Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân

An Trân| 27/04/2013 06:30

(HNM) - Quyền sở hữu nói chung và quyền sở hữu cá nhân nói riêng luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu mà nhà nước nào cũng quan tâm để có những cơ chế bảo hộ phù hợp.


Quyền sở hữu là một trong các quyền của con người và phải được gắn liền với tài sản. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các quy định trực tiếp về bảo hộ quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đã được quy định khá rõ trong chương II và III tại các Điều 33; Điều 43, khoản 2; Điều 56, khoản 3; Điều 57; Điều 58, khoản 2 và 3.

Theo đánh giá của TS Vũ Thị Lan Anh (Đại học Luật Hà Nội), tinh thần chung từ các quy định tại Dự thảo cho thấy quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân đã được Nhà nước công nhận và bảo hộ. Đặc biệt, quy định "tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường". Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định tại khoản 3, Điều 56 là nền tảng cho toàn bộ cơ chế bảo vệ quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân. Theo đó, mỗi tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ quyền đối với tài sản hợp pháp mà mình sở hữu. Bên cạnh đó, so với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo đã bổ sung nội dung: Nhà nước thừa nhận và bảo hộ tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân. TS Vũ Thị Lan Anh phân tích, đây là nguyên tắc được hiến định tạo cơ sở pháp lý quan trọng để luật chuyên ngành điều chỉnh các quan hệ tài sản. Một khi tài sản của một cá nhân, tổ chức là hợp pháp, với hệ thống pháp luật của mình, Nhà nước có trách nhiệm phải bảo hộ quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đó. Nguyên tắc này chỉ cho phép trường hợp ngoại lệ "vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai" thì Nhà nước được quyền trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường theo giá thị trường. Nếu văn bản luật, văn bản dưới luật quy định xâm phạm đến quy định này sẽ bị coi là vi hiến.

Thống nhất nhận định, Dự thảo đã bổ sung, quy định rõ hơn về bảo hộ quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân, PGS-TS Phùng Trung Tập (Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, Điều 33 của Dự thảo đã có những quy định khác biệt cơ bản so với nội dung này tại Hiến pháp năm 1992, như sửa đổi từ chủ thể bảo hộ là "nhà nước" thành cơ chế bảo hộ là "pháp luật". Đáng lưu ý, khoản 1, Điều 33 đã quy định căn cứ xác lập quyền sở hữu cá nhân và các loại tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân gồm: Thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế khác; sở hữu quyền sử dụng các loại đất theo quy định tại Điều 57, 58 của Dự thảo. Như vậy, quyền sở hữu tài sản cá nhân đã được mở rộng không những về phạm vi mà còn được pháp luật thừa nhận về tính chất tài sản.

Theo PGS-TS Phùng Trung Tập, quy định tại Điều 33 là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm giải phóng năng lực sản xuất, khuyến khích cá nhân sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ và tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Khi được thông qua, đây sẽ là những cơ sở bảo đảm vững chắc cho quyền sở hữu tư nhân phát triển bình đẳng với các hình thức sở hữu khác ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Cùng quan tâm tới Điều 33, PGS-TS Đặng Văn Thanh (Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam) nhận xét, so với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo đã có sự thay đổi rất cơ bản như quyền sở hữu không chỉ áp dụng cho công dân mà cho tất cả mọi người và ghi nhận quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, PGS-TS Đặng Văn Thanh đề nghị cần xem lại nội hàm của khái niệm "mọi người" có bao gồm người nước ngoài cư trú ở Việt Nam hay không. Cho rằng cụm từ "vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp" tại Điều 33 là không chính xác về mặt pháp lý, ông đề nghị bỏ cụm từ "và tài sản khác", đồng thời yêu cầu bổ sung quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước bảo hộ tại điều này.

Bên cạnh các điều khoản quy định trực tiếp về bảo hộ quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức, nhiều chuyên gia lập pháp cho rằng Dự thảo cũng đã có hàng loạt các điều khoản quy định gián tiếp về vấn đề này tại các Điều 15, 16, 17, 84, khoản 2 của Điều 107, khoản 7 của Điều 108, khoản 3 của Điều 112. Hầu hết các ý kiến đánh giá, về cơ bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thỏa mãn được yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước. Mặc dù vậy, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét nhằm hoàn thiện hơn nữa những quy định này để Hiến pháp thực sự là phương tiện bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.