Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sâu sát, linh hoạt tháo gỡ khó khăn cho DN và giải quyết kiến nghị của nhân dân

07/07/2013 05:52

(HNM) - Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã bế mạc sau 6 ngày làm việc. Hànộimới Online xin trích phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo tại kỳ họp.

Để hoàn thành và hoàn thành với mức cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là: Cùng với việc tiếp tục thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của HĐND thành phố, cần tập trung triển khai những giải pháp thiết thực hơn và căn cơ hơn để tiếp tục kiểm soát thị trường, ổn định giá cả, tăng trưởng kinh tế với mức cao hơn, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, trật tự đô thị; tăng thu ngân sách, bảo đảm thu chi ngân sách địa phương, nhất là chi cho đầu tư hạ tầng đô thị, xây dựng nông thôn mới; ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, giữ vững ổn định để phát triển; cải cách hành chính mạnh hơn, kỷ cương hơn, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác điều hành, quản lý của bộ máy hành chính các cấp.

Về tăng trưởng kinh tế: Tập trung 7 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, lãi suất, thị trường, các điều kiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận và hấp thụ vốn, đồng thời giải tỏa hàng tồn kho và tình trạng đóng băng thị trường bất động sản. Giãn, hoãn một số khoản thuế, nghĩa vụ ngân sách, miễn giảm một số phí, lệ phí, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường đối thoại, lắng nghe, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là về thủ tục, cơ chế, chính sách.

Tiếp tục các chính sách hỗ trợ và khuyến khích nhằm ổn định và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là hỗ trợ dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng sản xuất hàng hóa, chế biến và tiêu thụ nông sản thực phẩm. Hỗ trợ vật tư, vật liệu cho xây dựng đường giao thông nông thôn, cùng với dồn điền đổi thửa, áp dụng chính sách này đối với hệ thống giao thông nội đồng, cứng hóa kênh mương, trạm bơm tưới tiêu nhỏ, hạ tầng kỹ thuật trang trại và vùng sản xuất hàng hóa, hạ tầng kỹ thuật khu chế biến nông sản thực phẩm; triển khai xây dựng Trung tâm hỗ trợ đào tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn thành phố.

Cùng với những giải pháp trên cần triển khai những giải pháp "tăng trưởng thông minh" ngắn hạn, tập trung lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch như mở rộng mạng lưới thương mại tới các tỉnh, đẩy mạnh thu mua, đại lý, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, tăng cường kết nối du lịch, gắn với các hoạt động triển lãm, hội chợ thương mại quốc tế và khu vực, đẩy mạnh tiêu dùng và xuất khẩu tại chỗ.

Nghiên cứu thành lập trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch cấp thành phố nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nhất là đầu tư FDI, xúc tiến thương mại cả nội và ngoại thương, khai thác tiềm năng, quảng bá du lịch...

Về thu chi ngân sách: Giải pháp chủ yếu và cũng là nhân tố quyết định nhất để tăng thu ngân sách vẫn là đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, bởi cơ cấu ngân sách nhà nước trên địa bàn chủ yếu vẫn là thu từ sản xuất kinh doanh và thu nội địa (95%). Do vậy, cần lựa chọn và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp căn cơ như nêu ở trên. Đồng thời với đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tận thu, chống thất thu những nguồn đã có; mặt khác phải thực hiện kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý và thu những khoản nợ đọng thuế, nợ đọng tiền sử dụng đất; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực thuế và quản lý thị trường (hiện nay theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, tổng nợ thuế khoảng 8.682 tỷ đồng, nợ tiền sử dụng đất khoảng 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên các doanh nghiệp và các chủ sử dụng đất đang rất khó khăn, khó có thể nộp đủ trong năm ngân sách).

Để bảo đảm cân đối thu chi ngân sách địa phương, cùng với phấn đấu thu ngân sách ở mức cao nhất để có nguồn chi ngân sách địa phương thì phải tiếp tục thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. UBND thành phố quyết định tiết kiệm chi thường xuyên thêm 10% nữa (tiết kiệm điện, nước, xăng dầu, hội nghị, hội thảo, công tác trong nước và nước ngoài...), cắt những khoản chi thường xuyên chưa phân bổ.

Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, chủ động rà soát cắt giảm, điều chuyển, bổ sung vốn, tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm của thành phố, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, các công trình dân sinh bức xúc và các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, lựa chọn những dự án hiệu quả và có điều kiện thuận lợi; giao cho các nhà đầu tư có năng lực đầu tư khai thác, quản lý, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách thành phố.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Về giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đây là một nhiệm vụ thường xuyên trọng yếu. Cùng với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp, các hình thức đang phát huy hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự vừa qua, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Về cải cách hành chính và công tác chỉ đạo, điều hành: Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả "Năm kỷ cương hành chính". Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, giám sát việc thực hiện cải cách hành chính, kịp thời nêu gương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Thực hiện tốt hơn yêu cầu công khai, minh bạch các thủ tục và hồ sơ hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân. Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức các cấp, nhất là vai trò nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Đây cũng là nhân tố quyết định trong việc cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, cải thiện hình ảnh và chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố.

Trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước, quyết liệt hơn, sâu sát hơn, linh hoạt hơn, nhất là trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân. Năng động sáng tạo, chủ động phối hợp tăng tính dính kết, hiệu quả trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm và sự đồng thuận xã hội.

(*) Đầu đề là của Hànộimới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sâu sát, linh hoạt tháo gỡ khó khăn cho DN và giải quyết kiến nghị của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.