Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để “một cửa” không là hình thức - Bài 2: Kiểm tra nhiều, chuyển biến ít

Nhóm PV Nội chính| 30/01/2013 07:03

(HNM) - Liên tục trong những năm gần đây, TP Hà Nội tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác cải cách hành chính (CCHC). Qua đó, đã kịp thời phát hiện, hướng dẫn và chấn chỉnh các đơn vị.

Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” huyện Đông Anh. Ảnh: Khánh Nguyên


Chỉ tính riêng năm 2012, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015" đã kiểm tra 8 đơn vị; đoàn kiểm tra liên ngành của TP đã kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) 20 đơn vị; Sở Nội vụ kiểm tra công tác CCHC tại 7 đơn vị. Một số sở và 24/29 quận, huyện cũng tổ chức nhiều đợt kiểm tra CCHC đối với cấp mình và cấp dưới trực thuộc.

Bên cạnh đó, MTTQ TP cũng luôn coi giám sát việc thực hiện CCHC là nhiệm vụ trọng tâm. Ông Nguyễn Xuân Điệp, Phó Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội cho biết, MTTQ TP quán triệt MTTQ các quận, huyện chú trọng tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia công tác giám sát thực hiện công tác CCHC tại UBND, các đơn vị chức năng ở địa phương, nhằm phát huy dân chủ sâu rộng trong nhân dân, bảo đảm khách quan, dân chủ, tăng cường hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức...

Từ năm 2009 đến nay, MTTQ quận Tây Hồ đã phát gần 4 nghìn phiếu thăm dò dư luận xã hội về thực hiện CCHC theo hệ thống từng tổ chức thành viên và ý kiến nhân dân thông qua các cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri và gặp gỡ nhân dân đến giao dịch, giải quyết các TTHC tại UBND quận và các phường. Ông Vũ Đức Hiếu, Chủ tịch MTTQ quận Tây Hồ cho biết, năm 2012, MTTQ lấy ý kiến về 6 nội dung bao gồm từng lĩnh vực công tác cụ thể: Đó là việc công khai TTHC; hình thức công khai, trang thiết bị cơ sở vật chất tại khu vực "một cửa"; thời gian giải quyết TTHC và thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ đối với công việc cụ thể từng lĩnh vực như cấp giấy phép xây dựng, cấp "sổ đỏ" và các TTHC khác... MTTQ phường Bưởi (quận Tây Hồ) đã phát hơn 200 phiếu, trong đó 50% số phiếu dành cho nhân dân, 30% là cán bộ MTTQ các KDC, 20% phiếu lấy ý kiến đánh giá của cán bộ các tổ dân phố

Kết quả cho thấy, các ý kiến phản ánh đầy đủ những mặt tích cực, hạn chế, những việc cần khắc phục cũng như cán bộ, nhân dân đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác CCHC. MTTQ huyện Từ Liêm lại chú trọng giám sát bộ phận "một cửa", nắm bắt kết quả có chuyển biến hay không, để có kiến nghị xác đáng nhất đến chính quyền... Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch MTTQ phường Bạch Đằng cho biết, hình thức giám sát trực tiếp rất quan trọng và hiệu quả, vì MTTQ có thể kiểm tra sổ sách ghi chép việc tiếp nhận đơn thư, giấy tờ của nhân dân ở bộ phận "một cửa". Có thời điểm, chỉ trong tháng, MTTQ và thanh tra nhân dân phát hiện 69/100 hồ sơ được vào sổ không ghi chi tiết, đầy đủ các loại giấy tờ nhân dân đã nộp.

Qua kiểm tra, giám sát, các đoàn ghi nhận nhiều đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các nội dung của công tác CCHC, song cũng phát hiện nhiều vấn đề như huyện Thanh Trì, Ứng Hòa chưa xây dựng quy trình giải quyết đối với từng TTHC thuộc thẩm quyền; một số đơn vị còn để lại nhiều TTHC giải quyết tại các phòng chuyên môn (Sơn Tây: 35 TTHC, Long Biên: 84 TTHC, Đông Anh: 62 TTHC); hồ sơ giải quyết quá hạn còn ở mức cao: Sở Tài nguyên và Môi trường 12%, Sơn Tây 20% (tập trung chủ yếu lĩnh vực tài nguyên, môi trường). Điều đáng nói là ngay tại những đơn vị làm điểm về CCHC vẫn mắc nhiều sai sót trong công tác CCHC. Những vấn đề bất cập khá phổ biến ở nhiều đơn vị là cơ sở vật chất chưa đồng bộ; phân công cán bộ "một cửa" chưa hợp lý; chưa tiếp nhận đầy đủ TTHC ở "một cửa" theo quy định; tình trạng "liên" nhưng chưa "thông", khiến người dân phải đi lại nhiều lần… Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, để nhìn nhận được thực chất về thái độ, trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức "một cửa" khi giao dịch với công dân thì thành viên đoàn kiểm tra phải đi theo kiểu "vi hành".

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, cùng với việc hướng dẫn, nhắc nhở những đơn vị làm chưa tốt, TP muốn xử lý nghiêm những sai phạm chứ không "giơ cao đánh khẽ", song các đoàn kiểm tra của Sở cũng như liên ngành hiện nay không có thẩm quyền xử lý nên vẫn mang tính chất hướng dẫn và chấn chỉnh là chủ yếu, yêu cầu đơn vị khắc phục, đồng thời có báo cáo kết quả kiểm tra với TP. Thông qua kiểm tra, hướng dẫn, nhiều đơn vị đã tiếp thu và có chuyển biến tích cực, song cũng có đơn vị tiếp thu chưa nghiêm túc mà chưa bị xử lý. Ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND TP cũng cho biết, năm 2012 TP đã kiểm tra đột xuất khá nhiều xã, phường, quận, huyện, sở, ngành. Khi kiểm tra có bất cập đều yêu cầu các đơn vị khắc phục và ký biên bản kiểm tra. Năm 2013, TP sẽ tiếp tục kiểm tra và tái kiểm tra vì còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh.

Mới đây, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo CCHC của TP, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nêu rõ: Công tác CCHC của TP có chuyển nhưng chuyển chậm. Người dân và các nhà đầu tư vẫn còn kêu ca, phàn nàn về CCHC. Thực tế đó đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra. Song thanh tra công vụ cần phải có một bộ phận tương đối chuyên trách, độc lập, nếu không thì dù có chỉ ra sai sót tận nơi cũng vẫn chỉ dừng lại ở "rút kinh nghiệm" bởi sự nể nang, tình cảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để “một cửa” không là hình thức - Bài 2: Kiểm tra nhiều, chuyển biến ít

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.