Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các thành phần kinh tế được cạnh tranh bình đẳng

Đà Đông| 17/01/2013 06:23

(HNM) - Kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và của các bản Hiến pháp trước đây. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được đánh giá có những bước tiến mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến.

Trong đó, điểm mới đáng lưu ý, dự thảo khẳng định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Theo Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đáng chú ý, về các thành phần kinh tế, điều 54 dự thảo quy định: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật".

Đối chiếu với Hiến pháp năm 1992 có thể thấy, việc khẳng định sự bình đẳng của các thành phần kinh tế tại điều 54 trong Dự thảo Hiến pháp đã đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong quan điểm và nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nếu như Hiến pháp 1992 khẳng định và đề cập nhiều tới vai trò của kinh tế quốc doanh, kinh tế nhà nước thì tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, quy định kinh tế nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo đã không được đề cập. Điểm mới này đã nhận được sự đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu được thông qua, đây sẽ là tiền đề tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế. Cách quy định như dự thảo tạo sự thống nhất, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong hoạt động và phát triển. Mặt khác, quy định này sẽ góp phần bãi bỏ những đặc quyền, ưu đãi vẫn được duy trì bấy lâu nay dành cho các doanh nghiệp nhà nước, tạo "sân chơi" bình đẳng cho mọi doanh nghiệp.

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cho thấy, tính đến hết năm 2011, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt doanh thu 1.577.311 tỷ đồng, làm ra 135.111 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tỷ suất lợi nhuận bình quân trên vốn chủ là 18,57%. Ngược lại, thua lỗ của các tập đoàn lại lên tới hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của kinh tế đất nước. Trong đó, nhiều tập đoàn, tổng công ty có những khoản lỗ phát sinh và lỗ lũy kế hàng chục nghìn tỷ đồng. Đơn cử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đứng đầu bảng với mức lỗ khi hợp nhất là 2.589 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lỗ hợp nhất 2.390 tỷ đồng; Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng lỗ hợp nhất 791 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin những năm trước. Không phủ nhận những kết quả của kinh tế nhà nước mang lại trong nhiều năm trước, song với hàng loạt thua lỗ do đầu tư ngoài ngành, hạn chế trong quản lý, nhiều người lo ngại về vai trò chủ đạo "các đầu tàu kinh tế" trong nền kinh tế quốc gia.

Đồng tình với quy định "các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật" tại Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, người dân tin tưởng đây là điều sẽ góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế. Tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế phát huy thế mạnh, làm ra nhiều hơn các giá trị vật chất và của cải cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các thành phần kinh tế được cạnh tranh bình đẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.