Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Mạnh tay xóa hủ tục

Chí Kiên| 10/01/2013 07:28

(HNM) - Từ trước đến nay, chuyện lễ cưới với hàng trăm mâm cỗ, kéo dài nhiều ngày đã trở thành gánh nặng và là nỗi ám ảnh đối với người dân ở những miền quê nghèo.

Một đám cưới quê bình dị.


Chủ tịch UBND xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Long Giang cho biết: "Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là Quy ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới của địa phương được ban hành cùng ngày với Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội với nhiều quy định tương tự. Chỉ đạo kịp thời của Thành ủy đã làm chúng tôi thêm tự tin thực hiện thành công việc cưới văn minh trên địa bàn xã". Cũng theo ông Nguyễn Long Giang, việc ban hành Quy ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới của địa phương thực sự là một cuộc cách mạng. Sơn Đông là một xã vùng đồi gò, kinh tế thuần nông, đời sống của đại bộ phận người dân còn khó khăn. Trong khi đó, hàng chục năm qua, việc tổ chức lễ cưới ở đây hết sức nặng nề với nhiều nghi lễ, ăn uống cũng kéo dài vài ba ngày là chuyện bình thường. Khổ chủ thì lo kinh phí tổ chức, có khi tới cả trăm triệu đồng; bà con làng xóm thì lo tiền mừng sao cho phù hợp. Bí thư Đoàn xã Sơn Đông Phùng Minh Quang cho biết, khổ nhất vẫn là những cặp vợ chồng mới cưới, vừa chân ướt chân ráo xây dựng gia đình đã trở thành con nợ, phải mất một thời gian mới "hoàn thành nghĩa vụ" trả nợ.

Với những lý do trên, Quy ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới của Sơn Đông ra đời do chính người dân xây dựng. Ngoài những quy định phù hợp với tinh thần chung Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy, quy ước còn đưa ra những nội dung hết sức cụ thể như: Khuyến khích các gia đình thực hiện hình thức tổ chức tiệc trà thay cho tiệc mặn; khuyến khích tổ chức tiệc cưới tại hội trường UBND xã, nhà văn hóa thôn; cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ; trồng cây lưu niệm gọi là "cây hạnh phúc" ở các cơ quan, trường học, nhà văn hóa thôn, di tích lịch sử văn hóa… Để Chỉ thị 11 của Thành ủy và quy ước của địa phương được thực hiện bài bản, thời gian qua, toàn bộ đảng viên ở 18 chi bộ các thôn và 5 chi bộ cơ quan của Đảng bộ xã Sơn Đông đã quán triệt tới từng đảng viên các nội dung trong chỉ thị và quy ước đồng thời lồng ghép với việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Bên cạnh việc phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải là một  tuyên truyền viên cho gia đình, dòng họ, hàng xóm láng giềng biết và làm theo; đồng thời không sử dụng công quỹ của cơ quan, đơn vị để làm quà mừng, phục vụ mục đích cá nhân. Các tập thể, cán bộ thuộc xã quản lý vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định; cá nhân, tổ chức trên địa bàn xã quản lý không chấp hành sẽ bị xử lý và thông báo công khai trên loa truyền thanh… Kết quả là 3 tháng qua, các đám cưới tổ chức trên địa bàn xã Sơn Đông đã được tổ chức theo đúng tinh thần trang trọng, tiết kiệm, điển hình như lễ thành hôn của các anh chị Đào Xuân Trường (thôn Đồi Chợ), Phùng Thị Hiền (thôn Tân Phú), Hoàng Thủy Long (thôn Đồi Vua)…

Huyện miền núi Ba Vì có 3 dân tộc Dao, Mường và Kinh sinh sống với nhiều phong tục cưới xin nặng nề và có lịch sử lâu đời như người Dao có tục thách cưới bằng bạc trắng, tục ở rể; người Mường có tục dẫn cưới, tục chia của; người Kinh thì ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày… Những tập tục này xét ở một góc độ nào đó là nét văn hóa, nhưng đặt trong bối cảnh hôm nay và mối tương quan tổng thể nó trở thành hủ tục, không phù hợp, cần phải thay đổi. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thì không phải chuyện đơn giản. Xác định rõ khó khăn này, những năm qua hệ thống chính trị các cấp ở Ba Vì đã vào cuộc đồng loạt với nhiều hình thức tuyên truyền linh hoạt, hiệu quả.

Tháng 1-2010, Huyện ủy Ba Vì đã ban hành Nghị quyết số 02 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, mừng thọ và lễ hội. Xã Tòng Bạt được lựa chọn làm điểm. Chủ tịch UBND xã Dương Đức Lâm cho biết, từ khi có cuộc vận động nhiều gia đình đã tổ chức đám cưới tiết kiệm, không phô trương hình thức. Đám cưới người Dao ở xã Ba Vì cũng đã được giản lược rất nhiều. Trước đây, nhà trai phải sắm nhiều lễ vật nhưng nay tùy vào điều kiện kinh tế, cần một ít thịt lợn, vài con gà và khoảng 10kg gạo. Đặc biệt, cán bộ xã không đến nhà dân ăn cưới để làm gương cho nhân dân thực hiện. Các hội, đoàn thể, đi đầu là MTTQ và hội người cao tuổi, hội phụ nữ vào cuộc giám sát, tuyên truyền quyết liệt. Nay có thêm Chỉ thị 11-CT/TU chắc chắn việc thực hiện sẽ thu được hiệu quả cao. Theo Bí thư Huyện ủy Hà Xuân Hưng, hiện các xã, thị trấn trên địa bàn đang đẩy mạnh tuyên truyền, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cán bộ, đảng viên vi phạm, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp; gắn việc thực hiện chỉ thị với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4…

Xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm) mặc dù đã cán đích 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đã làm rất tốt việc tang văn minh (không tổ chức ăn uống, lễ tang gọn nhẹ, đơn giản, bảo đảm trang trọng), tuy nhiên việc cưới văn minh xã mới bắt đầu triển khai. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Việt cho rằng, chủ trương triển khai việc cưới văn minh được người dân rất đồng tình nhưng cũng cần tính đến yếu tố văn hóa, hoàn cảnh từng địa phương để cụ thể hóa việc thực hiện.

Khái quát cách làm của một số địa phương để thấy rằng, phải tiến hành tuyên truyền vận động và có cách làm phù hợp với thực tế tình hình địa bàn để cán bộ, đảng viên và người dân tự giác thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU. Đó mới chính là gốc rễ của vấn đề. Đặc biệt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã đánh giá, tổ chức việc cưới, việc tang văn minh có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại khu vực ngoại thành Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Mạnh tay xóa hủ tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.