Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ luật Dân sự phải trở thành nền tảng pháp lý của hệ thống pháp luật

Hà Phong| 22/06/2013 15:07

(HNM) - Mặc dù các quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 là nền tảng pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại.

(HNM) - Mặc dù các quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 là nền tảng pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại.Tuy nhiên, hệ thống văn bản hướng dẫn còn thiếu; nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2005 mâu thuẫn với luật khác, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Nhà ở… khiến quyền lợi của người dân chưa được bảo đảm.

Đây là phản ánh của nhiều đại biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 22-6.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, sáng 22/6. Ảnh: VGP


Nóng chuyện sở hữu đất đai

Theo phản ánh của nhiều địa phương, sở hữu đất đai là vấn đề phức tạp nhất trong luật. Theo Luật Đất đai hiện hành, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng tại Bộ luật Dân sự năm 2005, đất đai thuộc sở hữu Nhà nước. Mâu thuẫn này khiến Bộ TN&MT phải thừa nhận, bất động sản ở Việt Nam có một chế độ pháp lý đặc thù so với các nước khác trên thế giới.

Mặc dù vậy, theo quan điểm của Bộ TN&MT, tuy cơ chế thực hiện quyền sở hữu toàn dân còn lỏng lẻo, nhưng với việc ra đời chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, hình thức sở hữu tư nhân về đất đai bị xóa bỏ. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất khi được Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu trao quyền sử dụng đất thông qua các hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đang sử dụng ổn định, hợp pháp. Các chủ thể này không phải là chủ sở hữu đối với đất được giao mà chỉ là người có quyền sử dụng đất.

Thực tiễn xét xử lại cho thấy, với đất ở đã được giao ổn định lâu dài thì người sử dụng đất đã có các quyền "gần như quyền sở hữu". Mặt khác, ngoài các quyền bình thường như chiếm hữu, sử dụng, người sử dụng đất còn có các quyền khác mang tính định đoạt như chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, góp vốn… Rõ ràng, chừng nào quan điểm giữa cơ quan quản lý đất đai là Bộ TN&MT, tòa án, người sử dụng đất còn vênh nhau, pháp luật hiện hành chưa phân định rõ vai trò của Nhà nước với tư cách "đại diện chủ sở hữu" và vai trò thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai thì khiếu kiện đất đai càng nhiều, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là với trường hợp giá đất bồi thường thấp hơn so với giá thị trường hoặc trường hợp cùng một dự án nhưng có sự khác nhau về thời điểm thu hồi nên dẫn đến chênh lệch về giá đất.

Luật "đá" nhau

Một vấn đề nữa gây khó khăn cho người dân trong khi thực hiện các giao dịch về kinh tế, đó là Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Nhà ở, Luật Đất đai có những điểm mâu thuẫn. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vật hiện có hoặc vật hình thành trong tương lai và tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai. Luật Công chứng cùng chung quan điểm của Bộ luật Dân sự, nhưng còn đưa thêm một yêu cầu: Nếu thực hiện giao dịch này, công chứng viên phải chứng nhận "đối tượng của hợp đồng, giao dịch là có thật". Trong khi đó, việc chứng minh tài sản được hình thành trong tương lai, điển hình là với nhà trả góp, chung cư chưa có sổ đỏ lại không đơn giản, khó cắt nghĩa. Còn Luật Đất đai năm 2003 lại có quan điểm ngược lại. Văn bản này không thừa nhận và không cho phép người sử dụng đất có quyền thế chấp quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai. Quy định trên của Luật Đất đai năm 2003 và Luật Công chứng vô tình làm không ít cá nhân, tổ chức không vay được vốn tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc không công chứng được hợp đồng thế chấp cũng đồng nghĩa với việc không được đăng ký các giao dịch bảo đảm.

Đối với pháp luật về nhà ở, Luật Nhà ở hiện có cách tiếp cận khác với Bộ luật Dân sự 2005 về biện pháp bảo đảm. Theo Điều 324 Bộ luật Dân sự thì: "một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác". Ngược lại, Điều 114 của Luật Nhà ở lại nêu: "Chủ sở hữu nhà ở được thế chấp nhà ở để bảo đảm thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ nếu giá trị của nhà ở đó lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ nhưng chỉ được thế chấp tại một tổ chức tín dụng". Quy định này đã giới hạn chủ thể được nhận thế chấp đối với loại tài sản bảo đảm là nhà ở trong khi pháp luật dân sự không cấm một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng. Đáng tiếc là trong trường hợp trên, nếu muốn vận dụng Bộ luật Dân sự cũng không xong vì… thiếu văn bản cụ thể hóa.

Đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Bộ luật Dân sự có vị trí đặc biệt quan trọng, chi phối tới nhiều đạo luật khác trong hệ thống luật, tác động tới các giao lưu dân sự trong xã hội. Vì vậy, cần được cụ thể hóa, sửa đổi những điểm bất hợp lý để thực sự trở thành nền tảng pháp lý của hệ thống pháp luật. Từ thay đổi này, mới tạo được cú hích đáng kể thúc đẩy sự chủ động sáng tạo của các chủ thể tham gia các hoạt động giao lưu dân sự, hạn chế thấp nhất sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào giao lưu dân sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật Dân sự phải trở thành nền tảng pháp lý của hệ thống pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.