Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành tích tới đâu, khen thưởng tới đó

Hương Ly| 18/06/2013 18:34

(HNMO) - Chiều 18-6, QH đã thảo luận tại hội trường về Luật Thi đua khen thưởng, thông qua Luật Khoa học và công nghệ sửa đổi.


Sau 8 năm thực hiện, Luật Thi đua, Khen thưởng đã được các tầng lớp nhân dân đồng tỉnh, ủng hộ. Từ khi có Luật Thi đua, công tác then thưởng có tiến bộ hơn và dần đi vào nề nếp, chất lượng được nâng lên, việc thẩm định hồ sơ khen thưởng và đề nghị khen thưởng của các cấp, các ngành được thực hiện theo quy định. Các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân, người lao động có thành tích, góp phần động viên, giáo dục, nêu gương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các loại hình khen thưởng như: thường xuyên, đột xuất, khen thưởng theo niên hạn, khen thưởng tổng kết các giai đoạn và khen thưởng đối ngoại đã được các cấp, ngành thực hiện kịp thời và thiết thực.

Song theo đánh giá của các ĐBQH, Luật thi đua, khen thưởng trên thực tế cũng bộc lộ nhiều bất cập. Tại một số bộ ngành, địa phương hoạt động thi đua, khen thưởng còn diễn ra một cách hình thức, chưa khuyến khích người dân thi đua đóng góp có ích cho xã hội. ĐB Nguyễn Minh Phương (đoàn Cần Thơ) nêu ý kiến, hoạt động thi đua, khen thưởng cần phải thực hiện kịp thời, thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó. Khi khen thưởng, cần lưu ý việc bình đẳng giới, bảo đảm quyền lợi chị em khi thai sản. Bởi các danh hiệu khen thưởng như chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến tuy là thành tích nhỏ, song nếu chị em không được xét duyệt khi nghỉ thai sản thì sẽ không có cơ sở để xét duyệt các hình thức khen thưởng cao hơn.
Dưới một góc nhìn khác ĐB Triệu Là Pham (đoàn Hà Giang) nêu ý kiến, quy định về việc khen thưởng trong cơ quan dân cử gồm: Hội đồng nhân dân và Đại biểu QH hiện chưa rõ ràng. Vì vậy cần có quy định khen thưởng riêng cho khối này từ trung ương đến địa phương, kể cả ĐB chuyên trách và kiêm nhiệm tạo điều kiện cho những cá nhân được khen thưởng vươn lên. Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, cần quy định rõ việc khen thưởng với các cơ quan dân cử, song cái khó nhất là làm thế nào để đánh giá đúng khi thực hiện khen thưởng, bởi nếu ai cũng được khen thì sẽ mất ý nghĩa của hoạt động này.

* Chiều cùng ngày, QH đã thông qua Luật Khoa học và công nghệ (KHCN) với hơn 87,75% đại biểu tán thành. Theo Luật KHCN, các hành vi bị cấm trong hoạt động KHCN gồm: lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khoẻ con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả KHCN. Tiết lộ tài liệu, kết quả khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước; lừa dối, giả mạo trong hoạt động khoa học và công nghệ và cản trở hoạt động khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng bị nghiêm cấm. Luật cũng quy định ngày 18-5 hằng năm là Ngày KHCN Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành tích tới đâu, khen thưởng tới đó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.