Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác phát triển thanh niên Hà Nội: Giai đoạn mới, yêu cầu mới

Linh Nhi| 06/10/2013 07:04

(HNM) - Hiện nay, Hà Nội có khoảng 2,7 triệu thanh niên, chiếm khoảng 33% dân số thành phố. Ngoài ra, Thủ đô còn có số lượng lớn thanh niên ở các địa phương về sinh sống, học tập và lao động trên địa bàn

Cần nâng cao kỹ năng hoạt động xã hội, kỹ năng sống cho đoàn viên, thanh niên trong công tác phát triển thanh niên hiện nay. Ảnh: Bảo Lâm



Chú trọng phát triển cả lượng và chất

Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội có 112 cơ sở đoàn, với hơn 700.000 đoàn viên. So với cách đây 5 năm, số đoàn viên tăng hơn gấp đôi. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp thanh niên thành phố thu hút tổng số hơn 650.000 hội viên; Hội Sinh viên có 450.000 hội viên. Thời gian qua, chất lượng công tác phát triển thanh niên đạt kết quả tốt với 90% đoàn viên được học tập chương trình lý luận chính trị của Đoàn, 70% thanh niên tham gia các hình thức sinh hoạt, giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng, truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Các cấp bộ đoàn tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho hơn 300.000 đoàn viên, thanh niên (đạt 120% chỉ tiêu); giới thiệu và giải quyết việc làm cho hơn 48.000 thanh niên (đạt 107% chỉ tiêu). Nhằm thiết thực nâng cao kỹ năng hoạt động xã hội, kỹ năng sống cho đoàn viên, thanh niên, Thành đoàn đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho gần 100.000 đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt, công tác phát triển thanh niên cũng "vươn" tới các đối tượng thanh niên chậm tiến, với hơn 97.000 thanh niên được giúp tiến bộ, biết xác định mục tiêu, phấn đấu sống có ích cho gia đình và xã hội.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà cho biết, để có được kết quả đó, Thành đoàn đã thực hiện quyết liệt chủ trương hướng mạnh về cơ sở, tổ chức hiệu quả các hoạt động đoàn, nâng cao chất lượng chi đoàn ngay từ cấp cơ sở. Cụ thể là, tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng 27.000 chi đoàn, gặp mặt 1.000 bí thư chi đoàn để lấy ý kiến về tình hình hoạt động cấp chi đoàn, về tình hình tư tưởng đoàn viên, thanh niên để từ đó có những kiến nghị, đề xuất, tham mưu kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng tổ chức đoàn cũng như công tác phát triển thanh niên trong tình hình mới.

Thực tế, các cấp bộ đoàn có nhiều chương trình hoạt động sáng tạo, nhằm tăng hiệu quả phát triển thanh niên. Tiêu biểu, phong trào thanh niên tình nguyện vừa là dịp để thanh niên có cơ hội tham gia hoạt động của tuổi trẻ, thể hiện tinh thần xung kích vì cộng đồng, vừa có giá trị giáo dục tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ. Từ đầu năm đến nay, có 847 đội hình tình nguyện được thành lập trên địa bàn các quận, huyện, thu hút hơn 16.000 lượt thanh niên tham gia và hàng trăm CLB về giao thông được hình thành, với hơn 96.000 thanh niên giữ trật tự an toàn giao thông. Các cấp bộ Hội Liên hiệp thanh niên thành phố tổ chức hơn 400 buổi tuyên truyền giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng cho hơn 63.000 lượt thanh niên. Tư vấn pháp luật, tuyên truyền về nếp sống văn hóa, tổ chức tọa đàm thanh niên sống đẹp cho gần 40.000 lượt thanh niên...

Xác định mục tiêu phù hợp

Tuy đạt kết quả ấn tượng trong 5 năm qua nhưng thực tế cho thấy, xu thế phát triển của thời kỳ CNH, HĐH Thủ đô, quá trình đô thị hóa nhanh đã và đang ảnh hưởng đến công tác quản lý giáo dục, đoàn kết, tập hợp thanh niên, từ đó dẫn đến tình trạng thanh niên vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, sự phân hóa, chênh lệch về mức sống, trình độ học vấn, thu nhập trong thanh niên còn lớn. Một bộ phận thanh niên thiếu rèn luyện, tu dưỡng, sống thực dụng, bàng quan, dễ bị kích động, lôi kéo vào các hoạt động tiêu cực. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên, nhất là ở nông thôn còn cao...

Những thực trạng trên là vấn đề thời cuộc "nóng bỏng" của các cấp bộ đoàn Thủ đô và đặt ra yêu cầu mới đối với công tác phát triển thanh niên. Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Nguyễn Sỹ Trường nhận định, giai đoạn hiện nay rất khó thu hút, giữ chân thanh niên trước sự cám dỗ của các trò tiêu khiển, vui chơi giải trí đa dạng từ xã hội hiện đại. Do đó, Hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của dân tộc, của Thủ đô gắn với giáo dục đạo đức lối sống, nếp sống, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh niên, làm kim chỉ nam cho mọi hành động.

Thành đoàn vừa có kế hoạch cụ thể hóa chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020 của UBND thành phố. Trong đó xác định nâng cao chất lượng cán bộ đoàn cơ sở, đến năm 2015 có 50% bí thư chi đoàn có trình độ sơ cấp lý luận chính trị, 50% bí thư chi đoàn phường, xã, thị trấn có trình độ trung cấp lý luận chính trị, tỷ lệ này được xác định nâng lên thành 100% vào năm 2017. Cũng đến năm 2017, tổ chức đoàn quyết tâm trang bị kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội cho 90% thanh niên. Đặc biệt, nhằm hướng tới mục tiêu nâng tầm nhiệm vụ công tác phát triển thanh niên phù hợp thời đại mới, Thành đoàn xây dựng, triển khai cuộc vận động "3 xây, 3 chống" trong đoàn viên thanh niên. "3 xây" là nói thật làm thật, kỷ cương kỷ luật, thiết thực hiệu quả; "3 chống" là bệnh thành tích, quan liêu, bệnh hình thức.

Mục tiêu rõ ràng, phương hướng cụ thể, nhưng có đạt được mốc đó hay không, các cấp bộ đoàn cần có phân công cụ thể, cơ chế ràng buộc trách nhiệm của cán bộ đoàn chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn đoàn cơ sở, đồng thời cần chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá hàng quý, năm...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công tác phát triển thanh niên Hà Nội: Giai đoạn mới, yêu cầu mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.