Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mốc lịch sử trên con đường chiến thắng

Đại tá, TS Nguyễn Thành Hữu| 28/01/2013 05:58

(HNM) - Sau 4 năm 8 tháng 16 ngày diễn ra cuộc đấu tranh trong đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, ngày 27-1-1973, tại Paris - Thủ đô nước Cộng hòa Pháp - "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam", gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam đã được ký kết.



Việc ký Hiệp định Paris là thắng lợi của nhân dân Việt Nam nhưng cũng là thắng lợi của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Thắng lợi đó đã tạo ra bước ngoặt quyết định và là điều kiện chủ yếu để đi đến toàn thắng năm 1975…

Việt kiều tại Paris chào mừng Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sau khi Hiệp định được ký kết. Ảnh tư liệu


Ngay từ năm 1965, khi mà đạo quân viễn chinh Mỹ ào ạt đổ bộ vào miền Nam nước ta để cứu quân đội Việt Nam cộng hòa sắp bị tan rã, chuyển "chiến tranh đặc biệt" thành "chiến tranh cục bộ" thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và TƯ Đảng đã nhận định: quân Mỹ nhảy vào trong thế "chữa cháy" nhằm cứu vãn một tình thế đang suy sụp, một chế độ đang lung lay tận gốc. Việc làm đó bộc lộ rõ bộ mặt xâm lược, phi nghĩa. Vì vậy, Mỹ nhất định thua, ta nhất định thắng. Trước sự phản công dồn dập, ác liệt của Mỹ và quân đội Sài Gòn, chúng ta không trở về thế phòng ngự mà vẫn giữ vững chiến lược tiến công.

Đi vào cụ thể tác chiến chúng ta thấy, lúc này tương quan lực lượng trên chiến trường đã có sự thay đổi đột ngột và lớn lao. Ta phải đối đầu với một kẻ địch mà số lượng và trang bị ưu thế hơn ta hàng mấy chục lần. Có quyết tâm chiến thắng nhưng phải đi đôi hay phải trên cơ sở của tài năng, mưu trí, lòng dũng cảm, óc sáng tạo khoa học và thực tế của những cán bộ, chiến sĩ ngay trên chiến trường. Phải tìm ra cách đánh phù hợp nhất, vừa diệt được địch vừa bảo vệ được mình, vừa lớn lên như "Sơn Tinh thắng giặc Thủy Tinh" trong một tình thế vô cùng gay go, phức tạp tưởng chừng như nan giải. Nhưng ở đây chỉ đề cập đến một vấn đề về chỉ đạo chiến lược mà kết thúc chính là Hiệp định Paris.

Trong binh pháp của người xưa đã dạy: "Biết kẻ thù như biết mình là bí quyết thắng lợi trong mọi cuộc giao chiến". Theo tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đánh giá kỹ sức mình và sức địch, thế mình và thế địch, trong nước và ngoài nước, tính toán tất cả mọi lẽ hơn thiệt, cân nhắc tất cả các tình huống sau khi Mỹ mở chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc để hạ quyết tâm: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày toàn thắng, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn...".

Nhân dân Thủ đô vui mừng đón đọc tin ký kết Hiệp định Paris. Ảnh tư liệu


Nhưng để thắng một đối phương như đế quốc Mỹ với số quân Mỹ, quân đội Sài Gòn tới trên triệu người và trang bị tối tân đến tận chân răng, kẽ tóc, trước hết cần sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trong cuộc chiến tranh này, ta không phải tiêu diệt hết quân Mỹ để thắng, mà là ta phải đuổi hết Mỹ để thắng. Đó là tinh thần, trí tuệ và sức lực Việt Nam. Ta kiên trì, ta nhất định thắng". Rồi trong thơ chúc Tết năm 1969 gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước, Bác nhắc lại: "Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào...". Trong lời kêu gọi ngày 20-7-1969, Người lại viết: "Đế quốc Mỹ thất bại đã rõ ràng nhưng chúng chưa chịu từ bỏ dã tâm bám lấy miền Nam nước ta. Quân và dân cả nước ta triệu người như một, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà…". Sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhằm quyết tâm giành thắng lợi trước một kẻ địch mạnh hơn ta gấp bội về nhiều mặt (trừ tinh thần ý chí và dũng lược) là phải đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, phải đánh cho quân Mỹ cút sạch để rồi đánh cho ngụy quân, ngụy quyền sụp đổ hết mới giành được toàn thắng.

Tuy Mỹ và chính quyền Sài Gòn lật lọng, không thi hành tất cả các điều khoản trong Hiệp định vì họ tưởng với chiến lược mới "Việt Nam hóa chiến tranh", ngụy sẽ mạnh lên, Mỹ rút quân nhưng vẫn bám giữ được miền Nam với sự đồng lõa của các thế lực phản động quốc tế. Họ không thi hành trọn vẹn Hiệp định nhưng đã thi hành điều 5 và 6 là rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Mỹ cho như thế là một thắng lợi vì cứu được quân Mỹ đã "sa lầy" trong cuộc chiến tranh, rút hết về nước theo đòi hỏi chính đáng của nhân dân Mỹ và dồn tiền của, vũ khí cho quân ngụy lớn mạnh nhanh để thắng Việt cộng hay ít nhất cũng không phân thắng bại mà Mỹ thì đứng ngoài cổ vũ và tìm mưu mô khác. Còn ta ký Hiệp định với mục đích đem lại hòa bình cho nhân dân sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá. Nhưng nếu không được như vậy thì điều cơ bản nhất theo sự chỉ đạo chiến lược phải đạt được là quân xâm lược ngoại quốc phải rút hết ra khỏi bờ cõi Việt Nam. Đó là để thay đổi tương quan lực lượng cơ bản trên chiến trường để ta đi đến một bước nữa, đánh tan quân ngụy tay sai và sụp đổ chế độ bán nước.

Sự chỉ đạo chiến lược tài tình và sáng suốt của Hồ Chủ tịch và Đảng ta "Đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền sụp đổ hết" đã được thực hiện. Hiệp định Paris về Việt Nam rõ ràng là mốc lịch sử quan trọng trên con đường chiến thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mốc lịch sử trên con đường chiến thắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.