Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng mãi hình ảnh “Chiến sỹ Điện Biên”

Nguyên Hoa| 07/05/2013 06:01

(HNM) - Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (7-5-1954) trôi qua đã 59 năm nhưng ký ức về một thời



Những địa danh thân thuộc như Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam... với những người lính ấy không chỉ gợi nhớ về miền Tây Bắc tươi đẹp mà còn ẩn chứa bao kỷ niệm gian khó mà anh dũng. Giờ đây, khi đất nước đã hòa bình, ký ức ấy lại là bài học sống động, có ý nghĩa sâu sắc để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay…

Anh hùng LLVTND Phùng Văn Khầu và bản đồ chiến đấu trong chiến dịch ĐBP. Ảnh: Quốc Bảo


Anh hùng LLVTND Phùng Văn Khầu năm nay đã ngoài 80 tuổi, sống khiêm nhường cùng vợ và con cháu trong con phố nhỏ của phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội). Trong căn nhà nhỏ, một chiều nắng nhẹ, tôi đã được trở về những ngày tháng cách đây 59 năm khi cả nước hướng về Tây Bắc, về những chiến công của chàng trai quê Trùng Khánh (Cao Bằng) - Phùng Văn Khầu. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông vinh dự được gặp Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc, được quân đội cử đi dự Liên hoan Thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 5 tại Warszawa (thủ đô Ba Lan), được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, rồi tiếp tục tham gia nhiều trận chiến ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước... Nghỉ hưu, ông nổi tiếng trong chống tham nhũng, chống tiêu cực tại địa phương. Nhiều năm liền ông nhiệt tình tham gia công tác xã hội tại phường Sơn Lộc và là thành viên tích cực trong tổ giáo dục truyền thống của phường. Kỷ niệm 59 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, Đại tá, Anh hùng LLVTND Phùng Văn Khầu lại được lãnh đạo phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) mời về nói chuyện truyền thống cho học sinh và thanh niên của phường. Dù rằng đây không phải là lần đầu tiên ông nói chuyện chiến tranh, nói về chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng Anh hùng LLVTND Phùng Văn Khầu vẫn dành nhiều thời gian chuẩn bị kỹ tư liệu minh họa, lục lại trí nhớ về kỷ niệm của một thời hào hùng, sắp xếp lại thành hệ thống để giúp cho con cháu có cái nhìn chân thực và đầy đủ hơn về cuộc chiến tranh chống Pháp của ông cha cách đây hơn nửa thế kỷ…

Trong số các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa hiện đang sinh sống trên địa bàn thị xã Sơn Tây, có không ít người đi tiếp trên con đường trường chinh giành độc lập cho Tổ quốc, tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Bắc - Nam liền một dải. Cũng có nhiều người chuyển sang làm công việc khác. Nhưng đến khi trở về địa phương, hầu như chưa ai gác hẳn trách nhiệm để vui thú điền viên. Những công việc tại địa phương như giúp nhau làm kinh tế, hay đơn giản là nêu gương sáng về đối nhân, xử thế, dạy bảo con cháu, chung sức xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... là điều các cụ đặc biệt lưu tâm dù đã ở tuổi xế chiều. Điều đó thể hiện đầy đủ ở Đại tá Nguyễn Trọng Trình. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông lập được nhiều chiến công nên ngay sau trận đánh ông được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, được cử đi học sỹ quan và phục vụ lâu dài trong quân đội. Trước khi nghỉ hưu, ông là Phó Hiệu trưởng phụ trách chính trị Trường Sỹ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Đã từng đi qua chiến tranh nên dù tuổi cao, ông vẫn thường xuyên được mời đi nói chuyện cho sinh viên Học viện Biên phòng và học viên, CBCS của các đơn vị, trường học quân đội đóng quân trên địa bàn thị xã. Ngoài ra, ông còn tham gia Hội Khuyến học của phường Sơn Lộc…

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Sơn Tây Vũ Văn Đồng cho biết: Trên địa bàn hiện có gần 100 cựu chiến binh là những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Phát huy lợi thế là địa phương có nhiều nhân chứng sống nên hơn 10 năm nay, 15/15 xã, phường trên địa bàn thị xã đã thành lập được các tổ giáo dục truyền thống, mỗi tổ có từ 3 đến 4 cựu chiến binh là "chiến sỹ Điện Biên" năm xưa để đi nói chuyện truyền thống tại các địa phương, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam 30-4, Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12… Nhờ việc thành lập và duy trì hoạt động đều đặn của các tổ tuyên truyền giáo dục truyền thống này mà các thế hệ học sinh, CBCS của các đơn vị quân đội, các trường học đóng quân ở thị xã được giáo dục lòng yêu nước thông qua những câu chuyện của các CCB. Sau hơn 10 năm thường xuyên tham gia tuyên truyền lịch sử, những cái tên như: Phùng Văn Khầu, Nguyễn Trọng Trình, Lê Xuân Đạo, Nguyễn Trọng Doanh, Nguyễn Chương, Hồ Điệp… đã trở nên thân thiết hơn trong lòng nhân dân và nhiều thế hệ học sinh của thị xã Sơn Tây.

Các "chiến sỹ Điện Biên" năm xưa dù đều đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn đang bền bỉ góp phần giáo dục lòng yêu nước cho nhiều người dân vùng đất xứ Đoài với một tâm nguyện từ ngày đầu vào quân ngũ: mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, nêu gương sáng "tuổi cao, chí càng cao" cho con cháu noi theo...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng mãi hình ảnh “Chiến sỹ Điện Biên”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.