Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Hà Nội chuyên kể chuyện Trường Sa

Kiến Lâm| 13/01/2013 08:23

(HNM) - Gần 10 năm, tổ chức hơn trăm buổi nói chuyện về chủ quyền biển đảo, bảo đảm an ninh biển của lực lượng Hải quân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Hải Triều (Thường trực Cục chính trị Bộ tư lệnh Hải quân phía Nam) được mệnh danh là


Trong một buổi tiếp nhận quà tết cho chiến sĩ Trường Sa của Hội đồng hương Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh, Đại tá Nguyễn Hải Triều bất ngờ hỏi: "Các bác, các cụ có ai ở phố Hàm Long không? Nhà con ở số 6 Hàm Long, Hoàn Kiếm". Cả hội trường xôn xao cuộc gặp gỡ bất ngờ với một người con của Thủ đô giữa lòng TP Hồ Chí Minh.

Đại tá Nguyễn Hải Triều nói chuyện về biển đảo.


Sinh ra trong gia đình truyền thống phục vụ quân đội, năm 16 tuổi, Nguyễn Hải Triều được gọi vào miền Nam nhập ngũ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đến ngày tập kết để lên đường thì do trục trặc, thấy tên trong danh sách yêu cầu cho về nhưng ông liền nhảy phốc lên xe xin đi cùng đoàn quân tiến vào Nam làm nhiệm vụ rồi được phân về Quân chủng Hải quân. Hơn 30 năm phục vụ trong ngành, Đại tá Nguyễn Hải Triều từng là Chủ nhiệm chính trị Vùng II Hải quân và hiện giữ cương vị Thường trực Cục chính trị Bộ tư lệnh Hải quân phía Nam (trụ sở tại quận 1, TP Hồ Chí Minh). 10 năm trở lại đây, ông được giao nhiệm vụ tuyên truyền về biển đảo của Tổ quốc. Nói về nhiệm vụ tuyên truyền biển đảo, Đại tá Nguyễn Hải Triều chia sẻ: "Trong những năm qua, tình hình biển Đông luôn là vấn đề nóng bỏng, nhận thức của dân về biển đảo còn mù mờ. Tôi được giao nhiệm vụ giúp nhân dân hiểu tình hình biển Đông, chủ quyền biển đảo, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ quyền biển, đồng thời phổ biến một số luật biển thế giới cũng như Việt Nam để nhân dân hiểu không vi phạm chủ quyền biển đảo nước khác khi đánh bắt thủy hải sản. Vận động người dân, học sinh, sinh viên, giáo chức, cán bộ hưu trí... cùng tham gia bảo vệ chủ quyền.

Cách nói chuyện thân tình đi vào lòng người, Đại tá Hải Triều đã giúp người dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam, loại bỏ những thông tin không chính thống. Nhiều doanh nghiệp chủ động liên hệ mời Đại tá Nguyễn Hải Triều về nói chuyện. Đặc biệt, sau buổi nói chuyện với CBNV Công ty Du lịch Phú Thọ, lãnh đạo công ty lập tức phát động nhân viên góp tiền cùng mua tặng 30 túi đựng nước ngọt dung tích lớn 10m3-20m3 trị giá hơn 300 triệu đồng cho các chiến sĩ Hải quân. Một công ty dầu khí tại Vũng Tàu còn ủng hộ nhiều máy liên lạc tầm xa, trang thiết bị kỹ thuật dự phòng trị giá hàng trăm triệu đồng. Khi đến nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh về tình trạng nhà giàn DK 1 rất thiếu rau xanh, việc trồng rau xanh trên nhà giàn khó khăn, nhà trường đã huy động đóng góp, tặng 5 tấn đất sinh học, 50kg hạt giống và sách hướng dẫn trồng rau sạch để các chiến sĩ trồng rau bảo đảm sức khỏe. Cũng sau buổi nói chuyện của Đại tá Nguyễn Hải Triều, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP đã tặng 30 tủ inox và hàng chục triệu đồng tiền mua sách cho bộ đội nhà giàn.

"Trong lần tuyên truyền tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), khi kết thúc, hơn 30 bác tuổi ngoài 70 vẫn đứng lại hỏi han thêm về tình hình đời sống bộ đội tại Trường Sa và nhà giàn DK 1. Có cụ đã 75 tuổi còn hỏi thủ tục xin ra Trường Sa sinh sống. Đó là niềm vui lớn nhất của tôi, khi gây dựng được hình ảnh người chiến sĩ Hải quân trong lòng mọi người dân, mọi lứa tuổi được dân mến, dân yêu và tin tưởng, ủng hộ hết mình!" - Đại tá Nguyễn Hải Triều sẻ chia. Ông đã được giới báo chí và nhiều người dân "phong tặng" biệt danh trìu mến, gần gũi: "Người kể chuyện Trường Sa".

Những ngày cận Tết Qúy Tỵ 2013 ông lại tất bật với vai trò khách mời trong các hoạt động Ngày hội xuân biển đảo trên đài truyền hình về xuân và chiến sĩ hải đảo. Dẫu vậy, ông vẫn dành thời gian trực tiếp tiếp nhận quà tết từ nhân dân, đoàn thể và doanh nghiệp gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa, bởi đây mới là phần thưởng lớn nhất cho 10 năm kể chuyện Trường Sa của ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Hà Nội chuyên kể chuyện Trường Sa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.