Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần quyết tâm và giải pháp thiết thực

Võ Lâm| 17/06/2013 05:49

(HNM) - Tình hình kinh tế khó khăn hiện nay càng đòi hỏi các cấp ủy Đảng cần đề ra giải pháp thiết thực, cộng với quyết tâm chính trị mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển đảng.

Trong hội thảo về công tác xây dựng Đảng mới đây, PGS-TS Phan Thanh Khôi (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, phát triển đảng viên trong công nhân, người lao động trong giai đoạn hiện nay có 5 ý nghĩa: Thứ nhất, góp phần giữ gìn, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Thứ hai, góp phần phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến trong nền kinh tế thị trường. Thứ ba là tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cán bộ của Đảng. Thứ tư là góp phần quan trọng nâng cao trong thực tế và tính thuyết phục về vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân ở nước ta. Thứ năm là góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của công cuộc đổi mới hiện nay. Vì vậy, phát triển đảng viên trong công nhân, lao động phải được coi là sự nghiệp lớn lao của Đảng.

Phát triển Đảng trong công nhân, lao động là hết sức cần thiết hiện nay. Ảnh: Thái Hiền


Có ý nghĩa quan trọng như vậy, nhưng kết quả phát triển đảng viên trong công nhân, người lao động gần đây chưa đáp ứng yêu cầu. 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 4-4-2008 của Thành ủy Hà Nội "Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước", toàn thành phố chỉ có 28.000 đoàn viên công đoàn được kết nạp Đảng, chiếm hơn 2% số công nhân, lao động. Tỷ lệ này còn thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ công nhân được kết nạp vào Đảng trên cả nước là khoảng 7%. Ngoài ra, sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của BTV Thành ủy về "Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn thành phố", số tổ chức đảng được thành lập mới trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn rất ít. Hầu hết các cấp ủy không hoàn thành chỉ tiêu. Cụ thể, sau một năm thực hiện Nghị quyết, toàn thành phố mới thành lập được 160 tổ chức đảng với 1.452 đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả phát triển đảng viên trong công nhân, người lao động ở Hà Nội những năm qua chưa đạt yêu cầu là do vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy còn hạn chế. Qua kiểm tra cho thấy, còn tình trạng cấp ủy thiếu trách nhiệm, chưa có quyết tâm chính trị trong việc chỉ đạo, thực hiện công tác phát triển đảng viên trong công nhân, lao động. Một số nơi, cấp ủy cấp trên khoán trắng cho cấp dưới, thiếu kiểm tra, đôn đốc, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn. Việc triển khai nghiệp vụ công tác Đảng chưa đến nơi đến chốn, còn hiện tượng qua loa, thiếu bám sát cơ sở.

Bên cạnh đó, đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân, người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp chưa bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường, bảo hộ lao động, thời gian làm việc, nghỉ ngơi; ít chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động. Một số khác còn vi phạm về chế độ bảo hiểm... Việc xây dựng nhà ở cho công nhân còn chậm. Hiện nay, mới có 5/8 khu công nghiệp và khu chế xuất xây dựng dự án, trong đó có 3 dự án đang triển khai thực hiện. Phần lớn công nhân vẫn phải đi thuê trọ, thiếu các điều kiện bảo đảm an toàn, sức khỏe… Hàng loạt vấn đề như vậy đã tác động đến tư tưởng, tình cảm của nhiều công nhân, lao động. Một bộ phận công nhân, lao động có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, không thiết tha với hoạt động xã hội, chính trị, không nhiệt tình tham gia công tác Đảng. Có trường hợp đảng viên trong các doanh nghiệp bỏ sinh hoạt chi bộ, không thực hiện các nhiệm vụ tổ chức giao. Đại diện Đảng ủy Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, đã mất nhiều công sức mà không thuyết phục được một số đảng viên chuyển sinh hoạt đảng từ khu dân cư về doanh nghiệp cho phù hợp.

Từ thực tế trên, không khó để thấy một lô gíc: Muốn phát triển đảng viên trong công nhân, người lao động, trước tiên phải bám sát đời sống công nhân, người lao động, giải quyết tốt hơn nhu cầu thiết yếu của họ - điều mà không ít cấp ủy còn thiếu quan tâm chỉ đạo thực hiện. Để "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã chỉ đạo các cấp ủy phối hợp với Công đoàn thành phố làm tốt hơn nữa công tác lựa chọn, giới thiệu công nhân, lao động ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Đặc biệt, các cấp ủy cần tập trung chỉ đạo giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân, người lao động. Hơn nữa, các tổ chức Đảng trong các loại hình doanh nghiệp cần phải đổi mới phương thức, nội dung sinh hoạt, nâng cao vai trò hạt nhân chính trị, tuyên truyền, thuyết phục giúp lãnh đạo các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện chế độ, chính sách với người lao động, đồng thời thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tổ chức Đảng phải nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên công nhân, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, có lý tưởng phấn đấu vào Đảng. Có như vậy, công tác phát triển đảng viên trong công nhân, người lao động mới đáp ứng yêu cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần quyết tâm và giải pháp thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.