Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

Hà Phong| 18/05/2013 05:52

(HNM) - Ngày 17-5, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã đồng chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.


Các đại biểu đã nghe tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô đầu năm 2013 đến nay; kiến nghị của UBND TP, cử tri với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành TƯ; công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô; việc lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Bốn tháng đầu năm 2013, kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng, lạm phát thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản phẩm quý I tăng 7,5%, trong đó, dịch vụ tăng 7,9%, công nghiệp xây dựng tăng 7,3%. Tuy nhiên, thu ngân sách mới đạt gần 43 nghìn tỷ đồng, bằng 26,6% dự toán. Đã có 2.271 doanh nghiệp ngừng hoạt động, trong đó 70 đơn vị giải thể, 1.305 công ty tạm ngừng kinh doanh… Để giải quyết tình trạng này, từ nay đến cuối năm, UBND TP sẽ thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hà Nội cũng đề xuất Quốc hội sớm ban hành Luật Đầu tư, phân định rõ ranh giới giữa đầu tư công và đầu tư xã hội, làm cơ sở để TP huy động các nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, Quốc hội cần tập trung sửa đổi một số nội dung về phân cấp, ủy quyền trong đầu tư xây dựng theo hướng phù hợp với khả năng quản lý, cân đối ngân sách địa phương.

Về công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô, hiện UBND TP đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng 14 dự thảo văn bản liên quan, gồm 12 nghị qưyết của HĐND TP, 2 quyết định của UBND TP và đăng tải công khai trên Cổng giao tiếp điện tử của UBND TP, gửi tới Thường trực Ủy ban MTTQ TP để các đại biểu QH và nhân dân giám sát, phản biện. Liên quan đến việc lấy ý kiến nhân dân Thủ đô về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đã có hàng nghìn ý kiến tâm huyết gửi UBND TP. Các đề xuất đều đồng tình với các nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời đề nghị làm rõ hơn hiệu lực của Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân...

Kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá cao những thông tin, đề xuất của UBND TP, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội và các ngành chức năng. Đoàn ĐBQH TP Hà Nội sẽ tiếp nhận đầy đủ, phân loại các kiến nghị để chuyển đến Quốc hội (QH), Chính phủ, các bộ, ngành TƯ. Với những vấn đề cử tri nêu, trong thẩm quyền xử lý của cấp quận, huyện, TP đã và đang được giải quyết tích cực như: Việc xử lý các công trình xây dựng không đúng quy hoạch; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn... Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng nhất trí với đánh giá và những giải pháp của UBND TP nhằm nâng cao đời sống người nông dân và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về vấn đề bảo tồn đàn Xã Tắc, làng cổ Đường Lâm hiện có nhiều ý kiến khác nhau, Bí thư Thành ủy đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tiếp thu, thảo luận cùng các cá nhân, tổ chức liên quan, từ đó có cơ sở giải quyết hài hòa giữa hai nội dung bảo tồn và phát triển.

*Chiều cùng ngày, Văn phòng QH đã họp báo, công bố chương trình và nội dung kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 20-5, bế mạc ngày 22-6-2013. Trong khoảng một tháng, QH sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, có việc lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh chủ chốt do QH bầu và phê chuẩn; giám sát tối cao việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012; đánh giá việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Dự kiến, QH sẽ thông qua 10 dự án luật liên quan chặt chẽ đến công tác dân sinh như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật Doanh nghiệp; Luật Đất đai. QH cũng sẽ cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật khác. Ủy ban Thường vụ QH cũng đã đề nghị Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng… gửi đến ĐBQH. Để thông tin kịp thời đến cử tri, QH dự kiến mở rộng việc truyền hình, phát thanh trực tiếp đối với một số phiên thảo luận về một số dự án luật quan trọng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, đây là chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm thực hiện quyền giám sát tối cao của QH. Trường hợp 2/3 số ĐBQH không tín nhiệm sẽ phải từ chức. Với 2 vị trí được trình ra để QH tiến hành miễn nhiệm và phê chuẩn, bầu mới là Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ không lấy phiếu tín nhiệm vì vừa nhận nhiệm vụ mới, không đủ thời gian công tác là 2 năm theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.