Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tâm tư của một vị tướng

Tuệ Diễm| 17/03/2013 06:46

(HNM) - Tuổi trẻ, Thiếu tướng Bùi Nam Hà từ bỏ con đường du học để xung phong chiến đấu giải phóng miền Nam rồi bị nhiễm chất độc hóa học...

Thiếu tướng Bùi Nam Hà.


Tới thăm Thiếu tướng Bùi Nam Hà, chúng tôi ngạc nhiên bởi đồ đạc trong căn hộ cao cấp của Saigon Pearl (do con cái mua tặng) rất đơn sơ, giản dị. Ông cười rằng, quen rồi lối sống giản dị, tiết kiệm từ xưa. Trong căn hộ, chỉ có một gian phòng rộng khoảng 16m2 là khá trang trọng thì được ông dành để trưng bày sách, tài liệu viết về chiến tranh, những bức ảnh chiến trường năm xưa cùng huân, huy chương. Vị tướng bảo rằng đó là gia tài lớn nhất của một tuổi trẻ đã sống, chiến đấu và phục vụ hết mình cho quân đội. Đặc biệt, trong nhà ông có chiếc… máy đánh chữ với tuổi thọ ngoài 40 năm vẫn được ông bà dùng soạn thảo văn bản hằng ngày. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, vị tướng cười bảo: "Bao nhiêu năm tôi vẫn dùng chiếc máy đánh chữ này, nó là kỷ vật thiêng liêng dùng việc binh sự. Bây giờ thời bình thì dùng việc khác. Bao nhiêu năm rồi, giờ thi thoảng nó hư, mực in không đều, bị khập chữ nhưng tôi tự sửa được!".

Sinh năm 1924, ông Bùi Nam Hà đến với cách mạng vào năm 1944 khi tham gia Đoàn Thanh niên Hoàng Diệu, sau đó tham gia tổng khởi nghĩa Hà Nội. Năm 1964 được cử đi học tại nước ngoài nhưng ông từ chối để xung phong đi B. Trước ngày xuất hành, đoàn cán bộ cấp cao đi B được Bác Hồ mở tiệc chiêu đãi. Ông còn nhớ như in lời dặn của Bác: "Hôm đó, bất ngờ bác từ bếp ăn ra tiến tới hỏi tôi: Chú tên gì? đổi tên chưa? Từ phút giây này các chú là người miền Nam, chúng ta nhất định phải thống nhất đất nước…".

Ông Bùi Nam Hà được đổi tên Bùi Anh Quân vào chiến trường miền Nam. Ngày ra đi làm nhiệm vụ ông thủ thỉ dặn vợ đang mang thai đứa con thứ hai: "Tôi đi chiến trường, tên bay đạn lạc, mình ở nhà gắng chăm con. Nếu sinh con trai thì mình đặt là Bùi Anh Quân, là gái thì là Bùi Thị Tuyết Mai".

Đến năm 1970, ông được lệnh rút về Hà Nội. Lần đầu gặp mặt gia đình sau 5 năm bặt vô âm tín, đứa con trai Bùi Anh Quân đã khóc thét lên vì không nhận ra cha. Chỉ gặp vợ con được 2 ngày, ông được giao chức Phó Tư lệnh Sư đoàn 316 đi giải phóng cánh đồng Chum (Lào).

Bốn lần trọng thương nhưng ông vẫn sống sót trở về. Tuy nhiên, toàn thân Thiếu tướng Bùi Nam Hà bất ngờ nổi mẩn ngứa, phải chạy vạy đi điều trị khắp nơi. Mùa đông bệnh càng nặng hơn và da càng xấu đi khi thời tiết đổi mùa. Các con lo tiền bạc đưa ông ra nước ngoài để chữa trị nhưng vẫn không khỏi.

Khi nghỉ hưu, vợ chồng ông quyết định vào TP Hồ Chí Minh sống để dưỡng bệnh bởi khí hậu nơi đây phù hợp hơn. Sau thời gian dài điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp), sức khỏe của ông đã ổn định hơn, được bác sỹ cho về điều trị tại nhà. Thiếu tướng Bùi Nam Hà tếu táo: "Tôi sinh Bắc, chiến Nam, khi tử phải về với Bắc. Giờ đây, trong người có 8 căn bệnh mãn tính, cộng thêm ảnh hưởng chất độc hóa học mà tôi sống đến ngần này tuổi là con cháu mừng rồi. Phải “trốn” Hà Nội đi chữa bệnh nên bây giờ cứ dặn sẵn con cháu, khi bố mất phải đưa bố về Hà Nội".

Thiếu tướng Bùi Nam Hà từng giữ rất nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội qua các thời kỳ như: Phó tham mưu trưởng Liên khu IV, Phó Tư lệnh tại mặt trận Tây Nguyên. Sau khi giải phóng miền Nam ông là đặc phái viên của Bộ Quốc phòng, rồi đảm nhiệm vai trò Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng và sau đó là Giám đốc Học viện Hậu cần. Từ năm 1982, ông giữ chức Phó Tổng thanh tra quân đội đến khi nghỉ hưu.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm tư của một vị tướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.