Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui sao… nước mắt lại trào

Hoàng Thu Vân| 30/04/2013 07:52

(HNM) - Vậy là chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm. Ba chuyến


Người dân Sài Gòn mừng chiến thắng thống nhất đất nước. (Ảnh tư liệu)



Có lẽ trên trái đất này rất ít quốc gia có nhiều nghĩa trang liệt sĩ như Việt Nam. Là vùng đất chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, riêng tỉnh Quảng Trị đã có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang cấp quốc gia. Với diện tích 140.000m2, nằm trên 3 quả đồi ở vùng thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới cắt chia hai miền Bắc - Nam thời kháng chiến chống Mỹ, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn anh hùng liệt sĩ. Địa phương này còn có hai nghĩa trang không bia mộ là Thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn. Lê Bá Dương đã viết: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Đã có biết bao lớp người ngã xuống để đất nước có ngày hôm nay. Vì vậy những cựu chiến binh tôi đã gặp đều cho rằng, mình đã may mắn hơn nhiều đồng đội vì được sống và chứng kiến niềm tin son sắt vào ngày đất nước hòa bình độc lập đã trở thành hiện thực. Ông Nguyễn Xuân Thơm, Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống tàu “không số” khu vực TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận kể: “Không phải vì chiến tranh đã lùi xa nên giờ nói sao biết vậy, nhưng quả thật bọn tớ thấy giờ phút sinh tử ấy sao mà gấp gáp và bình thản. Gấp gáp vì thời gian hối thúc, bình thản vì không ai có thời giờ nghĩ đến cái chết, dù rằng mỗi lần anh em lên đường đều được làm lễ truy điệu…”. Họ đã bước vào cuộc chiến đấu sống còn với quân thù như vậy. Là một trong 42 thành viên của Đội nữ du kích Củ Chi anh hùng, bà Lê Thị Sương (tức Năm Sương) ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) kể: “Ở đây, ngày chiến tranh, lứa tuổi tui người đi bộ đội, người vào du kích, biết nhau cả”. Ngày ấy, mười tám tuổi, bà Năm Sương đã làm Chính trị viên của “đội quân tóc dài”, vậy mà trong công sự còn phải lấy gậy tầm vông ngáng ngang chiến hào để đứng lên ngắm bắn quân thù. Cho đến ngày Chiến thắng, 24 người trong đội đã nằm xuống mảnh đất này, trong đó có Anh hùng LLVTND, đội trưởng Nguyễn Thị Nê tức Bảy Nê, người mà năm 1967 đã vinh dự được viết thư báo cáo thành tích với Bác Hồ. Hy sinh khi mới tròn 22 tuổi, Bảy Nê đã từng chiến đấu và chỉ huy chiến đấu hơn 100 trận, diệt gần 500 tên địch, phá hủy 70 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 15 máy bay… Bà Năm Sương kể: Sau này chúng tôi lấy ngày hy sinh của chị Bảy Nê (tháng Mười âm lịch) làm ngày giỗ chung cho 24 người trong đội và cũng là dịp để họp mặt những người còn sống…

38 năm đã trôi qua mà trong lòng người, trong từng gia đình vẫn còn những nỗi đau chưa nguôi ngoai. Có những mất mát không gì bù đắp nổi. Bao nhiêu năm rồi, nằm giữa ba huyện Sa Thầy, Đăk Tô và Ngọc Hồi, thuộc tỉnh Kon Tum, dãy đồi Sạc Ly vẫn trơ đất đá, cây cối không thể mọc được. Ngày chiến tranh, nơi đây phải hứng chịu không biết bao nhiêu đợt rải chất diệt cỏ của quân đội Mỹ nhằm tạo ra “vành đai trắng” bảo vệ cho sân bay Phượng Hoàng và căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh được lập nên để chia cắt chiến trường Tây Nguyên và hậu phương miền Bắc. Nhưng đó cũng là địa điểm đầu tiên trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, xe tăng của ta xuất kích, tiêu diệt và làm tan rã 31 tiểu đoàn ngụy. Chiến tranh đã lùi xa nhưng có những vết thương vẫn dai dẳng bám theo thời gian. Dòng Đăk Xie uốn lượn quanh dãy đồi Sạc Ly trùng điệp là nơi cung cấp nước cho vùng Sa Nghĩa của huyện Sa Thầy. Bên dòng suối ấy đã có hàng trăm bé thơ cất tiếng khóc chào đời trong hình hài không trọn vẹn mà cặp song sinh Việt - Đức chỉ là một ví dụ…

Còn bà Năm Sương day dứt, nghẹn ngào: “Xót xa lắm khi nhiều đồng đội của tôi đến giờ vẫn không thể tìm được hài cốt. Rồi có người quá lứa nhỡ thì, về già trong cảnh độc thân. Lại có những người âm thầm gánh chịu hậu quả của chất độc da cam/dioxin”. Ông Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác cho biết: “Những ngày này tôi vẫn nhận được điện từ thân nhân của đồng đội hỏi về việc đi tìm hài cốt. Gần 4.000 ngày bám trụ ở Chiến khu Rừng Sác, hơn 800 chiến sĩ đặc công đã anh dũng hy sinh, trong đó hơn 500 người vẫn chưa tìm thấy phần mộ…”.

Người dân Sài Gòn chào đón bộ đội giải phóng trong ngày 30-4-1975 (ảnh tư liệu)


Và không chỉ là như vậy. Ngày ở Kon Tum, tôi lần mò mãi để tìm đến nhà Đại úy A Ngớ, nguyên Thị đội phó Kon Tum, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 304 bộ đội địa phương từng là nỗi kinh hoàng đối với các sư đoàn 22, 23 và các trung đoàn 42, 47 của ngụy quân Sài Gòn. Con người nổi tiếng gan dạ, táo bạo năm xưa, báng súng AK không còn chỗ khắc dấu số lính đã tiêu diệt để đề xuất tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, giờ đây trông hiền khô khi đang bận rộn cùng cánh thợ lợp lại ngôi nhà. Đường Hồ Chí Minh đoạn nối vào TP Kon Tum được mở rộng, nhà của ông phải lùi vào phía sau, chỉ còn chưa đầy 20m2. Ông bảo đang lo chưa biết lấy tiền đâu để xây nhà, con cái công việc cũng chưa đâu với đâu. “Lấy vợ muộn nó khổ thế đấy vì hồi trẻ mình còn bận chuyện… oánh nhau” - Nghe ông xuề xòa vậy mà buồn. Giữa hùng binh trận mạc và đối diện với cuộc sống đời thường không biết phần nào hơn, phần nào kém và nhiều khi con người không có sự lựa chọn. Ông Nguyễn Xuân Lan (xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) nguyên là lính của Trung đoàn pháo binh 675 - đơn vị chủ lực tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột, vì hoàn cảnh gia đình, sau Chiến thắng 30-4 xin giải ngũ, về nhà khai hoang, trồng gần 1 héc ta cà phê. Nhưng thời điểm đó đất nước chưa bước vào giai đoạn đổi mới, vậy là phải làm lại từ đầu. Thôi thì đủ nghề, từ chạy xe thồ, nấu rượu, nuôi lợn… để lo cho 4 đứa con ăn học. Giờ ông bảo, mình nhàn về “hậu vận”, con cái đều đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Lại có cựu chiến binh từng là thuyền trưởng tàu “không số” năm xưa ở bến Thạch Phú (Bình Đại, Bến Tre) nay vẫn chiều chiều bưng lạc, ngô đi bán dạo ở các quán nhậu trong ấp. Hay có người lận đận chuyện chế độ chính sách, chỉ mong một tấm giấy ưu tiên để khám bệnh những lúc trái gió, trở trời…

38 năm trôi qua, những mất mát, đau thương đầy bi hùng của một thời không phải ai cũng muốn nhắc lại. Nhưng những lớp người sau này như chúng tôi cần phải biết để nâng niu, quý trọng, giữ gìn. Có đi mới thấy còn quá nhiều việc phải làm để chạy đua với vòng quay của thời gian. Đêm mưa, không điện ở xã biên giới Đăk Buk So (Đăk Lăk), dò dẫm tới nhà các cựu chiến binh để lần tìm dấu tích Trạm hậu cần Bu Prăng - cụm kho dự trữ chiến lược cho mặt trận B2 của Bộ đội Trường Sơn, nhân chứng thì có nhưng tất cả chỉ… mang máng chuyện xưa. Hay như nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh ở khu vực Căm Xe thuộc huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Do phân chia lại địa giới hành chính, những người có trách nhiệm ở đây để ý nhiều tới việc địa điểm này thuộc xã Minh Thạnh hay Minh Tân hơn là quan tâm tới thái độ ứng xử đối với một di tích lịch sử…

Cần nhớ rằng, mỗi địa danh trên mảnh đất hình chữ S của chúng ta đã thấm đượm máu xương của biết bao nhiêu người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngày Chiến thắng đâu giấu nổi những giọt nước mắt. Và phía trước là cuộc chiến dù không tiếng súng nhưng không vì thế mà kém phần quyết liệt - Cuộc chiến chống đói nghèo, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát khao, hy vọng của những lớp người đi trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui sao… nước mắt lại trào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.