Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể “khoác áo” dân chủ để kích động, gây rối

Trí Dũng| 16/05/2013 06:11

(HNM) - Thời gian gần đây, lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến của toàn dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều nhóm người tự xưng danh những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền đã đưa ra những luận điệu phản động, xuyên tạc sự thật, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; thiết lập chế độ tam quyền phân lập, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai…

Nhiều tài liệu phản động được những nhóm người này phát tán qua blog và một số trang mạng xã hội đã, đang làm "ô nhiễm" đời sống xã hội. Chúng tôi cho rằng, đây là những thủ đoạn kích động hết sức nguy hiểm nằm trong âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Đằng sau những luận điệu ngụy tạo, đánh tráo khái niệm của các nhóm người tự cho mình là nhà dân chủ, đấu tranh đòi nhân quyền thực chất là gì? Có thể nói trắng ra rằng, điều mà những người này muốn chính là xoay chuyển, sắp đặt lại thể chế chính trị hiện hành theo một khuôn mẫu có lợi cho chính bản thân họ. Và thực tế cho thấy hành động của những con người tự nhận là "công dân tự do" ấy không xuất phát từ tinh thần dân chủ, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ mà chỉ để thỏa mãn những mục tiêu cá nhân, thậm chí chỉ để đánh bóng tên tuổi.

Nói tới dân chủ, trước hết cần đề cập đến những khái niệm cơ bản nhất. Dân chủ là gì? Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng người Hy Lạp cổ là chủ nhân sáng tạo nền dân chủ và các thiết chế dân chủ xét từ cả phương diện lý luận và thực tiễn. Song căn cứ vào chế độ chính trị, các giá trị văn hóa, truyền thống, tính cách dân tộc, định hướng phát triển... của từng quốc gia, sẽ có cách tiếp cận và những định nghĩa khác nhau về dân chủ. Tựu trung, xét về bản chất, dân chủ là quyền tự do cá nhân, là sự tôn trọng từng cá nhân con người như một thành viên bình đẳng trong xã hội, được lắng nghe và được thể hiện quan điểm, là quyền được tham gia các hoạt động của đời sống chính trị, xã hội của đất nước, tham gia quản lý xã hội và xây dựng các quyết sách thông qua các cơ chế khác nhau trên cơ sở đồng thuận xã hội. Dân chủ là "môi trường", là động lực cho sự năng động, tính tự chủ và tinh thần sáng tạo của từng cá nhân trong cộng đồng... Vậy, có thể thấy rằng, dân chủ là một giá trị phổ biến, có tính toàn cầu nhưng dân chủ và quyền con người còn là một giá trị lịch sử, gắn với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam có đặc điểm riêng về lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển nên đương nhiên có quan niệm và tiêu chí về dân chủ, nhân quyền của riêng mình. Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ được diễn đạt qua hai mệnh đề: "dân là chủ" và "dân làm chủ". Dân là chủ nói đến vị thế của nhân dân. Dân làm chủ đề cập đến năng lực và trách nhiệm của nhân dân. Hai mệnh đề này thể hiện vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của nhân dân. Người nói: "Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là Nhà nước do nhân dân làm chủ"; "Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ"; "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ". Dân chủ thể hiện ở việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong việc xây dựng nền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội; xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân; xây dựng mặt trận với vai trò liên minh chính trị tự nguyện của tất cả các tổ chức chính trị xã hội vì mục tiêu chung là sự phát triển của đất nước; xây dựng các tổ chức chính trị xã hội rộng rãi khác của nhân dân... Đảng là hạt nhân chính trị của toàn xã hội, là nhân tố tiên quyết để bảo đảm tính dân chủ của xã hội. Thực hành dân chủ rộng rãi theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tế trong tiến trình cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội... Đấy chính là những thành tựu dân chủ, nhân quyền cơ bản nhất mà nhân dân Việt Nam đã giành được. Không ai có thể phủ nhận điều đó. Nhưng cũng có một thực tế là, một thời gian dài đất nước rơi vào hoàn cảnh chiến tranh, cộng với việc áp dụng một cách máy móc mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của một số nước XHCN khác đã tạo ra một xã hội trì trệ, chậm phát triển, một bộ máy hành chính cồng kềnh, quan liêu, xa rời nhân dân. Tình trạng mất dân chủ, dân chủ hình thức, vi phạm dân chủ đã xảy ra, địa vị làm chủ của người dân chưa được quan tâm đúng mức... Tuy nhiên, với đường lối đổi mới được thực hiện từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Việt Nam đã từng bước dân chủ hóa mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đây là một cuộc cách mạng sâu rộng trong toàn xã hội để thực hiện các mục tiêu dân chủ và hiện thực hóa các giá trị dân chủ vào cuộc sống.

Dân chủ chính là điều kiện trực tiếp mang lại tự do cho con người. Việt Nam đang thực hiện tiến trình dân chủ hóa với mục tiêu con người được phát triển toàn diện và thực sự làm chủ xã hội. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều quyết sách bảo đảm thực thi các giá trị dân chủ, các quyền dân chủ tiến bộ vào cuộc sống, làm cho nó trở thành hiện thực trực tiếp và phổ biến trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2001), Đảng ta đã tiếp tục khẳng định: Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm... Xây dựng đất nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" là ý chí của Đảng cũng là nguyện vọng của nhân dân ta. Đảng, Nhà nước và đại đa số người dân Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để khát vọng lớn lao ấy trở thành hiện thực. Dân chủ hóa là một tiến trình, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về dân chủ, nhân quyền và cũng xác định rõ ràng rằng phía trước còn nhiều việc phải làm để dân chủ thực sự là động lực phát triển.

Một vấn đề nữa, nhìn từ thực tế các cuộc "cách mạng dân chủ" theo kiểu mẫu của phương Tây đã và đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, chúng ta có thể nhận thấy rằng sau những chiếc "bánh vẽ" đầy màu sắc của "cách mạng nhung", "cách mạng cam", "cách mạng hoa nhài"... tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nhiều quốc gia, nơi đã xảy ra các cuộc cách mạng ấy vẫn còn nhiều bất ổn. Suy thoái, xung đột quyền lực, sắc tộc, đảng phái vẫn chưa được giải quyết và cuộc sống của những người xuống đường theo sự mời gọi hấp dẫn của những "sắc màu" ngày càng trở nên khó khăn hơn. Dân chủ với nghèo đói và bất ổn là những khái niệm không thể tương hợp, dân chủ không thể đến với những nơi mà đói nghèo, bất ổn đang ngự trị. Trên thực tế, những cuộc bạo loạn, lật đổ mang tên "cách mạng sắc màu" ấy không phải là những cuộc cách mạng mà chỉ là những cuộc lật đổ để thay chính quyền hiện hữu bằng một chính quyền thân phương Tây hơn mà thôi. Những cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cái giá phải trả cho "bánh vẽ dân chủ" tiếp tục đeo bám người dân và để lại hệ lụy thế nào cho đời sống xã hội thì câu trả lời đã quá rõ.

Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi cho rằng "Tuyên bố của công dân tự do" hay "nhóm kiến nghị 72" và những kẻ đang rêu rao dân chủ, nhân quyền thực chất là họ đang đánh tráo khái niệm dân chủ và ngụy tạo dân chủ. Đây là hành động "tự diễn biến" gây tác động tiêu cực trong đời sống xã hội. Những người "khoác áo" dân chủ này không lẽ không biết các thế lực thù địch đang đẩy mạnh các hoạt động phá hoại với những chiêu bài thâm độc của "diễn biến hòa bình" nhằm chống phá tiến trình phát triển của dân tộc? Họ biết rất rõ điều đó! Chúng tôi nghĩ rằng họ hiểu hơn ai hết dân chủ thật sự là gì, tiến trình dân chủ hóa gắn với việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam đang được thực hiện ra sao. Và chắc chắn họ cũng hiểu rằng sự bất ổn xã hội sẽ gây ra những hệ lụy đau đớn thế nào với một quốc gia, một dân tộc. Vậy vì sao họ lại nhân danh dân chủ để đưa ra những luận điệu sai trái, kích động nhân dân? Câu trả lời đã quá rõ và có lẽ không phải bàn thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể “khoác áo” dân chủ để kích động, gây rối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.