Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết toán ngân sách phải góp phần phòng, chống tham nhũng

H.Vân| 25/05/2013 11:41

(HNMO) – Sáng 25/5, thảo luận tại hội trưởng về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011, các đại biểu đã


Theo đánh giá chung của các đại biểu, về cơ bản, công tác hạch toán, kế toán, quyết toán NSNN năm 2011 của các bộ, ngành và địa phương được thực hiện tốt hơn các năm trước đây, đã thực hiện khoá sổ, lập báo cáo quyết toán bảo đảm theo quy định của Luật NSNN; số liệu quyết toán NSNN năm 2011 đã được các bộ, ngành, địa phương đối chiếu, bảo đảm khớp đúng và có xác nhận của Kho bạc Nhà nước. Báo cáo quyết toán NSNN của các bộ, ngành ở Trung ương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đã được Bộ Tài chính, cơ quan tài chính địa phương thẩm định, riêng báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn theo luật định.

Tuy nhiên, một số địa phương, bộ ngành hạch toán thu, chi chưa đúng chế độ; lập và gửi báo cáo quyết toán không kịp thời; việc thẩm định báo cáo quyết toán còn chậm so với thời gian quy định, chất lượng thẩm định quyết toán NSNN chưa cao, chấp hành NSNN còn nhiều sai phạm đã được các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra phát hiện và kiến nghị xử lý, khắc phục.

Những hạn chế trên được đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) bóc tách là do kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý sử dụng ngân sách chưa nghiêm minh, dẫn đến thất thoát ngày càng tăng đặc biệt là trong xây dựng cơ bản và tình trạng đầu tư dàn trải chưa được khắc phục.

“Quốc hội cần xem xét kỹ, Chính phủ cần xác định địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những ai làm thất thoát nguồn lực quốc gia. Báo cáo quyết toán cần phân tích, chỉ rõ trách nhiệm những cơ quan, tổ chức sử dụng không hiệu quả ngân sách”, đại biểu Dung nói.



Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) hoan nghênh việc thu ngân sách năm 2011 vượt dự toán rất lớn, nhưng cũng băn khoăn vì con số này cho thấy, việc tăng thu chủ yếu dựa vào tăng giá (CPI tăng trên 18%). Nếu loại trừ yếu tố giá thì số thu sẽ tương đối sát với dự toán.

Về chi ngân sách năm 2011, đại biểu Thụ nhấn mạnh tới việc chi chuyển nguồn còn lớn, tăng 23,9% và tăng 24.900 tỷ so với năm 2010. Theo ông, việc gần 1/4 ngân sách phải chuyển nguồn qua năm sau là vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Dưới góc nhìn về vai trò của Quốc hội trong quyết toán ngân sách, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, công tác quyết toán nên đóng góp nhiều hơn nữa vào công tác phòng chống tham nhũng. Theo ông, những hạn chế trong thu-chi ngân sách của Chính phủ như không đúng thời gian, không phân bổ hết vốn được giao, không đủ thủ tục, không đúng cơ cấu chương trình được duyệt, không đúng đối tượng mục tiêu, không sát thực tế, một số địa phương... chính là mảnh đất tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực phát triển.

“Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên xem xét để phiên thảo luận về ngân sách được truyền hình trực tiếp để người dân giám sát, bởi ngân sách là tiền của dân”, đại biểu Hùng nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng trăn trở về cách làm thế nào để việc xem xét, giám sát và thông qua quyết toán ngân sách hàng năm ngày càng hiệu quả và thực chất.

“Chúng ta thảo luận về số tiền mà chúng ta đã chi tiêu cách đây 1,5 năm. Nhưng chính quyết toán là quan trọng, bởi số liệu về NSNN cuối năm cũng là ước thôi, số liệu đầy đủ nhất chính là ở quyết toán. Tuy nhiên, đây là vấn đề chuyên môn sâu nên khó cho đại biểu thảo luận. Tới đây nghiên cứu làm sao để đổi mới cách làm để đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách chính xác hơn”, đại biểu Phúc đề xuất.

Làm rõ thêm những hạn chế trong thu-chi ngân sách Nhà nước năm 2011, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, năm 2011, có một số khoản chi không đạt dự toán như y tế, giáo dục, khoa học công nghệ và có một số cơ chế chính sách ban hành chậm như phụ cấp cho giáo viên; một số chương trình mục tiêu quốc gia phải tổng kết đánh giá, giao dự toán chậm nên một số khoản chi không đạt dự toán….

Việc chậm chuyển nguồn, theo Phó Thủ tướng, cũng là do chính sách chậm và quy định cũng cho phép chuyển nguồn.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số thu cân đối NSNN năm 2011 là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN). Trong đó, thu theo dự toán Quốc hội giao năm 2011 là 721.804 tỷ đồng, vượt 126.804 tỷ đồng (21,3%), tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ (tăng thu NSNN 7-8% so với dự toán đã được Quốc hội phê duyệt).

Tổng số chi cân đối NSNN theo báo cáo của Chính phủ là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012).

Về bội chi và quản lý nợ công, nhờ tăng thu NSNN nên Chính phủ đã giảm bội chi từ 5,3% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội xuống còn 4,4% (giảm 8.566 tỷ đồng).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết toán ngân sách phải góp phần phòng, chống tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.