem xét nghiêm túc văn bản ban hành ra có đúng không. Nếu đúng để tuyên truyền thực hiện, nếu sai thì sửa; nếu chưa đủ cụ thể thì phải hướng dẫn; nếu tổ chức thực hiện sai thì phải nhận và điều chỉnh lại cho đúng.” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định.

Theo ông Vũ Đức Đam, điều quan trọng là nhân dân, xã hội phải hết sức quan tâm tới công tác xây dựng pháp luật cùng với Chính phủ, cùng Quốc hội, nên có ý kiến góp ý ngay từ bước chuẩn bị xây dựng và lấy ý kiến. Còn về phía Chính phủ, đã chỉ đạo các cơ quan soạn thảo đặc biệt là Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ - những cơ quan thẩm tra phải lắng nghe ý kiến của nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng, đại biểu Quốc hội để cùng nhau bàn bạc, làm sao có quy định khả thi nhất, đem lại lợi ích cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy phạm pháp luật phải khả thi và thuận lợi cho nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.