Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để “một cửa” không là hình thức: Bài 3 - Cần sự thay đổi về “chất”

Nhóm PV Nội chính| 31/01/2013 06:13

(HNM) - "Một cửa" đã được "phủ sóng" rộng khắp toàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, chất lượng thực hiện ở các đơn vị không đồng đều và điều quan trọng là những đơn vị đang "đuối" còn chậm chuyển mình. Đã đến lúc TP cần có biện pháp kiên quyết hơn để việc tổ chức thực hiện "một cửa" không là hình thức.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Ảnh: Như Ý


Đến nay, đã có 29/29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn; 26 sở, ban, ngành và đơn vị hiệp quản đã tổ chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" (bộ phận "một cửa"). Các đơn vị đều ban hành đủ văn bản làm cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của bộ phận "một cửa" theo Quyết định 84/2009/QĐ-UBND như: quyết định thành lập, kiện toàn bộ phận "một cửa"; quyết định phân công trưởng bộ phận và công chức làm việc tại "một cửa"; quy chế làm việc tại bộ phận "một cửa"… Tuy nhiên, chất lượng phục vụ của bộ phận "một cửa" chưa đều dẫn đến thực tế cùng một thủ tục nhưng người dân thực hiện ở nơi này thì dễ, nơi kia thì khó. Vướng mắc chung được nhiều đơn vị nêu ra là do thời gian qua quy định về cơ chế thực hiện "một cửa" không đồng bộ; nhiều văn bản liên quan đến việc giải quyết TTHC còn chồng chéo; do thiếu cán bộ, địa điểm chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu… Đó là một thực tế, tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, những phản ánh, kêu ca của người dân không phải vì cơ sở vật chất của "một cửa" chưa hiện đại, mà chủ yếu vì thái độ thiếu nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ. Ở đơn vị nào lãnh đạo và cán bộ nhiệt tình với công việc, tâm huyết với công tác CCHC thì triển khai khá nghiêm túc, thuận lợi cho tổ chức, công dân. Không ít đơn vị đã sáng tạo trong cách triển khai như: quận Hoàng Mai, huyện Từ Liêm vừa cung cấp tờ hướng dẫn (miễn phí) vừa bố trí riêng một cán bộ trực tại "một cửa" để hướng dẫn công dân làm thủ tục; huyện Thanh Oai khi đưa mẫu phiếu có kèm hướng dẫn để công dân có thể mang về nhà điền cho đúng, đủ. Một số đơn vị xây dựng hệ thống phiếu chuyển giao công việc theo quy trình: bộ phận "một cửa" - trưởng bộ phận chuyên môn - lãnh đạo đơn vị, để đến cuối ngày là xác định được bộ phận nào chậm trễ. Trong khi đó, ở không ít đơn vị, lãnh đạo còn nhận thức chưa đầy đủ về công tác CCHC, chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt, thậm chí còn khoán trắng cho cấp phó hoặc bộ phận chuyên môn. Một nguyên nhân nữa khiến các đơn vị dù thực hiện "một cửa" nhiều năm mà vẫn lúng túng là do chưa có ý thức học hỏi kinh nghiệm từ đơn vị khác. Vì thế, mới có tình trạng hai đơn vị chỉ cách nhau khoảng 10km nhưng chất lượng thực hiện "một cửa" khác nhau "một trời một vực". Mặc dù TP đã liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát nhưng địa bàn rộng với 26 sở, ban, ngành; 29 quận, huyện và 577 xã, phường, thị trấn thì không đoàn nào đi xuể. Sở Nội vụ đã sáng tạo thực hiện kiểm tra ở một đơn vị rồi tổ chức họp rút kinh nghiệm chung cho các đơn vị cùng địa bàn (hoặc khác địa bàn mà có điểm tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội). Song, mức độ lan tỏa chưa hiệu quả như mong muốn. Bằng chứng là khi kiểm tra tại những đơn vị đã từng tham dự họp "rút kinh nghiệm chung" thì hầu hết vẫn mắc sai sót tương tự.

Rõ ràng, "một cửa" chỉ là "bề nổi", còn việc giải quyết TTHC là cả chuỗi quy trình. Song, "bề nổi" đó vẫn được coi là "bộ mặt" của cơ quan chính quyền nên rất cần lãnh đạo đơn vị quan tâm, đầu tư thích đáng, nâng chất lượng phục vụ để công dân được hưởng quyền lợi khi đi làm TTHC. Theo Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCCVC giai đoạn 2011-2015", Hà Nội sẽ quy hoạch và xây dựng công sở theo hướng tập trung, từng bước hiện đại, có đủ điều kiện, phương tiện làm việc; bảo đảm đến hết năm 2015, trụ sở các xã, phường, thị trấn cơ bản đáp ứng yêu cầu CCHC. Năm 2013 cũng được TP Hà Nội xác định là "Năm Kỷ cương hành chính", do đó, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của TP thì điều quan trọng là người đứng đầu mỗi đơn vị cần quan tâm đúng mức đến công tác này để nền hành chính của TP thực sự đạt chất lượng như mong đợi chứ không chỉ là cái vỏ bọc hiện đại. Bên cạnh đó, TP cần chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát trách nhiệm của bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện CCHC và trách nhiệm, thái độ phục vụ của từng CBCC thực hiện nhiệm vụ liên quan đến TTHC. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để “một cửa” không là hình thức: Bài 3 - Cần sự thay đổi về “chất”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.