Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc tại Ninh Bình và Hà Nam

Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc| 27/01/2013 15:00

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình sáng 27/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tỉnh cần tập trung khai thác các thế mạnh về du lịch, dịch vụ, phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.


Năm 2012, kinh tế Ninh Bình đạt tốc độ tăng trưởng 11,05%, sản xuất công nghiệp tăng 14,6% so với năm 2011; nông nghiệp phát triển ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (dịch vụ chiếm 38,4%, công nghiệp, xây dựng 46,4%, nông, lâm nghiệp và thủy sản 18,2%); an sinh xã hội và đời sống nhân dân được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều tiến bộ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý tỉnh Ninh Bình cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Các ngành dịch vụ có bước phát triển mới, nhất là dịch vụ du lịch. Trong năm năm 2012 số khách du lịch đến Ninh Bình đạt 3,75 triệu lượt, tăng 3% so với năm 2011, doanh thu đạt gần 800 tỷ đồng, tăng 18,5%.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng; đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung và đề án xây dựng nông thôn mới đến cấp xã; công tác quy hoạch vùng sản xuất, dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng, chỉnh trang hệ thống giao thông, thủy lợi được đẩy mạnh. Các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Ninh Bình trong năm 2013 được tỉnh xác định theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển mạnh công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp; tập trung xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo vệ tài nguyên môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Đánh giá cao những kết quả mà Ninh Bình đạt được trong năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Ninh Bình cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, huy động tổng thể các nguồn lực để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội và chăm lo đời sống của người dân địa phương.

Theo đó, trước hết tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, nhất là tồn kho về xi măng. Đảm bảo tốt hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là trong trong dịp Tết nguyên đán sắp tới nhằm vừa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, vừa thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng đầu cơ, găm giá; chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách, người nghèo; quan tâm đến công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, đốt pháo nổ, đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán.

Tập trung khai thác các thế mạnh của địa phương về du lịch, dịch vụ, phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Tính toán các lợi thế phải gắn liền với xem xét lại quy hoạch, đổi mới hình thức thu hút đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Ninh Bình cần quan tâm hơn nữa đến chương trình xây dựng nông thôn mới gắn liền với thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; áp dụng mạnh khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương cũng xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của Ninh Bình liên quan đến việc hỗ trợ, cấp vốn cho địa phương triển khai thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An, hạ tầng vùng phân lũ, nâng cấp đê biển; hỗ trợ xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch.

Chiều 27/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Nam về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương này.

Năm 2012, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, tỉnh Hà Nam đã nỗ lực hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra. Theo đó, tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng 12,5%. Các ngành dịch vụ phát triển và mở rộng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 21,2% so với năm 2011. An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2012 của Hà Nam chỉ còn 8,83%.

Tuy nhiên, Hà Nam còn những hạn chế nhất định như quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, thu chi ngân sách còn mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, hạ tầng chưa đồng bộ, thu nhập của dân cư còn thấp (bình quân đầu người/năm đạt 26 triệu đồng).

Năm 2013, Hà Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng vượt mức 12,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,8%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,5% so với năm 2012. Tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ, bố trí kinh phí đầu tư tuyến đường nối cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, tuyến quốc lộ 38B; hỗ trợ đầu tư xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao Đồng Văn III, hạ tầng khu đô thị Đại học Nam Cao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những kết quả mà tỉnh Hà Nam đạt được trong năm 2012 là khá toàn diện, nhất là duy trì tăng trưởng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, phát triển các mô hình mới trong chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới, thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân.

Trong thời gian tới, Thủ tướng mong muốn Hà Nam khắc phục hạn chế, yếu kém đồng thời nhân rộng các mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm cải thiện, thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng, dịch vụ các khu công nghiệp, sẵn sáng đón các dự án đầu tư. Đồng thời triển khai mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho.

Bên cạnh đó, Hà Nam cần quan tâm hơn nữa đến chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung huy động, lồng ghép mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng nông thông và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Hà Nam tiếp tục chú trọng phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, giảm nghèo, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng đề nghị tỉnh chăm lo để nhân dân đón Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm. Tỉnh cần quan tâm việc đảm bảo cung cầu hàng hóa, tránh tình trạng đầu cơ, đẩy giá lên cao, đồng thời giữ vững trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc tại Ninh Bình và Hà Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.