Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩ về tinh thần trách nhiệm

Võ Lâm| 29/12/2012 07:02

(HNM) - Ngày 28-12-1972, sát những ngày cuối cùng của chiến dịch



Khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972.

Bom còn nổ rền, đồng chí Nguyễn Khắc Mão, Bí thư chi bộ đã xông ra để cùng với các đồng chí Toàn, Mai, Tỵ cứu được đồng chí Nguyễn Thạch Cửu cùng một số đồng chí trực chiến bị sập hầm. Đồng chí Mão đi cứu sập khác trở về nhà mới biết cả vợ và bốn người con đã chết vì trúng bom. Nén đau thương, anh lo hậu sự cho vợ con rồi trở lại cùng các đồng chí trong chi bộ mai táng cho nhân dân bị nạn. Các anh Nguyễn Hữu Xuyên và Nguyễn Tiến Tỵ, Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm HTX, nhà cửa bị tàn phá, gia đình tản mát mỗi người một nơi nhưng cả hai đều lao vào công việc thu dọn, khắc phục hậu quả, bảo vệ tài sản của HTX. Các đồng chí nữ đảng viên Thịnh, Toàn vừa khiêng cáng, cứu sập, đào bới, chôn cất, lại vừa nấu cơm nấu nước… Đồng chí Ngô Thị Bé, Hội trưởng phụ nữ xã, đang ốm, nhưng từ khi địch đánh phá, luôn có mặt trực chiến…

Câu chuyện về liệt sĩ công an Nguyễn Văn Uân cũng khiến mọi người hết sức cảm phục. Năm 1967, anh nhận công tác tại Đồn Công an nhân dân số 23, nay là phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng). Chiều 28-12-1972, còi báo động vang lên, hàng chục chiếc F105 thay nhau trút bom xuống Hà Nội. Sau khi hướng dẫn người dân xuống hầm trú ẩn, giật mình phát hiện gần chục đứa trẻ ngấp nghé xem máy bay rơi, anh lao vội ra đưa các cháu xuống hầm. Vừa xong, anh lại thấy bà cụ Lục bị điếc, mắt kém, loay hoay tìm nơi trú ẩn. Anh lao lên đưa bà cụ xuống hầm cá nhân của mình. Yên tâm về bà cụ, anh chạy sang chiếc hầm bên cạnh để trú thì bị trúng bom và hy sinh. Ngày 3-9-1973, liệt sĩ Nguyễn Văn Uân được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội và cả nước học tập. Còn người dân ở phố Mai Hương - nơi anh phụ trách - vẫn nhớ đến anh với lòng biết ơn sâu đậm.

Tiếp nối truyền thống, các thế hệ cán bộ, đảng viên đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước không ngừng phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội ngày nay, vấn đề cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, xa rời nhân dân đang được đặt ra ngày càng gay gắt. Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay" đã chỉ ra những biểu hiện suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Một trong những nguyên nhân chủ yếu và trước tiên được xác định là do: "Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân".

Đọc lại những trang viết, những dòng ký ức về Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 40 năm về trước, một trong những ấn tượng sâu sắc nhất đọng lại là tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình cách mạng của cán bộ, đảng viên ngày ấy. Dũng cảm, gần gũi nhân dân, bám sát địa bàn, tận tụy với nhiệm vụ là những điều được thể hiện rất đỗi tự nhiên. Những phẩm chất cách mạng ấy cần thiết được nhân lên trong cán bộ, đảng viên hôm nay hơn bao giờ hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ về tinh thần trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.