Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng mãi hình ảnh Công an Thủ đô

Thành Tâm| 25/12/2012 06:29

(HNM) - 40 năm sau chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", những tấm gương anh dũng của quân và dân Thủ đô vẫn còn sáng mãi, trở thành biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam.

Góp phần vào chiến công lừng lẫy trong 12 ngày đêm ấy, lực lượng Công an Thủ đô đã nêu cao phẩm chất vì nhân dân không quản hy sinh, sát cánh cùng bộ đội, dân quân tự vệ và nhân dân Hà Nội viết nên bản hùng ca chiến thắng.

Trong những ngày cuối tháng 12-1972, công an Thủ đô luôn sát cánh cùng các lực lượng khác chiến đấu và giữ gìn an ninh. Ảnh tư liệu

Chủ động chiến đấu

Từ tháng 8-1964, sau khi Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc bộ và bắt đầu sử dụng không quân tấn công phá hoại miền Bắc, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an (CA), CA Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã nhanh chóng chuyển chế độ chiến đấu từ thời bình sang thời chiến. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, tổ chức bộ máy của CA Hà Nội đã được chuyển theo hướng chuyên sâu và quân sự hóa. Sự chuyển hướng kịp thời đó đã tạo nên thế chủ động và sức mạnh mới cho CA Thủ đô trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại, mà đỉnh cao thể hiện trong 12 ngày đêm lịch sử.

Trong những năm đầu thời kỳ chiến tranh phá hoại, lực lượng CA Hà Nội, CA Hà Đông, Sơn Tây (năm 1965 là CA tỉnh Hà Tây) đã liên tục lập nhiều chiến công xuất sắc, lần lượt bóc gỡ nhiều ổ nhóm, đường dây gián điệp, phản động. Từ năm 1965, CA Hà Nội đã triển khai phối hợp cùng các đơn vị bạn đưa nhân dân đi sơ tán, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân, hướng dẫn dân phòng tham gia PCCC...

Thử thách lớn nhất là tháng 12-1972, khi quân và dân Hà Nội trực tiếp đương đầu với cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ - được Mỹ kỳ vọng làm thay đổi cán cân trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris. Nhờ có sự chuẩn bị từ trước, lực lượng CA bước vào nhiệm vụ mới với tư thế chủ động, sẵn sàng. Trong suốt ngày đêm 19-12, CA Hà Nội cùng Sở GTVT và Hội đồng Phòng không TP vận động, tổ chức đưa gần 550 nghìn người đến nơi sơ tán nhanh gọn, trật tự. Các đơn vị PCCC luôn sẵn sàng chiến đấu không quản ngày đêm, có lệnh là lên đường làm nhiệm vụ ngay. Đội PCCC Phan Chu Trinh có ngày 5-6 lần ra trận. CA Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng đào hàng nghìn hầm trú ẩn, tổ chức hệ thống thông tin, quan sát, kịp thời báo động; huy động hàng nghìn lượt CBCS cùng dân quân tự vệ, quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm giao thông, cứu thương, cứu sập, tuần tra, canh gác, phối hợp tháo gỡ hàng trăm quả bom nổ chậm...

Những tấm gương sáng mãi

Trong bom đạn ác liệt suốt 12 ngày đêm lịch sử, giữa vô vàn mất mát, đau thương, hình ảnh người chiến sĩ CA Thủ đô hiên ngang trước hiểm nguy, quên mình bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân vẫn hiện rõ, được nhân dân cảm phục. Nhiều đơn vị đã lập những thành tích đặc biệt xuất sắc, như CBCS Đội Cảnh sát bảo vệ cầu phà thuộc Phòng CSGT, ngày đêm bám trụ, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trong mọi tình huống. Đặc biệt, Tổ cảnh sát bến phà Khuyến Lương vừa làm nhiệm vụ hướng dẫn phương tiện vượt sông an toàn, vừa phối hợp với bộ đội và dân quân bắt sống giặc lái Mỹ.

Trong chiến đấu với bom đạn Mỹ, nhiều cán bộ, chiến sĩ CA đã nêu gương dũng cảm, tận tụy, quên mình. Đó là hình ảnh đồng chí Tô Đình Tường (Cảnh sát khu vực khu Đống Đa), xông pha trong bom đạn, quên mình cứu dân bị nạn. Đó là gương dũng cảm của đồng chí Phan Điện Biên, bất chấp hiểm nguy nhảy lên toa xe lửa đang cháy, giật chốt toa xe bị cháy tách khỏi đoàn tàu để bảo vệ tài sản Nhà nước... Tiêu biểu trong những tấm gương xả thân vì nhân dân là hành động quả cảm của trung sĩ Nguyễn Văn Uân, Cảnh sát khu vực Đồn 23 CA khu phố Hai Bà Trưng. Từ năm 1966, đồng chí đã nêu cao tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ, cùng cán bộ cơ sở xây dựng phong trào bảo vệ trị an, tiến tới xây dựng khối phố vững mạnh về chính trị và trật tự an ninh. Những ngày đêm B-52 đánh phá vào trung tâm Hà Nội ác liệt, là cảnh sát khu vực, anh Uân không ngại gian khổ, kiên quyết bám sát địa bàn, hướng dẫn đồng bào phòng tránh bom đạn, bảo đảm trật tự an ninh, báo cáo đầy đủ lên cấp trên tình hình công tác, chiến đấu, khắc phục hậu quả... Đầu giờ chiều 28-12-1972, ngày thứ 11 Hà Nội bị đánh phá, địch ném bom khu vực Nhà máy dệt 8-3, khu lao động Quỳnh Lôi, Mai Hương. Sau khi giúp nhân dân xuống hầm trú ẩn, trung sĩ Uân cũng tìm được một hố cá nhân. Sau loạt bom đầu, bỗng anh phát hiện còn một cháu nhỏ và một người già chưa kịp xuống hầm. Người chiến sĩ CA không nề hiểm nguy, lao nhanh đến chỗ cháu nhỏ, người già, vừa che chở vừa khẩn trương đưa xuống hầm. Chưa kịp tìm chỗ trú nấp, một quả bom nổ sát sau lưng, Nguyễn Văn Uân ngã xuống khi mới 24 tuổi xanh... Hành động vì nhân dân quên mình của liệt sĩ CAND Nguyễn Văn Uân được Đảng, Nhà nước ghi nhận, truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và đến tháng 9-1973, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã trở thành biểu tượng cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, gan dạ, sáng tạo trong chiếu đấu của quân và dân ta. Trong kỳ tích ấy có một phần đóng góp sức lực, trí tuệ, xương máu của lực lượng CAND nói chung và CBCS CA Thủ đô nói riêng. Những tấm gương anh dũng của CBCS CA Thủ đô 40 năm trước mãi là ngọn đèn sáng soi rọi để lớp lớp thế hệ CA Thủ đô tiếp bước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng mãi hình ảnh Công an Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.