Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Lực cản do cơ chế hay con người?

Nhóm PV Nội chính| 11/04/2013 06:13

(HNM) - Đối với một thành phố là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, có quy mô dân cư đông và số đơn vị hành chính cấp quận, huyện lớn nhất cả nước như Hà Nội, cải cách hành chính (CCHC) không chỉ là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, khâu đột phá, mà còn là yêu cầu cấp bách.

Đã có nhiều giải pháp được ban hành nhằm khắc phục rào cản do cơ chế, chính sách, quy định chồng chéo và cả bất cập từ những con người trong bộ máy, thế nhưng một câu hỏi đặt ra, vì sao các cấp, các ngành của thành phố rất cố gắng, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có tiến bộ đáng kể trong CCHC mà chỉ số PCI vẫn bị giảm sút?

Nguyên nhân khách quan

Ngay sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố chỉ số PCI năm 2012, dư luận hết sức quan tâm và đặc biệt hoan nghênh thái độ nghiêm túc của lãnh đạo thành phố. Luận giải nguyên nhân khiến Hà Nội tụt hạng trong bảng xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố (PCI) đã được các cấp, ngành của Thủ đô nghiêm túc nhìn nhận với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật".

Trước tiên, cần đặt Hà Nội trong mối tương quan với các tỉnh, thành phố để thấy đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan; đâu là điểm nghẽn. So với nhiều tỉnh, thành phố khác, quy mô nền kinh tế, số lượng DN của Hà Nội đều lớn hơn rất nhiều; giữa một địa phương đóng góp cho ngân sách trung ương hơn 140 nghìn tỷ đồng/năm với một địa phương đóng góp vài nghìn tỷ đồng là cả một sự khác biệt rất lớn về quy mô khối lượng công việc. Hà Nội là nơi môi trường đầu tư hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, nơi mà cơ hội, thách thức đều lớn. Hơn ai hết, 130 nghìn DN hoạt động trên địa bàn Thủ đô (trong đó 90 nghìn DN còn nộp thuế) hiểu rất rõ điều này. Một vị trí đất dành cho đầu tư, trong khi các tỉnh miền núi do điều kiện giao thông, nguồn nhân lực… đều khó khăn; mặc dù các địa phương đã ra sức "trải thảm đỏ, chiếu hoa" để mời gọi, nhưng các DN tới rồi lại đi; còn tại Hà Nội không chỉ một mà đến mười DN luôn sẵn sàng nhập cuộc, trong khi sự lựa chọn chỉ có một, chín DN còn lại không đạt được mục đích và đương nhiên sẽ không hài lòng. Nói như vậy để thấy cái khó của Hà Nội khi "cầu" quá lớn mà "cung" có hạn. Tuy nhiên, khi phân tích vấn đề này, lãnh đạo thành phố luôn nghiêm túc, đòi hỏi phải nhìn nhận những yếu kém chủ quan, phải so mình với những tỉnh, thành phố có điều kiện tương đồng như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương… cũng có quy mô nền kinh tế lớn, là những mảnh đất hứa với cơ hội, thách thức ngang nhau và cũng phải giải quyết khối lượng công việc lớn, thủ tục nhiều nhưng các địa phương này đã bứt phá về chỉ số PCI. Việc thành phố Hà Nội không được xếp hạng ở bậc cao nhất là điều có thể hiểu được; nhưng Hà Nội xếp hạng thứ 51 là điều thật khó chia sẻ.

Sự kiện hợp nhất mở rộng Thủ đô tạo nên cho Hà Nội một vóc dáng mới, diện tích tăng gấp 3 lần, dân số tăng gấp đôi, có thêm tiềm lực để xây dựng Thủ đô song cũng mang lại không ít khó khăn khi bộ máy cồng kềnh, nhiều chủ trương không đồng bộ… Chưa kể, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước thường xuyên có sự thay đổi, nhất là Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…. Do đó, với phong cách làm việc cầu toàn, các cơ quan thành phố luôn ra sức làm đúng bài; quy trình, thủ tục luôn chặt chẽ cho dù có bị phê là chậm trễ. Thêm vào đó, như mọi người thường nói: "Hà Nội gần mặt trời", là nơi thường xuyên bị báo chí, dư luận "soi" rất kỹ. Và đó là nguyên nhân của sự không năng động, sáng tạo. Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Văn

Hải cho rằng, một trong những nội dung làm "nản lòng" DN là do cơ chế, chính sách thay đổi, thủ tục làm gần xong thì có văn bản mới nên phải làm lại từ đầu. Về phía chủ đầu tư, công trình nếu làm đúng thì không thể được xây cao, nhưng vẫn cứ cố "chạy" xin xây cao. Đến nay bất động sản ế đọng, lại cố "chạy" xin bớt tầng… Nguyên nhân nữa là do các sở, ngành luôn phải đối mặt với tình trạng công việc quá tải. Đơn cử như triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, một việc mới, chưa có tiền lệ, vì vậy 19 huyện, thị xã đều đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc tư vấn. Do số lượng công việc quá nhiều nên đến nay Sở mới giải quyết được hơn 50% số đồ án quy hoạch sau quy hoạch chung. Ví dụ khác, hằng năm số DN thành lập mới tại Hà Nội chiếm gần 1/4 cả nước, khối lượng thủ tục hành chính phải giải quyết rất lớn trong khi biên chế cán bộ cũng tương đương các tỉnh, thành phố khác.

Trong bảng xếp hạng PCI năm 2012, Hà Nội đứng thứ 51/63 các tỉnh, thành phố, đứng 63/63 về chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đai. Từ đó, có 3 vấn đề các DN cho rằng Hà Nội cần phải quan tâm: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp; khung giá đất chưa phù hợp với giá thị trường và DN còn khó khăn về mặt bằng. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi giá đất của Hà Nội luôn cao nhất cả nước, trong khi hệ thống pháp lý còn có sự chồng chéo giữa các văn bản, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, sau hợp nhất, để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thành phố đã rà soát hàng loạt các dự án đất, ra quyết định buộc tạm dừng hoặc chờ quy hoạch mới… điều này tác động, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án của DN, đó là chưa kể nhiều dự án đã khởi động nhưng buộc phải điều chỉnh hoặc phải dừng. Trước một cuộc chạy đua có nhiều đối thủ, để về đích nhanh nhất, không ít DN, chủ đầu tư tìm cách "bôi trơn"… Đây chính là những nguyên nhân khách quan khiến cho CCHC của Hà Nội chưa đạt kết quả như mong muốn, chỉ số PCI tụt hạng.

Lực cản từ con người trong bộ máy hành chính

CCHC là một yêu cầu khách quan, là quá trình khắc phục mọi lực cản trong hệ thống bộ máy tổ chức, trong cơ chế vận hành và những hạn chế, yếu kém về năng lực quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước. Xét trên phương diện khách quan, lực cản thứ nhất cản trở tiến trình CCHC của Thủ đô bắt nguồn từ những cơ chế, chính sách thường xuyên thay đổi, những quy định chồng chéo, không còn phù hợp... Dù thành phố đã cố gắng cải cách TTHC, nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi công vụ của các cơ quan công quyền các cấp, đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở... nhưng kết quả đạt được chưa nhiều. Việc phân cấp, phân quyền chưa mạnh, làm hạn chế tính chủ động của cơ sở; việc phân định nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền, cơ chế một đầu mối trong một số lĩnh vực chưa cụ thể, thậm chí còn chồng chéo; vấn đề phối hợp giữa các sở, ngành, lĩnh vực có liên quan còn thiếu chặt chẽ; tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm còn khá phổ biến, thậm chí xảy ra ở ngay một cơ quan.

Lực cản thứ hai từ chính bản thân những con người nằm trong bộ máy hành chính. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố thường được đánh giá cao về trình độ, năng lực; song không được đánh giá cao về tính năng động, sáng tạo. Một trong hai nội dung Bộ Chính trị gợi ý kiểm điểm sâu đối với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) chính là tình trạng sách nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức. Bên cạnh sự tận tụy, trách nhiệm của đại đa số cán bộ, công chức, vẫn còn một bộ phận cán bộ thừa hành công vụ thiếu rèn luyện, tu dưỡng, lợi dụng vị trí, quyền hạn được giao, có biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn trong giải quyết TTHC để trục lợi; thậm chí còn có những biểu hiện vô cảm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, tham ô, tham nhũng, gây dư luận xấu trong nhân dân. Đáng nói, trước đây, "căn bệnh" nhũng nhiễu, chậm trễ thường được "đổ" cho cấp cơ sở thì nay chủ yếu lại nằm ở các sở, ngành. Điều này được phản ánh rất rõ qua kết quả điều tra xã hội học ghi nhận mức độ hài lòng của tổ chức, công dân tham gia thực hiện TTHC ở cấp xã cao hơn so với cấp thành phố. Đánh giá tính quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện CCHC của lãnh đạo 5 sở chủ chốt gồm: Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Quy hoạch - Kiến trúc, nơi cao nhất cũng chỉ đạt 28%; mức độ hài lòng của cán bộ cấp huyện đối với thái độ thực thi công vụ của đội ngũ công chức tại các sở này cao nhất cũng chỉ đạt 26,2%. Không ít cán bộ khi được hỏi nguyên nhân của tình hình này là gì, thì câu trả lời là: "Thà chậm nhưng không để sai"; "Chậm để an toàn"...

Có thể lý giải, trước hết do khối lượng công việc luôn quá tải, trong đó nhiều việc mới, việc khó; quá trình giải quyết cán bộ, công chức luôn gặp phải vấn đề hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách vừa nhiều, vừa luôn thay đổi, nên việc vận dụng, áp dụng còn lúng túng. Từ lúng túng, dẫn tới cán bộ, công chức sợ không dám giải quyết; từ lúng túng khiến người dân, DN có thể nghĩ cán bộ cố tình gây khó khăn, kéo dài thời gian nhằm vòi vĩnh. Thứ hai, có một nguyên nhân quan trọng nữa, chế độ tiền lương còn thấp (nhìn chung, bộ phận cán bộ ở bộ phận "một cửa" hưởng lương 3 triệu đồng/tháng) trong khi thường xuyên phải đương đầu với sự tấn công, quyến rũ và tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, với sự sẵn sàng "bôi trơn" của DN. Và đã có một bộ phận không thoát khỏi sự cám dỗ vật chất. Thủ tục rất bài bản thì cán bộ phải tìm đến cách "đánh võng" để né tránh trách nhiệm, suy cho cùng vì chẳng ai muốn chịu trách nhiệm cuối cùng.

Như vậy, câu chuyện CCHC chưa hiệu quả, việc tụt hạng PCI thể hiện sự không hài lòng của các DN đối với chất lượng giải quyết công việc của Hà Nội trong lĩnh vực tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư đã rõ. Không thể không nói tới những nguyên nhân do khách quan mang lại, nhưng nguyên nhân căn bản xuất phát từ những con người trong bộ máy hành chính - đó là lực cản thứ hai làm trầm trọng thêm những căn bệnh trong cơ thể bộ máy của chúng ta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Lực cản do cơ chế hay con người?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.