Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần giải pháp đột phá

Bách Sen| 04/05/2013 06:30

(HNM) - Thời điểm này đang diễn ra hoạt động tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Qua tiếp xúc cử tri, bằng sự am hiểu của mình, các ĐBQH còn tuyên truyền, giải thích cho người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách pháp luật của nhà nước. Với những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chưa làm sáng tỏ tại kỳ tiếp xúc trước, đại biểu cũng phải báo cáo cho cử tri rõ.

Thế nhưng, tại rất nhiều cuộc tiếp xúc, bà con phản ánh, có những vấn đề dân sinh đã được kiến nghị đi kiến nghị lại ở cuộc tiếp xúc trước, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Lại có những thắc mắc của cử tri đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý, nhưng vì chưa thỏa mãn yêu cầu nên họ lại tiếp tục kiến nghị. Trong khi đó, nếu là đại biểu có chức vụ trong các cơ quan hành chính, hành pháp có thể chỉ đạo giải quyết ngay bức xúc của cử tri. Các đại biểu khác thì ghi nhận, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, chuyển cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, kết quả xử lý nhanh hay chậm lại thuộc trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận.

Để khắc phục bất cập này, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có cách làm khá sáng tạo. Qua khảo sát thấy, đa phần khó khăn, bức xúc của người dân nêu đều liên quan đến địa phương. Nếu có lãnh đạo quận, huyện cùng tham gia, giải thích mới có thể trả lời tường tận những vấn đề vướng mắc ngay tại cơ sở. Do đó, ngay trước kỳ tiếp xúc cử tri khoảng 10 ngày, lãnh đạo Đoàn ĐBQH TP đã có công văn đề nghị thường trực HĐND, UBND TP, lãnh đạo các quận, huyện cùng tham gia. Khi kiến nghị, thắc mắc của người dân được các ĐBQH tổng hợp, cùng chính quyền cơ sở giải quyết thấu đáo, cử tri vừa giải tỏa được bức xúc, vừa hài lòng về đại biểu của mình.

Cách làm của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội là giải pháp hay nhưng chưa đủ. Về lâu dài, rất cần có chế tài để ĐBQH có thể trực tiếp thanh tra, kiểm tra, phúc tra, giám sát các quyết định hành chính của các cấp có thẩm quyền về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân để xem xét tính hợp pháp của các quyết định này. Bên cạnh đó cần chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị nếu để kéo dài quá thời gian quy định phải giải quyết khiếu nại tố cáo. Quy trình tiếp xúc, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri cả ở cấp trung ương và địa phương cần rút ngắn thay vì một năm 4 lần tiếp xúc cử tri như hiện nay mới có điều kiện thông báo, giải quyết gấp những vấn đề thời sự người dân phản ánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.