Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2016

Bách Sen| 07/09/2013 07:34

(HNM) - Ngày 6-9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức hội thảo Chính sách bảo hiểm hưu trí và các khuyến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, với dân số ước đạt khoảng 90 triệu người vào năm 2013, Việt Nam là một quốc gia đông dân và đang trong thời kỳ dân số vàng. Nhưng đất nước ta chỉ mới bước ra khỏi danh sách một trong những nước nghèo để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Trong bối cảnh đó, vấn đề tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, trong đó bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi là một yêu cầu mang tính thời đại. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa thêm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung. Như vậy, ngoài việc tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện thì người lao động còn có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống khi nghỉ hưu. Đồng thời, để cân đối quỹ BHXH, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng. Ở phương án 1, từ năm 2016 trở đi, đối với CBCCVC cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ. Phương án 2, từ năm 2016 trở đi, CBCCVC cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2014) và thông qua vào kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2016

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.