Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảm xúc Trường Sa

PGS-TS Nguyễn Văn Kim| 04/05/2013 07:26

(HNM) - Cuối tháng 4, tàu HQ 561 của Bộ Tư lệnh Hải quân đưa đoàn công tác của ngành giáo dục tới thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).


Trên hành trình, nhiều đêm biển rung, tàu lắc, các thành viên trong đoàn đã không ngủ để thức cùng Trường Sa. Trong điệp trùng của sóng vỗ đại dương, tôi cứ miên man nghĩ suy về hành trình lịch sử dân tộc. Các thế hệ cha ông đã mở mang bờ cõi, khẳng định chủ quyền của dân tộc. Ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của biển đảo, trong những ngày mà cả dân tộc dồn sức cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, lực lượng Hải quân đã bí mật, bất ngờ, dũng mãnh tiến ra giải phóng Trường Sa. Đại thắng mùa Xuân năm 1975, không chỉ giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà còn tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Diễu binh trong lễ mít tinh kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa.
Ảnh: Thành Chung



Sau giải phóng, Việt Nam đã nỗ lực phát triển kinh tế biển, lập các đội tàu đánh bắt xa bờ, phát triển công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, tổ chức các dịch vụ trên biển, phát triển du lịch biển… Làm chủ biển khơi, Việt Nam không chỉ có thể khai thác dầu khí (ngành công nghiệp đem lại nguồn thu quan trọng cho đất nước), mà còn mở rộng quan hệ với khu vực và thế giới. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, hiểm nguy có thể diễn ra bất thường ở Biển Đông nhưng thế dân tộc đang lên, Việt Nam đã thoát nghèo để tự tin hội nhập với thế giới. Trong tầm nhìn lâu dài, chúng ta đã từng bước làm chủ các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến để thăm dò, khai thác, phát triển kinh tế biển. Khoa học - công nghệ biển trong đó có công nghệ sinh học biển, phát triển năng lượng biển... đang ngày càng được coi trọng và tương lai, khi những nguồn tài nguyên "truyền thống" không còn dồi dào nữa thì các ngành khoa học, công nghệ mới sẽ trở thành triển vọng phát triển của Việt Nam và nhiều quốc gia thế giới.

Cần một chiến lược biển đúng đắn

Ra Trường Sa, mỗi thành viên trong đoàn công tác đều cố gắng ghi lại hình ảnh, ghi vào ký ức vẻ đẹp tự nhiên, sức hấp dẫn kỳ lạ của các dải san hô, hệ thực vật, thủy sinh phong phú. Nhiều ý kiến được tỏ bày, kỳ vọng về sự phát triển bằng việc tăng cường hợp tác quốc tế để thực thi một chiến lược biển đúng đắn. Biển cả và đại dương cần những người hiểu và hòa đồng với nó. Khai thác tự nhiên nhưng vẫn phải lường tính đến khả năng tái tạo, giữ sự cân bằng của thế giới tự nhiên. Các thế hệ người Việt đã sống dựa vào tự nhiên và thực tế tự nhiên đã nâng đỡ cuộc sống của con người. Đó là kinh nghiệm, tri thức truyền đời mà cha ông ta để lại, đồng thời cũng là triết lý sống, triết lý phát triển giàu tính nhân văn hiện nay của cộng đồng quốc tế.

Đến với Trường Sa, tôi lại nhớ đến những ghi chép quý giá của nhà bác học Lê Quý Đôn vào thế kỷ XVIII. Trong tác phẩm "Phủ biên tạp lục", tác giả cho biết, từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Chu… đã tổ chức đội Hoàng Sa, Bắc Hải và cử đi khai thác sản vật tự nhiên, thu lượm hóa vật trên các tàu, thuyền buôn qua lại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Theo các thương nhân, thủy thủ phương Tây thì tuyến biển đại dương ở vùng Hoàng Sa, Trường Sa tuy có những thuận lợi trong việc neo đậu tàu, tránh bão nhưng cũng ẩn chứa nhiều hiểm nguy đặc biệt là diễn biến khó lường của những vùng xoáy, các dòng hải lưu và sự ẩn hiện của các bãi san hô ngầm. Những phát hiện gần đây ở Cù Lao Chàm, ở vùng biển Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cà Mau… đã và đang thôi thúc chúng ta cần phải sớm phát triển các ngành khoa học nghiên cứu về biển trong đó có: Hải sử, Khoa học quản lý biển, Khảo cổ học dưới biển, Nghiên cứu địa chất, môi sinh… Trên hết, cần xây dựng một viện nghiên cứu biển quốc gia theo hướng tiếp cận liên ngành nhằm gắn kết giữa đào tạo chuyên gia với nghiên cứu, tập trung khảo cứu những vấn đề cơ bản, đề xuất chính sách, giải pháp cho việc giải quyết những vấn đề lớn của đại dương cũng như cho tương lai phát triển của đất nước một cách khách quan, toàn diện. Việc hiện thực hóa chiến lược biển bằng các chính sách cụ thể là yêu cầu bức thiết đã và đang đặt ra đối với các cấp, cơ quan quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam hiện nay.

Sức mạnh của Trường Sa hôm nay không chỉ khẳng định sự quan tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; của cách thức tổ chức, hiệp đồng sẵn sàng chiến đấu; của tri thức và công nghệ, vũ khí hiện đại mà còn có trách nhiệm cao cả và tình cảm thiêng liêng của các cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng Hải quân anh hùng. Trách nhiệm và tình cảm ấy đã tôi rèn niềm tin sắt đá, là bức trường thành vững chắc được tạo dựng ở Biển Đông bởi những người canh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảm xúc Trường Sa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.