Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sâu sát cơ sở, rõ người, rõ việc

Bình Yên| 11/04/2013 06:23

(HNM) - Một trong những yếu kém được Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Phúc Thọ nhận rõ qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) là thiếu sâu sát cơ sở, kém năng động trong chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế.



Sau 5 tháng BTV Huyện ủy tiến hành các giải pháp cần làm ngay, trong đó đề cao tinh thần dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, đã có chuyển biến đáng ghi nhận.

Nguồn lực đất đai dồi dào, thuận lợi cho việc hình thành, phát triển vùng nông nghiệp xanh, cung cấp thực phẩm, rau xanh cho thị trường nội đô, song nhiều năm nay lợi thế đó chưa được huyện Phúc Thọ phát huy. So với các huyện ngoại thành, tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Phúc Thọ cũng rất chậm. Công tác quản lý chưa sát sao, để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Đất đai, ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Vai trò của một số ủy viên BTV trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất trên lĩnh vực được phân công phụ trách có lúc chưa kịp thời, thiếu sáng tạo...

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú khẳng định, trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm này được phân tích kỹ lưỡng, kèm với đó là một bản kế hoạch khắc phục. UBND huyện đã tổ chức riêng một cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm trong quản lý đất đai ở một số xã, phân công trách nhiệm cho từng đơn vị và từng cá nhân. Sau 5 tháng thực hiện, UBND huyện đã cơ bản giải quyết vụ việc bức xúc ở xã Liên Hiệp; xử lý vi phạm đất đai ở xã Long Xuyên; chỉ đạo tháo dỡ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, UBND huyện đã rà soát chức năng, nhiệm vụ và phân công lại các lĩnh vực phụ trách, xác định trách nhiệm cụ thể của chủ tịch, các phó chủ tịch, từng thành viên UBND. Chủ tịch UBND huyện có văn bản yêu cầu các phòng, ban rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhằm tránh chồng chéo; đồng thời, siết chặt quy chế làm việc, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức. Đặc biệt, UBND huyện đã chọn hai phòng Quản lý đô thị và Tài nguyên - Môi trường thí điểm quản lý cán bộ, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá, xếp loại nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ, công chức.

Việc chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến cán bộ, công chức đã tác động tích cực đến công tác chỉ đạo xây dựng NTM. BTV Huyện ủy đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện chương trình làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng gắn với DĐĐT. Đến nay, toàn huyện đã phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM của 22 xã. Xã điểm Võng Xuyên có 10/19 tiêu chí đạt chuẩn, 6 tiêu chí cơ bản đạt; 6 xã có từ 10-13 tiêu chí đạt và cơ bản đạt; gần 700 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài gần 60km được xây dựng mới hoặc nâng cấp. Ngay trong quý I năm 2013, huyện đã tổ chức hai phiên đấu giá đất, thu được hơn 20 tỷ đồng, phục vụ chương trình xây dựng NTM.

Cũng qua chỉ đạo xây dựng NTM, khuyết điểm "ít gắn bó với cơ sở" đã được các ủy viên BTV Huyện ủy khắc phục bằng việc phát huy vai trò phụ trách xã, tích cực đi cơ sở chỉ đạo sản xuất, DĐĐT. Theo Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu, điều đáng phấn khởi hơn là từ việc nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và từng ủy viên BTV Huyện ủy đã truyền quyết tâm chính trị, tính quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Đơn cử như việc DĐĐT - một việc khó, phức tạp, song với quyết tâm tạo chuyển biến, ngay sau khi ban hành Nghị quyết chuyên đề, BTV Huyện ủy đã triệu tập 600 cán bộ cấp ủy cơ sở, bí thư chi bộ, cụm trưởng cụm dân cư để thống nhất chủ trương, cách thức triển khai. Kết quả, 19 xã vào cuộc rất tích cực, trong thời gian ngắn đã dồn đổi 556ha, vượt 16% chỉ tiêu thành phố giao. Trước đây, bình quân mỗi hộ có 5,8 thửa, sau dồn đổi chỉ còn 1,59 thửa, đường giao thông nội đồng rộng rãi, có hệ thống kênh tưới tiêu thuận lợi, nhân dân rất phấn khởi. DĐĐT đến đâu, các xã chuyển đổi cơ cấu đến đó. Ngay trong vụ xuân này, toàn huyện đã gieo cấy 300ha giống lúa chất lượng cao, tăng diện tích trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả… nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, nhằm khắc phục triệt để tình trạng lãnh đạo cơ sở thiếu quyết liệt chỉ đạo, giải quyết việc khó liên quan đến đất đai, Huyện ủy sẽ xem xét, điều động, luân chuyển hợp lý. Điều đó thể hiện quyết tâm của Huyện ủy trong việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo của cán bộ các cấp, vì hơn hết, cán bộ là yếu tố quyết định đến sự phát triển của địa phương. Ngay trong quý II, BTV Huyện ủy Phúc Thọ yêu cầu các xã rà soát, lựa chọn 10-15 vụ việc về đất đai để xem xét, xử lý dứt điểm, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sâu sát cơ sở, rõ người, rõ việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.