Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ chồng chéo chức năng, phình bộ máy

Hải Hà| 22/06/2013 06:31

(HNM) - Nên hay không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp là một trong những vấn đề trọng tâm, được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục lấy ý kiến nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với Báo Hànộimới, ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng nên thành lập cơ quan này cũng ngang bằng ý kiến có quan điểm trái ngược. Tuy nhiên, xét từ hoàn cảnh thực tiễn, có thể thấy, không thành lập Hội đồng Hiến pháp mà nâng cấp cả cơ chế và con người hiện hành để thực hiện quyền năng phán quyết, tạm đình chỉ các văn bản vi hiến là lựa chọn khả thi.

Xu hướng trên thế giới

Cơ chế giám sát, thực thi Hiếp pháp (bảo hiến) đang là xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu năm 1951 chỉ có 38% quốc gia trên thế giới có quy định về bảo hiến thì đến năm 2011 đã có 83% quốc gia cho phép tòa án có quyền giám sát việc thi hành Hiến pháp. Do đó, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vấn đề thành lập Hội đồng Hiến pháp để thực hiện chủ trương xây dựng cơ chế phán quyết về những hành vi vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp đã được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đặt ra. Nếu được thành lập, Hội đồng Hiến pháp không những được quyền kiến nghị xem xét, đánh giá tính hợp hiến của các văn bản pháp luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban hành mà còn được đề nghị sửa đổi bổ sung hoặc đề xuất bãi bỏ.

Dẫn ví dụ về mâu thuẫn giữa quy định của Luật Đất đai 2003 và Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 khiến các tranh chấp về đất đai trong nhân dân những năm gần đây không được giải quyết triệt để, Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ (đại biểu Quốc hội đoàn An Giang) khẳng định, "cửa kiểm duyệt" này sẽ là công cụ chủ yếu bảo đảm tính thống nhất cao của các văn bản pháp luật, nhằm bảo vệ công lý, lẽ phải, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Lê Ngọc Thoáng cũng đề nghị phải thành lập cơ quan bảo hiến bên cạnh cơ quan bảo vệ Hiến pháp hiện hành để có cơ chế phán quyết về những hành vi vi phạm Hiến pháp có thể xảy ra ngay trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Theo ông Lê Ngọc Thoáng, khi không có một cơ chế bảo hiến rõ ràng, cụ thể được xác định ngay trong Hiến pháp thì rất khó có thể bảo đảm rằng Hiến pháp sẽ được tôn trọng một cách tuyệt đối.

Nên cẩn trọng

Dẫu xác định ý nghĩa của một cơ quan có chức năng "bảo vệ Hiến pháp" là rất quan trọng, song Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình (đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp ở Việt Nam không phù hợp bởi tất cả chức năng, nhiệm vụ dự kiến giao cho cơ quan này đều gần giống như chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị thuộc Quốc hội.

Là người có thâm niên 4 lần phục vụ và tham gia Ban biên tập xây dựng, sửa đổi Hiến pháp qua các thời kỳ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cũng khẳng định, ngay từ khi có đề xuất này, ông đã không ủng hộ. Theo nghiên cứu của đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến thường phát triển mạnh ở những quốc gia có nhiều đảng phái chính trị. Khi các đảng phái tranh giành quyền lực trong việc nắm giữ bộ máy nhà nước hoặc các nhánh quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp có mâu thuẫn thì vai trò của Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến được phát huy, bảo đảm cho sự xung đột đó không làm phương hại đến lợi ích quốc gia và cộng đồng dân tộc. Ở nước ta, quá trình cách mạng dựng nước và giữ nước cũng như xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam ngày nay luôn bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, là yếu tố quan trọng cho mọi thắng lợi của cách mạng. Nhà nước ta thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân với nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp thì không nhất thiết phải có một tòa án hoặc Hội đồng Hiến pháp để phán xử về vấn đề liên quan đến phân chia quyền lực trong Hiến pháp.

Nghiên cứu trên cho thấy, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp cần được cân nhắc thận trọng. Trên thực tế, cơ chế bảo hiến trong hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay cũng đã khá đầy đủ, nhất là về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ các văn bản pháp luật trái với quy định, tinh thần và nội dung của Hiến pháp. Vấn đề ở chỗ lâu nay, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Cục Kiểm tra, rà soát văn bản pháp luật - Bộ Tư pháp được giao trọng trách này thực hiện chưa tốt. Do đó, không ít văn bản trái luật, cá biệt có quy định đi ngược lại Hiến pháp chỉ được phát hiện từ phản ánh của báo chí. Ví như Thông tư 02 ngày 13-1-2003 của Bộ Công an về hướng dẫn tổ chức cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đã quy định: "Mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe môtô hoặc xe gắn máy", đã hạn chế quyền sở hữu của công dân, được quy định tại Điều 58 Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, tăng cường năng lực của các cơ quan đang thực hiện cơ chế bảo hiến hiện thời, không thành lập Hội đồng Hiến pháp, vừa không làm chồng chéo chức năng, phình bộ máy, vừa phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ chồng chéo chức năng, phình bộ máy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.