Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo sư Vũ Khiêu: Thi đua phải có mục tiêu rõ ràng

Khánh Thu - Linh Nhi - Nguyên Hoa| 10/06/2013 05:58

(HNM) - Ở tuổi 97, GS Vũ Khiêu hằng ngày vẫn làm việc một cách dẻo dai, với cường độ ít người sánh kịp...


65 năm về trước, ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, ông là Giám đốc Thông tin Liên khu 10. Ông nhớ lại: "Năm 1946, đất nước ta đang trong giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Cả nước phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Lời kêu gọi thi đua của Bác đã thổi một luồng gió mới khiến người người hăng hái lao động, tăng gia sản xuất, thi đua dạy và học bình dân học vụ, chiến đấu giết giặc. Ai cũng say sưa rèn luyện, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm tốt để mọi người cùng tiến bộ hơn, cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Thời ấy, chúng tôi luôn đề cao cái chung, quyền lợi của đất nước, dân tộc, cộng đồng luôn được đặt lên trên lợi ích của cá nhân. Vì thế ai cũng nỗ lực thi đua, mỗi người làm việc bằng hai và rất khiêm tốn với thành tích của mình".

Phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền, ông thường xuyên ghi nhớ, phổ biến lời dạy của Người, biên soạn tài liệu cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Ông đã nỗ lực để giúp người dân hiểu rõ rằng: Mỗi người hãy lao động, học tập, công tác, chiến đấu để mỗi cá nhân cùng với đất nước vượt qua khó khăn, xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Trong không khí người người hào hứng thi đua, ông luôn gương mẫu cho đồng nghiệp noi theo. Ông cho rằng, những năm ấy, phong trào thi đua thực chất đã có tác động mạnh mẽ đến từng người dân, từng gia đình, đơn vị, cơ quan… Mỗi người, mỗi đơn vị, doanh nghiệp, trường học… đều tự đặt ra mục tiêu thi đua cụ thể cho từng giai đoạn. Tùy đặc điểm từng đơn vị mà có mục tiêu phấn đấu cụ thể, thiết thực như tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao năng suất, năng lực… Mục tiêu thi đua cũng là lộ trình hoàn thiện, phấn đấu cho các thành tựu ngày một cao hơn ở từng đơn vị. Sau mỗi giai đoạn, công tác tổng kết, rút kinh nghiệm lại giúp cá nhân, tập thể phấn đấu nhiều hơn, hiệu quả hơn cho mục tiêu thi đua mới. Nhờ vậy, phong trào thi đua những năm ấy đã đạt được những kết quả to lớn, liên tục xuất hiện những mô hình hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Sơn:
Không bao giờ dừng bước trước khó khăn

Ông Nguyễn Hữu Sơn là nhân vật được nhiều người trong giới kinh doanh biết đến và ngưỡng mộ bởi những thành quả trong sản xuất kinh doanh, quản lý doanh nghiệp (DN), ổn định đời sống, việc làm cho hàng trăm lao động ngay cả trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài. Ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất, người đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 2012. Rất khiêm tốn và giản dị, ông đi làm bằng xe đạp và luôn có mặt trong xưởng sản xuất để cùng anh em công nhân xử lý những phần việc khó. Là một "cây sáng kiến" của ngành công thương, ông Nguyễn Hữu Sơn có hàng chục đề tài, sáng kiến mang lại giá trị kinh tế cao, trong đó có 9 đề tài được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp Bằng sáng tạo, có sáng kiến làm lợi cho DN trên 1,5 tỷ đồng. Tuy vậy, chưa bao giờ ông ngừng tìm tòi, học hỏi để cho ra đời những ý tưởng kinh doanh mới mẻ và sáng kiến sáng tạo trên nhiều lĩnh vực.


Nói về thành công đạt được, ông Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ: "Tôi luôn lấy các phong trào thi đua yêu nước làm "kim chỉ nam" cho mọi hành động". Mặt khác, ông luôn tự rèn luyện cho mình tinh thần yêu nghề, dám nghĩ dám làm và không bao giờ được dừng bước trước khó khăn. Ông chia sẻ: "Nếu ai đó nói với tôi điều gì đó không thể thành hiện thực, thì tôi lại cho rằng, điều không thể đó không có nghĩa là mãi mãi không thể thực hiện được. Và lòng quyết tâm thông qua những việc làm cụ thể đã giúp tôi vượt lên chính mình, đẩy lùi mọi khó khăn…". Theo ông, thực hiện các phong trào thi đua không có nghĩa là cứ phải làm những việc lớn, mà đơn giản là làm việc gì, dù dễ hay khó cũng tận tâm, trách nhiệm, hết mình thì đó là thực hiện tốt tinh thần thi đua yêu nước; đồng thời phải đầu tàu gương mẫu, động viên, khích lệ tập thể cùng năng động, sáng tạo trong công việc.

Trong giai đoạn ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế vừa qua, với quyết tâm không để DN "chết", ông đã xây dựng bài toán kinh tế rồi tự tìm lời giải, đó là một mặt tiếp tục tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh và thị hiếu của người tiêu dùng, mặt khác dùng chiến thuật lao vào khó khăn để tháo gỡ khó khăn. Ông cho rằng, thời đại kinh tế tri thức, sản phẩm muốn có sức cạnh tranh thì trong đó cần phải có có hàm lượng chất xám cao.

Ông Lê Đức Giáp:
Làm giàu chính đáng và giúp nhiều nông dân thoát nghèo

Là nông dân quanh năm "chân lấm tay bùn" nên với tôi, thực hiện phong trào thi đua theo lời Bác Hồ dạy chính là tìm cách làm giàu chính đáng cho bản thân và giúp nhiều người khác cùng thoát nghèo.


Những năm 1990 trở về trước, người dân xã Cao Viên (Thanh Oai) quê tôi sống bằng nghề làm pháo. Từ khi Nhà nước cấm đốt pháo, tôi cũng như nhiều người dân trong làng mỗi người một hướng, tìm cách làm ăn mới. May mắn và cơ duyên, tôi đã học được nghề trồng cam với mức thu nhập cao gấp 10 lần trồng lúa. Từ thành công của bản thân, tôi cùng các thành viên trong Hội Nông dân thôn Bãi (xã Cao Viên) lập ra các tổ làm vườn để nhân rộng kinh nghiệm trồng cam cho nhiều người cùng làm. Từ các tổ làm vườn đó, nhiều nông dân tỉnh bạn đã tìm đến tôi xin được giúp đỡ về kỹ thuật trồng cam. Thấy ngày càng có nhiều người có nhu cầu học cách trồng cam nhưng lại khó khăn về vốn, tôi đã tự nghiên cứu để nhân cây giống cung cấp cho bà con. Trung bình mỗi năm tôi nhân được vài vạn cây cam cung cấp khắp vùng, với những trường hợp có khó khăn về vốn, tôi hỗ trợ cây giống và cho chịu tiền. Những người có nhu cầu được hướng dẫn kỹ thuật trồng cam, tôi đến tận nơi tận tình chỉ bảo. Được tôi giúp đỡ cả về vốn và kỹ thuật, đã có hàng trăm gia đình từ chỗ hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Tôi luôn nghĩ thi đua là không ngừng sáng tạo và với một nông dân như mình thì phải sáng tạo sao đây? Với suy nghĩ đó tôi đã mạnh dạn nghiên cứu để trồng cam cảnh. Sau hai năm tìm tòi, thử nghiệm, tôi đã thành công trong việc ghép được 5 loại quả (cam, quất, bưởi, bòng, phật thủ) trên một cây cam gốc để phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh trong dịp Tết Nguyên đán của nhân dân. Hai năm trở lại đây, trong mỗi dịp tết cổ truyền, cây cam với 5 loại quả đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho gia đình tôi. Hiện tại, tôi cũng đang truyền kinh nghiệm ghép cam cảnh cho nhiều người cùng làm.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng cam, tôi vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú". Đây là những phần thưởng xứng đáng ghi nhận những nỗ lực của tôi trong phong trào thi đua làm theo lời Bác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư Vũ Khiêu: Thi đua phải có mục tiêu rõ ràng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.