Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước ngoặt chiến lược trên chiến trường miền Nam

Nguyễn Thành Trung| 08/02/2013 06:42

(HNM) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 dù phải hy sinh to lớn nhưng Đảng ta, nhân dân ta và quân đội ta đã xoay chuyển được cục diện tình hình, điều mà trước đó ta chưa tạo được. Cục diện đó cho phép quân và dân ta tiếp tục đưa cách mạng miền Nam tiến lên theo phương hướng chiến lược mới như thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam Tết Mậu Thân 1968 đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ khác. Các lực lượng của ta đã đánh trúng 4 Bộ Tư lệnh quân đoàn, 8 trong số 11 Bộ Tư lệnh sư đoàn của quân đội Sài Gòn, 2 Bộ Tư lệnh biệt khu, 2 Bộ Tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều Bộ Tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, các tiểu khu, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, bến cảng của địch. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, toàn bộ hệ thống phòng thủ đô thị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã bị quân và dân ta đánh phá. Hậu phương, hậu cứ của địch trở thành chiến trường giữa hai bên tham chiến trong nhiều tuần, nhiều tháng.

Mặc dù trong cuộc tiến công, cả hai bên tham chiến đều hao tổn nặng nề về lực lượng và phương tiện chiến tranh, nhưng điều quan trọng khiến cho dư luận Mỹ và thế giới kinh ngạc là Quân giải phóng miền Nam có thể mở cuộc tiến công rộng khắp, đồng loạt vào hàng trăm đô thị, căn cứ trên toàn miền và gây cho đối phương nhiều thương vong. Sự chênh lệch về quân số, hỏa lực, phương tiện chiến tranh nghiêng hẳn về phía Mỹ, nhưng ta không những đã phá vỡ tuyến phòng thủ đô thị kiên cố của địch, gây cho chúng những tổn thất nặng nề về sinh lực, phương tiện chiến tranh mà còn ghìm chân được đội quân Mỹ, ngụy tới hơn một triệu người, được trang bị hiện đại.

Đối phó với các hoạt động quân sự của ta, để tránh thất bại, Mỹ đã phản ứng điên cuồng bằng việc sử dụng ồ ạt hỏa lực trọng pháo, máy bay và thiết giáp để san bằng nhiều khu phố, giết hại nhiều dân thường ngay ở giữa hậu cứ - hậu phương chiến tranh của chúng. Và cho dù sau đó, với quan điểm thuần túy quân sự, Mỹ cho dù đã đẩy Quân giải phóng ra khỏi các đô thị và xem đấy là một thắng lợi của mình thì Tết Mậu Thân thực chất vẫn là một thất bại nặng nề về chính trị của Mỹ trên chiến trường Việt Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã làm mục rã bộ máy kìm kẹp của chế độ Sài Gòn. Tại Trị - Thiên, hơn 20 vạn dân thuộc 40 xã, 300 thôn đã phá ách kìm kẹp của địch, đưa vùng giải phóng toàn khu lên tới 4/5 số thôn. Tại Khu 5, Khu 6, phần lớn bộ máy kìm kẹp của địch ở nhiều tỉnh đồng bằng duyên hải đã sụp đổ. Tại Tây Nguyên, đồng bào nhiều nơi đã phá bung khu tập trung, bỏ về buôn làng cũ làm ăn và xây dựng thành các làng chiến đấu. Tại Nam bộ, chính quyền cơ sở địch bị phá rã từng mảng, vùng giải phóng được mở rộng tới sát nhiều thị trấn, quận lị...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã bước vào Tết Mậu Thân một cách tự tin, dũng cảm và quyết liệt để tạo nên đòn tiến công bất ngờ với quy mô lớn nhằm vào chỗ yếu kém nhất của Mỹ ở miền Nam là chính quyền Sài Gòn. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu chiến lược và chủ trương đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng sức mạnh tổng hợp về chính trị, về tinh thần, về quân sự, về thế và lực của chiến tranh nhân dân. Sức mạnh đó bắt nguồn từ ý chí gang thép, quyết tâm sắt đá của cả một dân tộc không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; bắt nguồn từ truyền thống đánh giặc đầy mưu trí sáng tạo của cha ông ta trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ, tạo bước ngoặt chiến lược trên chiến trường miền Nam; buộc Mỹ phải đơn phương xuống thang chiến tranh, thay đổi chiến lược, rút dần quân đội đang có mặt tại miền Nam Việt Nam về nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt chiến lược trên chiến trường miền Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.