Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy phiếu tín nhiệm: Cái được là rất lớn!

11/01/2013 06:25

LTS: Thực hiện Kế hoạch số 78-KH/TU, ngày 27-12-2012 của Thành ủy Hà Nội, vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Đây là việc làm rất mới của Hà Nội trong công tác cán bộ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và ủng hộ. Sau khi Thành ủy Hà Nội thực hiện công việc quan trọng này, nhiều bạn đọc đã gửi thư đến Báo Hànộimới đề nghị cung cấp thêm thông tin. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Báo Hànộimới đã đề nghị đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy trả lời phỏng vấn. Nội dung cuộc phỏng vấn như sau:

- Phóng viên:Vừa qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt của thành phố. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của việc làm này?

- Đồng chí Phạm Quang Nghị: Một trong những nội dung quan trọng và cũng là điểm rất mới của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), đó là việc hằng năm, những chức danh do cấp ủy và HĐND các cấp bầu cần phải được lấy phiếu tín nhiệm.

Việc làm này nhằm phát huy hơn nữa yêu cầu phát huy dân chủ và tăng cường vai trò giám sát trong công tác cán bộ. Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm là tạo môi trường công khai, dân chủ để việc đánh giá cán bộ được khách quan, trung thực, kịp thời; là kênh thông tin hết sức quan trọng để tổ chức đảng các cấp biết được tình hình ưu, khuyết, mạnh, yếu của đội ngũ cán bộ, nhất là những đồng chí giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt các cấp.

- Phóng viên:Xin đồng chí cho biết, để làm được việc này, lãnh đạo thành phố gặp những khó khăn, thuận lợi gì?

- Đồng chí Phạm Quang Nghị: Thuận lợi cơ bản nhất là có chủ trương của Đảng; đồng thời đây cũng là nhu cầu, đòi hỏi của cuộc sống đang đặt ra, cần phải có thêm những kênh nhận xét, đánh giá cán bộ. Nếu Nghị quyết Trung ương 4 không đặt ra yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm, thì một đảng bộ nào đó tự làm, chắc là sẽ gặp phải không ít khó khăn. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với cán bộ là thử thách mà mỗi cán bộ phải đối diện, phải vượt qua. Giống như người đi học phải trải qua thi cử. Do đó, xuất hiện tâm lý băn khoăn, lo lắng của những người được đưa ra đánh giá, lấy phiếu cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu người cán bộ không màng danh lợi cá nhân, thực lòng phấn đấu, cống hiến vì sự nghiệp chung thì không có gì phải lo sợ bị đánh giá. Kết quả của sự tín nhiệm cao hay thấp của tập thể vừa là sự ghi nhận, động viên, khích lệ những người hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời cũng nhắc nhở kịp thời những người yếu kém về năng lực, phẩm chất; để mỗi người kịp thời điều chỉnh, phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm. Như vậy, cái được rất lớn là thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, ai cũng phải thường xuyên chăm lo rèn luyện, phấn đấu. Với cơ chế hằng năm lấy phiếu tín nhiệm sẽ không thể tồn tại những cán bộ tín nhiệm thấp, tài, đức đều yếu, mà lại cứ “bình chân như vại”, ngồi hết nhiệm kỳ, làm cản trở công việc chung.

- Phóng viên:Có ý kiến lo ngại, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ hạn chế tính năng động, quyết liệt của cán bộ?

- Đồng chí Phạm Quang Nghị: Tôi cho rằng, chúng ta cần có cơ chế, biện pháp ngăn ngừa việc lợi dụng lấy phiếu để làm sai lệch kết quả đánh giá cán bộ; nhưng chúng ta cần có niềm tin vào sự sáng suốt, công bằng của tập thể, của số đông cán bộ. Thiếu niềm tin, thiếu quyết tâm, chúng ta sẽ chẳng dám đổi mới. Những ai dám đương đầu với khó khăn, không sợ va chạm, một mặt cũng sẽ được tập thể ghi nhận; mặt khác còn có sự lãnh đạo, sự đánh giá khách quan, toàn diện của cấp trên.

- Phóng viên: Là người đứng đầu cấp ủy, bản thân đồng chí cũng “bị” đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Đồng chí có cảm thấy lo lắng nếu kết quả lấy phiếu đối với cá nhân và tập thể không như mong muốn?

- Đồng chí Phạm Quang Nghị: Người cán bộ lãnh đạo nào cũng phải lo lắng trước công việc, nhiệm vụ được giao, chứ không thể thờ ơ, vô cảm. Về kết quả lấy phiếu, đúng là chúng ta cũng cần phải lường trước và có những biện pháp không để phát sinh hậu quả xấu, tiêu cực. Mặt tích cực thì đã rõ; nhưng nếu làm không chặt chẽ thì cũng có thể bị lợi dụng, lồng động cơ cá nhân, làm sai lệch kết quả đánh giá cán bộ; một bộ phận cán bộ có thể vì lo mất phiếu mà không dám nhiệt tình, hăng hái đi đầu trong công việc; người đang làm lãnh đạo, điều hành mà phiếu tín nhiệm thấp, cũng sẽ ảnh hưởng đến công việc, v.v... Tất cả những lo ngại đó không phải là không có cơ sở.

Về phương diện cá nhân, như mọi người thường nói: “Nhân vô thập toàn”. Dù mình đã rất cố gắng, song vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc. Tôi đã học được việc làm quen với sự đánh giá, xem xét khách quan, có khen, có chê đối với mỗi người của dư luận và tôi luôn có niềm tin vào sự khách quan, công bằng của tập thể, của dư luận. Mình làm việc như thế nào, sẽ nhận được sự đánh giá như thế. “Gieo gì, gặt nấy” mãi mãi vẫn là chân lý của cuộc sống. Cùng với việc thực sự phát huy dân chủ trong Đảng, tôi không quá lo ngại về những yếu tố bất ngờ, những tiêu cực có thể xảy ra.

- Phóng viên:Đồng chí có nhận xét gì về kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố?

- Đồng chí Phạm Quang Nghị: Vì đây là việc làm mới, sắp tới sẽ có nhận xét, đánh giá của tập thể. Bước đầu, tôi nhận thấy Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thể hiện tinh thần chủ động và quyết tâm thực hiện một trong những nội dung rất mới và quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4; đồng thời, đã nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư đối với Đảng bộ Thủ đô. Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố có truyền thống đoàn kết, thống nhất, một tập thể mạnh về phát huy dân chủ, mạnh về giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương. Điều đó không chỉ được thể hiện trong thực tế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc hằng ngày, mà còn được thể hiện rất rõ khi tiến hành đại hội; trong nhận xét, đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ; trong bầu cử, ứng cử... Điều đó một lần nữa lại được thể hiện trong kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này. Tôi nghĩ rằng, kết quả vừa qua là khách quan, đúng mức, là sự đánh giá dân chủ, công bằng; có động viên, khích lệ và cũng có cả những lá phiếu lưu ý, nhắc nhở đối với mỗi người. Đó là dấu hiệu rất tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố.

- Phóng viên:Trên cơ sở kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, sắp tới Thành ủy sẽ tiếp tục triển khai việc này như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Phạm Quang Nghị: Kế hoạch số 78-KH/TU ngày 27-12-2012 của Thành ủy đã đề ra, tiếp theo việc lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí Ủy viên Thường vụ, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố, sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo ở 7 sở, ngành: Nội vụ, Kế hoạch - Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an thành phố. Thành ủy khuyến khích lãnh đạo các cấp ủy tự nguyện đăng ký tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần đầu. Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, thành phố sẽ mở rộng việc lấy phiếu tín nhiệm đến cấp quận, huyện và các đảng bộ trực thuộc, để rồi công việc này từ năm sau sẽ trở nên thường xuyên.

- Phóng viên:Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy phiếu tín nhiệm: Cái được là rất lớn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.