Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không cần một đạo luật riêng cho Đảng

Hiền Lương| 07/03/2013 16:57

(HNM) - Một trong những nội dung được các đại biểu HĐND TP Hà Nội đề cập nhiều nhất trong hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 diễn ra ngày 7-3 là về vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đại biểu Nguyễn Xuân Diên (tổ Ứng Hòa).


Đại biểu Nguyễn Xuân Diên (tổ Ứng Hòa) phân tích, tổ chức của Đảng được thiết lập từ tổ dân phố (hay làng, bản, phum, sóc), cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp ở cơ sở đến tổ chức đảng ở các cơ quan trung ương. Hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam có hơn 3, 6 triệu đảng viên, chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng dân số. Trong nội bộ đảng thì hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên được điều chỉnh bởi các quy định tại Điều lệ đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Trong lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước thì đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức, trí thức, người lao động, nông dân, bộ đội hoặc người công dân bình thường, chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đa số đảng viên đã và đang đảm trách các vị trí, chức vụ, nhiệm vụ chủ chốt, quan trọng của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Xuân Diên khẳng định: Đảng viên đương nhiên phải chịu sự điều chỉnh song trùng bởi các quy định của Đảng và bởi các quy định của pháp luật Nhà nước. Chính họ là nhân tố cơ bản trong việc xây dựng nên những chủ trương, đường lối lãnh đạo của đảng và rồi cụ thể hóa thành các quy định của pháp luật nhà nước; đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật. Là đảng viên của đảng cầm quyền nên hơn ai hết họ buộc phải hiểu muốn tồn tại và xứng đáng với vị trí, vai trò cầm quyền thì trước hết phải biết đâu là quyền và nghĩa vụ của đảng viên, đâu là quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, trí thức, người lao động, nông dân và công dân… Nếu đảng viên vi phạm, họ sẽ bị xử lý cả về đảng và về chính quyền, đoàn thể. Những năm qua, cơ chế Đảng là lực lượng lãnh đạo đối với nhà nước và xã hội luôn gắn bó với việc nhà nước quản lý, điều hành, chưa thấy sự xung đột giữa quy định của Đảng và quy định của nhà nước. Sự vận hành trong lãnh đạo và quản lý chưa xảy ra mâu thuẫn để đến mức không thể điều chỉnh, giải quyết được.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyến ( tổ Chương Mỹ) đề xuất, để tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Dự thảo cần tiếp tục bổ sung rõ ràng và cụ thể hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng, quan hệ giữa Đảng với nhân dân và sự giám sát của nhân dân với Đảng trên cơ sở các quy định của Điều lệ Đảng khóa XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 đã được bổ sung năm 2011.

Đại biểu quận Ba Đình nhận xét, trách nhiệm trước nhân dân như Dự thảo thì mới chỉ là trách nhiệm chính trị, đại biểu đề nghị cùng với trách nhiệm này Đảng cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý khi Đảng và cán bộ đảng viên có quyết định sai lầm làm hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, khoản 2 điều 4 nên bổ sung thành Đảng chiụ trách nhiệm trước nhân dân và trước pháp luật về những quyết định của mình.

Cũng tại khoản 2 điều 4, đại biểu Nguyễn Đạt Thuyên (tổ Quốc Oai) đề nghị nên đưa cụm từ "Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" lên trước cụm từ "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân" để khẳng định mạnh mẽ rõ quyền cũng như vai trò, trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân. Điều này cũng giúp thể hiện rõ hơn vai trò giám sát của nhân dân đối với Đảng.

Trong khi đó, chia sẻ bên lề Hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, là Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà đã nói đến lực lượng lãnh đạo, không có nghĩa là phải có luật về Đảng giống như luật về Mặt trận, luật về Đoàn thanh niên, Công đoàn… Đảng là lực lượng tiên phong, lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng hoạt động và lãnh đạo theo cương lĩnh, nghị quyết, điều lệ, quy chế, các quy định của Đảng. Đảng cũng xác định hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp, Pháp luật. Đảng không đứng trên pháp luật, không đứng ngoài pháp luật. Như vậy xem ra là đầy đủ. Nếu nói rằng nhà nước phải làm luật cho Đảng lãnh đạo thì xét thấy không cần thiết. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không cần một đạo luật riêng cho Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.