Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn còn bất cập

Hà Phong| 27/04/2013 06:08

(HNM) - Bảy ngày sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ngày 24-4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giới thiệu đến các đại biểu Quốc hội Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất.

Cơ chế đền bù khi thu hồi đất là một trong những bất cập nhất hiện nay. Ảnh: Bảo Lâm



Đền bù chậm phải bồi thường


Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đã có quy định cụ thể về trình tự thu hồi đất nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện trong việc cưỡng chế làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện thống nhất. Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Ban soạn thảo cũng đã xây dựng cơ chế bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng đất đối với trường hợp Nhà nước thu hồi. Theo đó, khi thu hồi đất, các địa phương phải đền bù bằng việc giao đất mới, có cùng mục đích sử dụng. Chỉ khi không có đất, mới bồi thường bằng tiền theo giá đất của loại đất bị thu hồi. Dự thảo cũng quy định rõ trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả kịp thời tiền cho người có đất phải giải tỏa. Trường hợp chậm thanh toán, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ, người có đất bị thu hồi còn được lĩnh thêm một khoản tiền bằng số tiền chưa trả nhân với 1,5 lần lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán. Đặc biệt, Ban soạn thảo bỏ một phần quy định thu hồi đất các dự án phát triển KT-XH. Nhà nước chỉ thu hồi đất cho các dự án sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Nhiều dự án nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)… trước đây xếp vào nhóm các dự án phát triển KT-XH sẽ được chuyển sang nhóm được Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, việc thu hồi đất cho các dự án này phải tuân thủ cơ chế là được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, HĐND cấp tỉnh thông qua.

Tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy có tới trên 132.000 lượt ý kiến đề nghị áp dụng cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất thay cho cơ chế thu hồi đất để thực hiện các dự án. Đồng thời, cần quy định rõ trường hợp nào thì Nhà nước thu hồi đất, trường hợp nào thì các nhà đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH.

Góp ý vào quy định trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ sự băn khoăn. Cụ thể là đất nước ta đang trong giai đoạn CNH, HĐH, nhu cầu thực hiện các dự án phát triển KT-XH rất lớn. Trong nhóm các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng cũng có nhiều dự án kinh tế. Do đó, nếu không quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH sẽ gây nhiều khó khăn. Để giải quyết bất cập này, cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội từng nhận được ý kiến đề nghị, nên phân ra hai loại dự án phát triển KT-XH: Một là các dự án phục vụ lợi ích chung thì Nhà nước thu hồi, còn loại khác vì mục đích lợi nhuận thì Nhà nước không đứng ra thu hồi mà thực hiện theo cơ chế thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng rất khó phân định, xử lý như vậy. Bởi thực tế khi doanh nghiệp triển khai dự án, người đứng đầu đơn vị nào cũng phải tính toán vấn đề đầu tiên là làm thế nào cho có hiệu quả về mặt kinh tế, để trả lương cho công nhân và nộp thuế cho Nhà nước, đóng góp cho xã hội.

Cơ chế đền bù bằng tiền không mới

Một nội dung nữa khiến không ít đại biểu Quốc hội băn khoăn, đó là cơ chế đền bù thu hồi đất khi không hoán đổi được bằng đất thiếu tính thực tiễn. Theo Điều 73, quy định về giá đất thu hồi không có đột phá so với quy định hiện hành, đó là áp giá đất tại thời điểm thu hồi. Đáng nói, đây là vấn đề lớn, đang gây nhiều bức xúc, hệ lụy cho cả chính quyền địa phương và người dân sở tại. Theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, hiện nay, giá bồi thường đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng còn khá, đất nông nghiệp ở trung du, miền núi "rẻ như bèo". Trong một số trường hợp, đất người dân đang sử dụng chỉ được trả 100.000 đồng - 200.000 đồng/m2, nhưng khi đầu tư vào thành khu đô thị, giá lại cao chót vót. Nhận đền bù 100m2 mà sau đó không mua nổi 1m2 ngay tại nơi bị thu hồi khiến bà con bức xúc. Điều họ mong muốn, đề đạt là giải quyết hậu quả phát sinh gồm chỗ làm ăn, bảo đảm đời sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp sau khi Nhà nước thu hồi đất. Có lẽ, không hóa giải thấu đáo được vấn đề này thì chưa đáp ứng được mong muốn của nhiều hộ gia đình và tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài khó có thể giải quyết được.

Cùng chung nhận định công tác thu hồi đất quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn bất cập, mới đây, Bộ Tài chính đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ phản ánh những điểm chưa hợp lý. Theo cơ quan này, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa xử lý được các vấn đề lớn đang gây bức xúc trong đời sống KT-XH như bồi thường giải phóng mặt bằng; giải quyết khiếu nại tố cáo, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực đất đai…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn còn bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.