Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Xây dựng nền hành chính vì dân

Nhóm PV Nội chính| 12/04/2013 06:08

(HNM) - UBND TP Hà Nội đã xác định năm 2013 là

Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và các giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội đã được HĐND TP thông qua tại kỳ họp thứ 6 (khóa XIV), nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành, UBND TP đã ra Chỉ thị số 01/CT-UBND về thực hiện "Năm kỷ cương hành chính - 2013". Thực hiện Chỉ thị này, thành phố Hà Nội phấn đấu tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tăng cường cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và nâng cao phục vụ nhân dân, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; tăng cường phân cấp trong quản lý đô thị và kinh tế xã hội theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Ảnh: Internet


Hầu hết các đơn vị khi triển khai "Năm kỷ cương hành chính - 2013" đều gắn với đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, tác nghiệp. Điển hình là quận Long Biên đã tiến hành thực hiện cơ chế "một cửa chuẩn" tại UBND 14 phường và UBND quận; đồng thời, cũng thực hiện quy định chế độ thông tin báo cáo, ứng dụng CNTT; khai thác thông tin trên cổng thông tin điện tử quận đối với tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc quận, các cơ quan phối quản thuộc quận với nguyên tắc: Không phát tài liệu tại cuộc họp; giảm họp, nâng cao chất lượng các cuộc họp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Hiện UBND quận đang hoàn thiện phần mềm quản lý đất đai và phần mềm quản lý tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo… tạo thuận lợi cho công việc. Huyện Từ Liêm cũng chú trọng hoàn thiện cơ chế chính sách thống nhất trong quản lý điều hành và phát triển đồng bộ các ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Trong năm 2013, huyện sẽ hoàn thành xây dựng cơ quan điện tử đối với cấp huyện và hai đơn vị làm điểm (xã Đông Ngạc, thị trấn Cầu Diễn), triển khai xây dựng phần mềm chính quyền điện tử cấp xã đối với 14 xã còn lại. Tương tự, quận Hoàng Mai đặt ra thời hạn hoàn thành rất rõ ràng như: Quý II-2013 triển khai quy định bắt buộc CBCC phải thực hiện tin học hóa trong tác nghiệp hành chính; quý III-2013, tất cả các phường đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001-2008 trong tiếp nhận, giải quyết toàn bộ các TTHC; quý IV, các phương tiện hỗ trợ cho việc tiếp nhận, tra cứu, tìm hiểu về TTHC tại bộ phận "một cửa" được hiện đại hóa, tin học hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân. Hiện thành phố đang triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình khung "cơ quan điện tử" tại các quận, huyện Long Biên, Tây Hồ, Từ Liêm, Thạch Thất, Chương Mỹ và 62 đơn vị điểm các xã, phường, thị trấn về CCHC để nhân rộng ra toàn thành phố, tiến tới xây dựng "chính quyền điện tử".

Cũng trong năm 2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với TTHC lĩnh vực đầu tư nước ngoài; đồng thời, thực hiện công tác đăng ký kinh doanh cấp huyện qua mạng bằng hệ thống phần mềm đăng ký kinh doanh cấp huyện đạt mức độ 3 đối với 29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai mô hình cơ quan điện tử các cấp (trong đó 40% là sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 10% UBND cấp xã). Đặc biệt, Sở sẽ hoàn thành hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu về con người, đất đai, quy hoạch, tài nguyên... Khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và giải quyết TTHC của doanh nghiệp cũng sẽ từng bước được tháo gỡ trong năm nay khi UBND thành phố đã giao các sở, ngành xây dựng, triển khai các đề án thiết thực như: "Cung cấp thông tin về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, dự án đầu tư có sử dụng đất, các loại bản đồ quy hoạch khác có liên quan ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt", "Cung cấp hệ thống các thông tin về quy hoạch xây dựng Thủ đô và các bản đồ quy hoạch khác có liên quan ngay khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt", "Kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa phân cấp quản lý kinh tế-xã hội với phân cấp ngân sách và phân cấp về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, CBCCVC"...

Nâng cao trách nhiệm

CCHC đồng nghĩa với yêu cầu CBCCVC phải thực sự tự giác, tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Đến thời điểm này, nhiều đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng và tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện "Năm kỷ cương hành chính". Ví dụ như quận Hoàng Mai đang thực hiện đánh giá việc bố trí, sử dụng CBCCVC, lao động hợp đồng (LĐHĐ) năm 2012 và xây dựng phương án bố trí, sử dụng CBCCVC, LĐHĐ năm 2013 tại các đơn vị thuộc quận, bảo đảm phân công, phân nhiệm rõ ràng, thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ theo pháp luật và các quy định của Nhà nước. Phương án bố trí, sử dụng cán bộ sẽ được lấy làm cơ sở đánh giá hiệu quả công việc và xử lý vi phạm. Cùng với đó, các Phòng TN&MT, Quản lý đô thị, LĐ, TB&XH, Tư pháp của quận sẽ chủ trì việc tăng cường cải cách các TTHC liên ngành, liên thông theo hướng đơn giản hóa, xác định rõ thẩm quyền, phạm vi trách nhiệm, thời hạn và khả năng phối kết hợp giữa các cấp, các ngành.

Thực hiện Quyết định số 5043/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành đề án "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của hệ thống cơ quan hành chính thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012-2016", Sở Nội vụ Hà Nội đã tích cực chuẩn bị các công việc cần thiết để đạt được các chỉ tiêu đề ra trong đề án (đến năm 2015 sẽ có 80% công chức cấp xã có trình độ đại học, phù hợp với chức danh đảm nhiệm; trên 80% người dân và doanh nghiệp hài lòng về hiệu quả giải quyết TTHC; 100% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn...). Cụ thể, để tuyển dụng 1.000 công chức nguồn cho các cơ quan hành chính của thành phố, trong quý I-2013, thành phố Hà Nội đã thực hiện đào tạo thí điểm 500 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2014. Các đối tượng đào tạo là sinh viên vừa tốt nghiệp hoặc người đã có bằng tốt nghiệp các trường đại học, học viện công lập, hệ chính quy loại khá trở lên. Sau khi đào tạo nội dung theo chương trình phù hợp, các học viên sẽ được đưa về xã, phường, thị trấn công tác để tiếp tục học tập kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn. Sau 5 năm công tác tại cơ sở, theo yêu cầu nhiệm vụ và quỹ biên chế, sẽ tổ chức đánh giá trình độ, năng lực và thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định để có thể thay thế số công chức nghỉ hưu ở các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Dự kiến, sang năm 2014, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tuyển 500 người…

Xuất phát từ yêu cầu của "Năm kỷ cương hành chính", thành phố Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ. UBND TP Hà Nội đã thành lập đoàn thanh ra công vụ gồm 19 thành viên (thuộc nhiều sở, ban, ngành và các đơn vị như: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND TP, Thanh tra thành phố…). Đoàn sẽ kiểm tra thường xuyên và đột xuất về thực hiện các quy chế làm việc, quy trình công tác và sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên; việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính; thực hiện quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đơn vị hiệp quản. Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, việc kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm cũng được đặt ra. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả CCHC và những đánh giá của tổ chức, công dân về chất lượng phục vụ của cơ quan, đơn vị mình.

Công tác CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; từ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia giải quyết TTHC đến người đứng đầu địa phương, đơn vị. Do đó, việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức vô cùng quan trọng. Chỉ đạo về vấn đề này, vừa qua Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình thực hiện CCHC, thực hiện cơ chế "một cửa" ở cấp cơ sở và các quận, huyện. Phát biểu tại hội nghị giao ban về chủ đề CCHC, đồng chí nhấn mạnh: "Cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nhất là với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, các cơ quan hành chính của thành phố. Gắn yêu cầu này với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; với việc tiếp tục thực hiện tự phê bình và phê bình; với việc tiếp tục sửa chữa yếu kém, khuyết điểm sau kiểm điểm vừa qua".

CCHC là công việc quan trọng, cần phải thực hiện đồng bộ và kiên trì. Dù không thể một sớm một chiều công tác CCHC của Thủ đô đã có ngay bước chuyển đúng như mong đợi; song, điều quan trọng là với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, hầu hết lãnh đạo các đơn vị đã có nhận thức đúng đắn về công tác CCHC. Với quyết tâm thực hiện "Năm kỷ cương hành chính", mỗi CBCCVC ở các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội sẽ làm việc bằng sự tâm huyết, bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất để tạo dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, thu hút đầu tư, góp phần để Thủ đô phát triển tương xứng với vị thế, tiềm năng của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Xây dựng nền hành chính vì dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.